Kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh

Ngày càng có nhiều học sinh sử dụng tài liệu tiếng Anh trong quá trình học tập. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia nhằm giúp học sinh đạt hiệu quả cao.

 

Kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) trong một giờ học tiếng Anh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Ngày càng có nhiều học sinh sử dụng tài liệu tiếng Anh trong quá trình học tập. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia nhằm giúp học sinh đạt hiệu quả cao. 

Hãy đọc lướt, tìm chủ đề

Trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức từ các tài liệu tiếng Anh, sẽ thật sai lầm khi đánh đồng khả năng đọc nhanh, đọc được nhiều với việc nắm bắt nội dung.

Vậy làm thế nào để trở thành một người đọc hiệu quả và rèn luyện kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh? Đặc biệt loại trừ được thói quen rất phổ biến của nhiều người là cứ mỗi khi cầm sách lên là đọc ngấu nghiến và kết quả là không lĩnh hội được nhiều thông tin. 

Lê Vân Quyên, chuyên viên một ngân hàng nước ngoài, chia sẻ: “Cần phải xác định mục đích cụ thể hay lý do tại sao bạn lại đọc tài liệu đó và phải tìm xem bạn cần đọc phần tài liệu nào? Đôi khi không nhất thiết phải đọc hết cả cuốn sách mà hãy chọn đọc các phần mục lục, phụ lục ở trang đầu và trang cuối của cuốn sách. Sau đó chú ý đến các đề mục của từng chương để nắm được nội dung của cuốn sách”.

N.K – biên dịch viên của một tờ báo có uy tín ở Việt Nam, khuyến cáo: “Đừng tra từ điển vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Và cũng không cần thiết phải đọc từng chữ, từng câu, bạn hãy đọc lướt qua một lượt tài liệu. Việc làm này vô cùng quan trọng vì sẽ giúp chúng ta tìm được “keyword” – từ quan trọng – chìa khóa để nắm được ý chính của văn bản bởi chắc chắn nó xuất hiện khá nhiều trong đó”.

Từ kinh nghiệm trên, các chuyên gia tiếng Anh của kenhtuvan.vn còn “bỏ nhỏ” rằng: “Hãy cố gắng đọc qua phần đầu và phần cuối mỗi chương sách. Hãy đảo mắt nhìn các mục và tiểu mục trong từng chương bởi chúng cho bạn biết trình tự ý tưởng mà tác giả trình bày. Bằng cách này bạn cũng nắm được ý chính của từng chương, từ đó tìm được ý chính của toàn bộ cuốn sách”. Tuy nhiên, để nhớ lâu thì cách tốt nhất là: “Sau khi đọc, bạn phải tự hỏi một số câu hỏi liên quan đến nội dung chính của bài. Muốn trả lời được, bạn phải ghi lại các ý chính trong quá trình đọc. Hãy viết các ý chính này như một bản tóm tắt để bạn có thể xem lại”.

Trăm hay không bằng tay quen

Giáo viên dạy môn toán bằng tiếng Anh của một trường THPT tại TP.HCM đưa ra lời khuyên giúp học sinh mở rộng kiến thức ngoài những nội dung có trong sách giáo khoa, được thầy cô giảng trên lớp. Giáo viên  này cho rằng: “Với sự tiện ích của internet như hiện nay, học sinh dễ dàng tiếp cận các tài liệu nước ngoài. Kinh nghiệm đọc chưa có, vốn từ chưa nhiều thì trước tiên các em nên chép lại và lưu giữ để đọc dần dần”.

Trần Trường Sinh, du học sinh tại Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm để tăng hiệu quả của việc đọc. “Nên chia nhỏ tài liệu ra để đọc và tự kiểm tra thông tin đã đọc trong sách sau khoảng 25 trang. Đừng nghĩ là phung phí thời gian vì còn phải đọc rất nhiều nhưng đây là hoạt động thiết thực vì nó giúp bạn nhớ lại những gì đã học”, Sinh nói.

Theo biên dịch viên N.K thì việc đọc tài liệu nước ngoài là “trăm hay không bằng tay quen”. Vì vậy mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút tự mình rèn luyện kỹ năng để dần cải thiện tốc độ đọc. Tuy nhiên, đừng nên ôm đồm, quá sức mà trước tiên cần chọn những tài liệu có mức độ khó phù hợp với trình độ của mình. Đặc biệt, để duy trì được thói quen này, giúp mình không nản chí, học sinh cũng nên chọn những tài liệu phù hợp với sở thích hay những đề tài mình thực sự quan tâm.