Sợ đến thành bệnh

Sợ sệt ngang xương ở người trước đó bình thường, thậm chí gan dạ, bao giờ cũng là dấu hiệu báo trước một căn bệnh nào đó sớm muộn sẽ xuất đầu lộ diện.

 Sợ đến thành bệnh

Nếu xét về cơ chế thì biết sợ là tốt để gia chủ liệu cách phòng ngừa. Tuy vậy cũng có loại sợ tưởng chừng không có cớ rõ ràng, như người sợ đi thang máy, sợ lên cao… Đáng nói hơn nữa, tình trạng lo sợ không rõ ngọn nguồn bỗng xuất hiện trong giai đoạn nào đó của đường đời vì liên quan đến sức khỏe.

 

Bạn thỉnh thoảng bị choáng váng, nhất là khi làm việc trí óc? – Ảnh: N.C.T.

 

Sợ sệt ngang xương ở người trước đó bình thường, thậm chí gan dạ, bao giờ cũng là dấu hiệu báo trước một căn bệnh nào đó sớm muộn sẽ xuất đầu lộ diện.

Lạnh chân hay chưa?

Cứ như chuyện kẹt xe, vấn đề tuy không đơn giản nhưng giải pháp thường khi lại không quá phức tạp. Nhiều khi chỉ cần chút ý thức. Muốn biết mình đang hay sắp bị nỗi sợ nuốt gọn hay không chỉ cần thử qua bài trắc nghiệm dưới đây.

1. Bạn thường có cảm giác hụt hơi hay có thói quen thở dài mới thấy khỏe trong thời gian gần đây?

2. Bạn thường có cảm giác như nghẹn họng mỗi khi phải tập trung vào công việc nào đó?

3. Trong ngày bạn hay có những đợt hồi hộp hoàn toàn vô cớ?

4. Bạn dễ có cảm giác nặng ngực hay thậm chí đau nhói trong lồng ngực mỗi khi cảm xúc?

5. Bạn hay đổ mồ hôi từng đợt ướt đẫm dù không hề vận động, cũng không gặp lúc trời nóng?

6. Bạn thỉnh thoảng bị chóng mặt choáng váng, nhất là trong khi làm việc trí óc?

7. Bạn hay buồn nôn nhưng không liên quan đến bữa ăn?

8. Bạn càng lúc càng có cảm giác bồng bềnh khi đổi tư thế đột ngột?

9. Bạn rất thường có cảm giác tê dại ở đầu ngón tay, ngón chân?

 

Đừng sợ lung tung

Không hẳn lúc nào hễ sợ cũng là bệnh nặng. Oan uổng là khác vì nhiều bệnh nhân đang được, nói đúng hơn, đang “bị” điều trị bệnh tim một cách không cần thiết chỉ vì hồi hộp, nặng ngực, chóng mặt. Đã vậy lại thêm khi siêu âm tim thấy hở đâu đó 1/4 hay 1/8 của van gì đó! Đáng tiếc vì không ít trong số họ trên thực tế chỉ là nạn nhân của “bệnh tim thần kinh” (heart neurosis) do ảnh hưởng của nỗi sợ trên hệ thần kinh giao cảm! Khỏi nói thêm cũng hiểu toa thuốc dù có dài như sớ táo quân thì nạn nhân vẫn… mệt, vì thuốc, vì tiền thuốc và tất nhiên càng lúc càng sợ lung tung!

10.  Bạn có cảm giác nóng bừng mặt hay lạnh cóng hai bàn chân?

 

11.  Bạn thỉnh thoảng bỗng run tay đến độ người đối diện cũng thấy?

12. Bạn nhiều khi thức giấc trong đêm vì cảm giác sợ chết trong lúc ngủ?

13. Bạn bị dằn vặt không ngừng vì cảm tưởng mình đang bị rối loạn tâm thần?

14. Cảm giác lo sợ của bạn đặc biệt rõ nét mỗi khi bạn phải quyết định điều gì khẩn cấp?

15. Càng lúc bạn càng lo sợ vô cớ với khuynh hướng kéo dài tâm trạng bất an cho dù vấn đề gây lo đã được giải quyết xong?

16. Nỗi lo sợ vô cớ càng lúc càng xuất hiện theo đúng nhịp trong ngày bất kể bạn vui hay buồn?

17. Bạn đánh mất nhịp sinh hoạt bình thường vì phải tìm cách tránh né những bối cảnh dễ kéo theo nỗi lo sợ?

18. Bạn vì quá sợ nên không thể sống và làm việc độc lập?

19. Bạn hầu như không thể thư giãn dù rất muốn?

20. Bạn càng lúc càng trở nên quạu quọ chỉ để che lấp nỗi sợ?

21. Bạn trở nên quá nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng, mùi vị nếu so với trước kia?

22. Bạn thường bị rối loạn tiêu hóa trong thời gian gần đây, cụ thể là tiêu chảy vô cớ?

23. Trái với trước đây, bạn lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe, thậm chí thái quá?

24. Bạn đã mất ngủ từ lâu?

Cứ sợ nhưng đừng quá sợ!

Chỉ cần gom đủ câu trả lời “Đúng rồi” cho 1/3 số câu hỏi nêu trên thì đã đến lúc bạn cần tìm thầy thuốc nào đó. Càng sớm càng tốt nhưng đừng trầm trọng hóa chuyện gần như thường tình. Trước mắt, không cần bác sĩ chuyên khoa cho phức tạp, miễn là tìm được thầy thuốc tin cẩn, để nhờ rà soát cho ra nguyên nhân dẫn đến tâm trạng bất an của bạn.

Trong đa số trường hợp, không phải là bạn đã vướng vào bệnh lý quá nghiêm trọng. Nhiều khi chỉ vì quá mệt mỏi trong vòng bế tắc của công việc hay vướng mắc chuyện gì đó. Để chữa bệnh thì cả đông lẫn tây y điều có liệu pháp hiệu quả. Khó chỉ ở chỗ không biết tìm đâu thầy thuốc chịu khó coi trọng đúng mức cảm xúc của người bệnh hay chỉ ầu ơ ví dầu rồi biên toa cho thuốc… kháng sinh!

Sợ nói chung là phản ứng tốt để gia chủ nhờ đó bớt phần ỷ lại. Tất nhiên cần được điều trị vì sợ sệt dù nhiều dù ít đều làm mất chất lượng của cuộc sống. Nhưng đừng vì thế mà đụng gì cũng sợ, nhất là sợ bị bệnh! Theo Voltaire, quá sợ cũng là hình thức bệnh hoạn. Thêm vào đó, chuyện gì cũng có ngoại lệ. Cũng có loại sợ không cần phải tìm thầy thuốc chi cho uổng, thậm chí càng sợ càng tốt là khác. Chẳng hạn cảm giác lo sợ áy náy mỗi lần phải lắng nghe tiếng nói của… lương tâm!