Thêm một trung tâm đối thoại liên tôn và liên văn hoá

Ngày thứ Hai, 26-11-2012, “Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn và Liên văn hoá Quốc vương Abdullah Bin Abdulaziz” (KAICIID) sẽ được khánh thành tại Vienna, nước Áo, nhằm “thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá”. Đây là một tổ chức quốc tế độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Thêm một trung tâm đối thoại liên tôn và liên văn hoá

 

WHĐ (24.11.2012) – Ngày thứ Hai, 26-11-2012, “Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn và Liên văn hoá Quốc vương Abdullah Bin Abdulaziz” (KAICIID) sẽ được khánh thành tại Vienna, nước Áo, nhằm “thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá”. Đây là một tổ chức quốc tế độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Về vấn đề này, một thông cáo báo chí của Phòng Báo chí Toà Thánh công bố ngày 23-11-2012, cho biết:

Vào ngày thứ hai sắp tới 26-11-2012, tại Vienna sẽ khánh thành “Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn và Liên văn hoá Quốc vương Abdullah Bin Abdulaziz”. Như tên gọi cho thấy, Trung tâm này hình thành do sáng kiến của nhà vua Ảrập và do 3 “quốc gia sáng lập” xây dựng: Vương quốc Ảrập Saudi, Cộng hoà Áo và Vương quốc Tây Ban Nha.

Về phần mình, Toà Thánh đã nhận lời tham gia với tư cách “Nhà sáng lập quan sát viên” và sẽ gửi một phái đoàn cấp cao dự lễ khai mạc.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về động cơ và ý nghĩa của việc Toà Thánh tham gia sáng kiến ​​này. Cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã minh định:

KAICIID sẽ được khánh thành vào ngày thứ Hai tại Vienna là một tổ chức mới có mục đích thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá. Một mục tiêu như vậy luôn phải được đón nhận nhằm hướng đến sự hiểu biết và sống chung hoà bình giữa các dân tộc, là điều cấp bách cơ bản đối với nhân loại hôm nay và ngày mai. Nhà vua Ảrập Saudi Abdullah Bin Abdul Aziz đã đề cập đến dự án này với Đức Thánh Cha trong cuộc hội kiến tại Vatican ngày 6-11-2007.

Cần lưu ý rằng trung tâm mới này không phải là một tổ chức của riêng Ảrập Saudi, nhưng là một tổ chức quốc tế độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận, do 3 quốc gia thành viên sáng lập, hai trong số đó là các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Vì vậy, đây là một cơ hội và không gian cho đối thoại cần được khai thác; và thật là một điều tốt khi hiện diện tại đây để phát huy hơn nữa kinh nghiệm và thẩm quyền của Toà Thánh trong lĩnh vực đối thoại liên tôn. Quy chế Nhà sáng lập quan sát viên là quy chế thích hợp nhất để đảm bảo cho sự hiện diện này, vừa tôn trọng bản chất riêng của Toà Thánh vừa cho phép Toà Thánh trình bày những mong đợi của mình.

Cùng với các tôn giáo và các cộng đồng tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo tham gia Văn phòng các Giám đốc, để đề ra các sáng kiến cho Trung tâm.

Người đại diện đầu tiên của Công giáo tại KAICIID là Cha Miguel Ayuso Guixot, Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn. Đây là một cơ hội quan trọng để trình bày quan điểm của Giáo Hội về đối thoại, về con người và ơn gọi của mình, về đạo đức và tôn giáo, về các mối quan hệ xã hội, công lý và hoà bình tại một tổ chức cấp cao về văn hoá và quốc tế. Chắc chắn, điều này đã và vẫn được thực hiện trong nhiều dịp và tại nhiều cơ chế, nhưng sự đa dạng và đa nguyên của thế giới ngày nay đòi hỏi chúng ta mở rộng các hướng đi và cơ hội, hầu phát huy vai trò tích cực và những đề ​​nghị của Giáo Hội càng nhiều càng tốt.

Tất nhiên, với tư cách Nhà sáng lập quan sát viên, Toà Thánh sẽ không quên bày tỏ mối quan ngại của mình về sự tôn trọng thực sự các quyền cơ bản của các Kitô hữu trong các quốc gia có đa số người Hồi giáo, để thúc đẩy tự do tôn giáo theo nhiều hình thức khác nhau. Bằng cách này, Trung tâm mới tại Vienna sẽ đem lại một không gian thích đáng để những yêu cầu ấy có thể được trình bày và lắng nghe, hầu tìm ra các giải pháp thích hợp cho các vấn đề sẽ nảy sinh.

(Zenit, 23-11-2012)