Dùng muỗi trị sốt xuất huyết

Ngày 26.1, chính quyền Malaysia cho biết đã thả khoảng 6.000 con muỗi đực thuộc loài Aedes aegypti được biến đổi gene vào một khu rừng nhằm đối phó với dịch sốt xuất huyết. Đây là thí nghiệm đầu tiên thuộc loại này được thực hiện tại Châu Á.

 

Dùng muỗi trị sốt xuất huyết

Ngày 26.1, chính quyền Malaysia cho biết đã thả khoảng 6.000 con muỗi đực thuộc loài Aedes aegypti được biến đổi gene vào một khu rừng nhằm đối phó với dịch sốt xuất huyết. Đây là thí nghiệm đầu tiên thuộc loại này được thực hiện tại Châu Á.

 

Muỗi Aedes aegypti.
Muỗi Aedes aegypti.

Thả muỗi vô sinh

Loại muỗi đực đã được biến đổi gene Aedes aegypti được thả vào một khu rừng hồi đầu tháng 1.2011, để khi chúng kết hợp với muỗi cái trong mùa sinh sản sẽ không thể đẻ được con hoặc con của chúng sẽ có tuổi thọ ngắn hơn và góp phần làm giảm dân số muỗi. Chỉ có loại muỗi cái Aedes aegypti mới mang mầm mống bệnh sốt xuất huyết, vốn đã làm 134 người tử vong tại Malaysia vào năm 2010.

Viện Dịch tễ Malaysia cho biết, thí nghiệm “đã thành công” và tất cả các con muỗi biến đổi gene này đều đã bị diệt bằng thuốc diệt muỗi. Cơ quan này cho biết chưa có kế hoạch thả đợt muỗi thí nghiệm kế tiếp vì còn chờ các đánh giá kết quả khoa học.

Song kế hoạch trên đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các nhà môi trường Malaysia, do lo ngại nó có thể gây ra các hậu quả không lường trước, chẳng hạn như tạo ra những loài muỗi biến đổi gene không kiểm soát. Những người chỉ trích còn cho rằng kế hoạch trên có thể tạo ra một khoảng trống trong hệ sinh thái và sẽ xuất hiện các loại côn trùng khác, mang đến những bệnh dịch mới. 

Ông Duane Gubler – Giáo sư chuyên ngành bệnh nhiệt đới tại Đại học Y Duke-NUS của Singapore – nhận định, kế hoạch trên có thể hữu hiệu trong việc chống bệnh sốt xuất huyết nếu được kết hợp với các biện pháp kiểm soát sinh học khác. 

Một thí nghiệm tương tự đã được tiến hành tại quần đảo Cayman hồi tháng 5.2010 đã giúp làm giảm tỉ lệ muỗi trong khu vực làm thí nghiệm. Theo báo cáo, đến tháng tám, số lượng muỗi tại khu vực đã giảm đến 80% so với vùng lân cận. Tỉ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết tại Malaysia đã tăng 52% trong năm 2010 so với năm 2009, trong lúc căn bệnh này hiện không có vaccine và thuốc đặc trị.

Đông Nam Á đối mặt dịch bệnh mới

Theo một công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí y học The Lancet ngày 25.1, Đông Nam Á đang phải đối mặt với sự xuất hiện của các bệnh mới, trong đó một số bệnh có khả năng đột biến thành đại dịch lây lan khắp thế giới. Nguyên nhân được chỉ dẫn là do tác động đồng thời của khí hậu nóng lên và hệ thống giám sát y tế yếu kém. Các tác giả cho rằng, với 600 triệu dân, Đông Nam Á hiện “là điểm nóng của các bệnh truyền nhiễm mới nổi”, đặc biệt là các loại bệnh đến từ súc vật như cúm gia cầm, do người và động vật sống quá gần nhau.

Theo nghiên cứu trên The Lancet, có nhiều yếu tố làm cho dịch bệnh dễ bùng phát tại Đông Nam Á như: Dân số gia tăng, lượng người di chuyển nhiều, đô thị hoá nhanh chóng, môi trường thay đổi, nạn phá rừng ngày càng trầm trọng… Các tác giả khuyến cáo, “vũ khí quan trọng nhất để đối phó với nguy cơ này là hệ thống giám sát y tế công cộng”.