Tết này con có mẹ

Đó là tiếng reo của bé Hùng, con trai chị Huỳnh Thị Thuận (nhân vật trong bài viết “Cướp không tha người khuyết tật”, Tuổi Trẻ ngày 22-1). Đã mấy năm rồi, Hùng mới được ăn tết với mẹ.

Tết này con có mẹ

 
Đó là tiếng reo của bé Hùng, con trai chị Huỳnh Thị Thuận (nhân vật trong bài viết “Cướp không tha người khuyết tật”, Tuổi Trẻ ngày 22-1). Đã mấy năm rồi, Hùng mới được ăn tết với mẹ.
  • Chị Châu làm kế toán của công ty xây dựng ở TP.HCM – đồng hương với chị Thuận – tình nguyện đưa chị Thuận về quê, giúp chị chuyển từ xe đò qua taxi, từ Nha Trang về Ninh Hòa (Khánh Hòa) – Ảnh: Thuận Thắng

 Một ngày cuối năm, chị Thuận reo vui qua điện thoại: “Có người dẫn giúp tôi về quê rồi. Có người sẽ khiêng tôi lên xe, đưa tôi về đến nhà để gặp mẹ, gặp con…”.

Đoàn tụ

Đã mấy cái tết rồi chị Thuận xa con. Chị tâm sự mình bị tật nguyền tứ chi, nghèo khó đến việc sinh hoạt riêng đã khó làm sao dám ước mơ trở về quê nhà. Những cái tết năm trước ngồi bán vé số ở xứ người, nhớ con nhớ mẹ chị chỉ biết ngồi gọi điện rồi khóc.

Một Việt kiều Mỹ về nước thăm nhà, đọc báo Tuổi Trẻ hay tin chị bị cướp vé số đã lặn lội xuống Đồng Nai và gửi biếu chị 5 triệu đồng như “bù” lại tiền mất vé số. Có những người không quen, không biết đã đến chỗ chị ngồi bán chia sẻ với chị vài tờ vé số, có người giúp chị một ít tiền và đề nghị cảnh giác với trộm cướp vé số. Rồi có một người quê Nghệ An thấy chị không có tay, chân đã dành thời gian phụ chị bán vé số, thối tiền…

Thậm chí chị Ngô Thị Ánh (21 tuổi, quê ấp Đông Hải, xã Ninh Hải, Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm công nhân đã hai năm qua giúp chị từng bữa ăn, đi lại với cuộc mưu sinh. Ánh bảo: “Tôi giúp chị Thuận đến khi tôi có chồng mới thôi!”. Tình người đầy ắp giữa bao cái xấu, cái ác còn lộng hành đã hiện lên một ông Bụt trong giấc mơ của chị Thuận.

Khuya 24 tháng chạp, vợ chồng anh Niển ở xóm nhà trọ nghèo tại ấp 5, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) lấy xe máy chở chị ra quốc lộ 1A để đón chị Châu, một người đồng hương ở thị xã Ninh Hòa đang làm việc ở Sài Gòn nhận đưa chị về quê. Nhấc từng chân tật nguyền trên chiếc xe khách giường nằm, chị Thuận cười rất tươi nhưng trằn trọc: “Mẹ với con nghe tôi về mừng lắm. Đang chờ tôi ở quê”. Chị Châu trấn an: “Rồi cũng về tới nhà thôi mà”. Chị nhoẻn miệng cười dù biết đoạn đường khoảng 420km từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) về thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng (Ninh Hòa) còn xa ngai ngái…

 

“Mẹ đừng đi xa nữa”

Cuộc đoàn viên của gia đình chị Huỳnh Thị Thuận diễn ra trưa 25 âm lịch (tức ngày 5-2). Khi người nhà bế chị Thuận xuống xe, bà Lê Thị Bạn, mẹ chị, đã ôm chầm lấy con mân mê từng sợi tóc rồi rơm rớm: “Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối đi con. Tật nguyền thế này mà đòi đi làm ăn xa không hà”. Một người dì của chị Thuận ở tận Long An xoa xoa thân hình tật nguyền của chị Thuận nói: “Nghe con về nhà ăn tết nên nán lại mấy ngày nay chờ nè. Khổ thân con, cứ đi làm ăn suốt!”.

Giây phút trùng phùng với gia đình đang diễn ra thì con chị Thuận, cháu Lê Thái Hùng (9 tuổi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học số 1 Ninh Phụng) đi học về. Hùng ôm chầm mẹ. Hai mẹ con cứ quất quýt. Khi bữa cơm trưa diễn ra, Hùng bắt đầu phụ mẹ bữa ăn, nước uống như những lúc mẹ ở nhà. Hùng múc thức ăn cho mẹ xong rồi bất ngờ bật khóc, nói: “Mẹ đừng bỏ con đi xa nữa nghen mẹ”. Chị im lặng, đôi mắt ngân ngấn nước nhưng cũng ráng đưa đôi tay cụt ngủn khều khều trên đôi má của đứa con trai vỗ về: “Mẹ về nhà ăn tết với con, với bà ngoại rồi mà”.

Chị đã cố an ủi con vì chị biết đã nhiều năm rồi con chị mong mẹ đừng đi xa nữa nhưng chị buộc phải mưu sinh trên khắp ngả đường. “Gặp con, gặp người thân trong gia đình với cái tết này tôi mừng lắm. Tôi hứa với con sau tết không đi bán vé số nữa nhưng chưa biết ra sao vì không đi làm kiếm tiền thì làm sao mẹ  và con tôi đủ sống”.

Nói về đứa con trai kháu khỉnh, chị Thuận tâm sự chị cũng là con người, cũng khát khao yêu thương có một mái ấm. Hùng chính là tài sản vô giá mà chị ráng nâng niu để cho Hùng cái chữ và giúp chị ở tuổi xế chiều. Vì vậy mà mấy năm rồi dù tật nguyền tứ chi chị vẫn rong ruổi đi bán vé số khắp nơi từ Khánh Hòa, Long An rồi đến Đồng Nai để kiếm tiền nuôi con và mẹ ở quê nhà. Nhưng cuộc sống cứ chật vật ở xứ người nên con chị chừng ấy tuổi chỉ mới học lớp 2. “Tôi khổ nhưng vui vì Hùng học khá”-chị Thuận tự hào.

 

 

 

 

 

 

Mẹ chị Thuận, bà Lê Thị Bạn, cho biết khi chị Thuận đi xa, Hùng vẫn ở bên cạnh bà. Hùng là đứa con hiếu thảo với mẹ và ông bà. Biết nội khổ, thi thoảng Hùng đi nhặt củi để cho ông bà nội nấu nước. Còn khi hỏi Hùng ước mong điều gì nhất, Hùng cười chúm chím: “Chỉ muốn mẹ Thuận ở nhà với con thôi!”.

Bà Bạn còn cho hay chính quyền cũng quan tâm hoàn cảnh đã giúp mẹ con chị Thuận mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Hùng cũng được miễn học phí nhưng chị Thuận vẫn muốn tự thân nuôi con, giúp mẹ nên đi làm ăn xa.