Cần người dân nói thẳng và nói một cách trung thực

“…Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Tất nhiên cuộc sống nó tinh tế lắm, tôi hiểu. Nhưng nếu tất cả chúng ta mà sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!”

 Cần người dân nói thẳng và nói một cách trung thực

Đó là đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, TP.HCM sáng 25.6.

 

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận ý kiến cử tri gửi gắm. Ảnh: Đoàn Quý

 

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng thẳng thắn: Chúng tôi cảm thấy rằng, sự lãnh đạo của mình có lỗi khi để cho người dân và đảng viên ngại nói ra sự thật, nhưng mặt khác thì đảng viên và người dân cũng phải có trách nhiệm của mình nữa, không thể thụ động. Bởi vậy, theo Chủ tịch nước, người dân và Nhà nước rất cần “trao đổi” qua lại với nhau để nó sáng rõ những vấn đề còn tồn tại, bức xúc và có một chân lý.

“Nên khi có dịp nói thì làm ơn, làm phước nói một cách trung thực, nói rất thẳng, dù lời thật mất lòng. Biết mà không nói là có lỗi rất lớn, nếu là dân thì có lỗi với đất nước, đảng viên thì có lỗi với Đảng. Tất nhiên cuộc sống nó tinh tế lắm, tôi hiểu. Nhưng nếu tất cả chúng ta mà sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào, Đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận 1 bày tỏ chưa hài lòng trong công tác quản lý, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế lớn gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mà không có ai chịu trách nhiệm. Cử tri cũng đặt nhiều vấn đề trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan trong những vụ việc như Vinashin, Vinalines, tăng thu phí, việc bổ nhiệm cán bộ, việc người nước ngoài có mặt tại những vùng “nhạy cảm” về an ninh, quốc phòng và chi tiêu công…

“Việc nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm còn chưa cụ thể. Nhận trách nhiệm, sửa chữa trách nhiệm vấn đề gì và người hỏi cụ thể, người trả lời cũng phải rất rõ chứ không thể chung chung được. Do đó, Quốc hội cần phải tăng cường giám sát lời hứa của các bộ trưởng, các ban ngành và địa phương…”, cử tri Lê Văn Minh, (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), đề nghị.

Trả lời cử tri về vấn đề trách nhiệm liên quan, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, về trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, chung quanh vấn đề hư hỏng, đổ vỡ, thất thoát, lỗ lãi của các tập đoàn, tổng công ty; vấn đề bổ nhiệm cán bộ… , tất cả những câu chuyện này chắc chắn là Nghị quyết Trung ương 4 sẽ kiểm điểm.

Còn chung quanh câu chuyện người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc làm ăn ở Việt Nam, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bối cảnh hiện nay khác xưa rất nhiều, người dân của Việt Nam ra các nước khác làm ăn cũng nhiều và ngược lại, nhưng đi đâu cũng bị điều chỉnh bởi luật của những nước đó cả. Cho nên cử tri và người dân cần hết sức bình tĩnh.

“Nhưng điều đáng trách là, luật của mình không đến nỗi là không có, rất là nhiều, nhưng tại sao anh cấp phép ở chỗ này liên quan tới quốc phòng, an ninh và một loạt chuyện khác… Vấn đề này thì phải hỏi cái ông có chức trách của mình là sở tại, vì bây giờ hầu như cái loại này là chủ tịch tỉnh ở địa phương cấp phép đầu tư nước ngoài. Chỗ nào quốc phòng, chỗ nào an ninh… bí thư tỉnh ủy chính là bí thư đảng của quân sự tỉnh, chủ tịch là thường vụ, phụ trách công an tỉnh… biết hết mọi chuyện và nắm trong lòng bàn tay, sao cứ để thế này? Nhưng nếu nói là bộ máy bị “tê liệt” thì chưa dám dùng, nhưng mà tệ hại quá”, Chủ tịch nước thẳng thắn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng mong rằng, cư tri, đảng viên khi phát hiện nơi nào sai thì nên góp ý, không nên chờ gặp mới nói mà có thể gửi thư. Đặc biệt là phải phối hợp với nhau để kiểm soát đất nước lại. Nếu phát hiện hay nghi ngờ gì cứ gửi thư đến những cơ quan có trách nhiệm vì những thông tin này rất quý, không thể bỏ qua bất cứ thông tin nào.