Vì tương lai hoà bình của biển Đông

Điều nguy hiểm của tranh chấp không chỉ đơn giản là sự kiểm soát một khu vực biển chiến lược và rộng lớn. Quan trọng hơn đó là tương lai của Đông Á.

 Vì tương lai hoà bình của biển Đông

Vai trò của Trung Quốc (TQ) tại biển Đông đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về biển Đông diễn ra hôm 4.11 tại Hà Nội.

Chính sách “mơ hồ chiến lược”

Mặc dù tất cả các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đều là thành viên của Công ước luật Biển 1982 (UNCLOS) và tất cả các văn bản ký kết trong phạm vi ASEAN về biển Đông đều kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng Đại sứ Rodolfo C.Severino – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) – vẫn quan ngại trước khả năng một quốc gia nào đó thấy rằng các quy định của luật pháp quốc tế không phù hợp với lợi ích “cốt lõi” của họ hay không có lợi cho sách lược mà quốc gia đó đã lựa chọn.

Ví dụ được ông Severino dẫn ra là trường hợp đường yêu sách chín đoạn (đường lưỡi bò) gần như ôm trọn biển Đông trên những bản đồ chính thức của TQ. Tấm bản đồ này chính thức được TQ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ năm 2009. Bất chấp những câu hỏi mà các nước ASEAN đặt ra, Bắc Kinh luôn từ chối cho biết chính xác đường chín đoạn có ý nghĩa gì.

Theo Đại sứ Severino, thực sự thì đường chín đoạn này không được định vị chính xác bằng hệ toạ độ và do đó chỉ đơn thuần là một đường vẽ trên bản đồ mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. “Liệu việc từ chối xác định vị trí chính xác của đường chín đoạn cũng như chỉ rõ các vùng mà đường này bao quanh có phải là một nỗ lực nhằm giữ “sự mơ hồ chiến lược” hay là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh và Đài Bắc chưa đạt được sự nhất trí về vấn đề này, hay là cả hai?”, Đại sứ Severino đặt câu hỏi.

Theo TS Renato Cruz de Castro (ĐH De La Salle, Philippines), khi bình luận về yêu sách biển bành trướng của TQ dựa trên niên giám lịch sử, một nhà phân tích người Mỹ đã nhận định như sau: “Đối với các quốc gia ven biển Đông, các yêu sách của TQ tương tự như việc một người hàng xóm của bạn tuyên bố rằng toàn bộ con đường trước nhà bạn là tài sản riêng của anh ta. Hơn nữa anh ta cũng tuyên bố rằng vỉa hè, đường lái xe vào nhà bạn và sân trước nhà bạn cũng thuộc về anh ta. Nếu bạn hay các hàng xóm khác phản đối, anh ta chối bỏ hiệu lực danh nghĩa mà bạn có và từ chối việc ra toà giải quyết”.

Theo GS Geoffrey Till (ĐH King, Anh), TQ bị rất nhiều nước coi là thiếu minh bạch trong chính sách đối ngoại nên người ta tập trung rất nhiều vào cái mà TQ làm hơn là chú ý vào điều nước này nói.

Trong một cố gắng nhằm xoa dịu các cuộc tranh cãi về biển Đông diễn ra vào giữa 2010, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Cảnh Nhạn Sinh nói: “Phù hợp với yêu cầu của luật pháp quốc tế, chúng tôi sẽ tôn trọng sự tự do đi lại của tàu thuyền hoặc máy bay từ những nước liên quan với điều kiện các nước này cũng tôn trọng luật pháp quốc tế”. Theo GS Geoffrey Till, điều này trên thực tế rất mơ hồ.

Vai trò của ASEAN

Dẫn chiếu lại bài học trong cuộc tranh chấp biên giới giữa TQ và Ấn Độ cho vấn đề biển Đông, TS Vijay Sakhuaja, Giám đốc nghiên cứu Hội đồng các vấn đề thế giới (Ấn Độ), cho rằng TQ đã tài tình đẩy các tranh chấp biên giới với Ấn Độ đến thời điểm tương lai và đã khéo léo khởi xướng hàng loạt các cuộc đối thoại biên giới. Theo đó xung đột được giải quyết theo mong muốn của TQ vào thời gian sau này khi mà TQ đã có được sức mạnh tổng hợp cần thiết. TS Vijay Sakhuaja cũng bày tỏ lo ngại của Ấn Độ về việc TQ diễn giải cái gọi là “lợi ích cốt lõi”. “Có thể thấy thông qua việc tuyên bố biển Đông là lợi ích dân tộc cốt lõi và đưa khu vực này lên ngang tầm với Tây Tạng và Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa thêm một yêu sách lãnh thổ. Nếu yêu sách này không bị thách thức, TQ sẽ dần đạt được sự chấp thuận trên thực tế của quốc tế”, TS Sakhuaja khẳng định.

Theo TS Renato Cruz de Castro, TQ đang sử dụng các chiến thuật chính trị cường quyền liên quan đến yêu sách lãnh thổ. Trong đó bao gồm việc đưa ra những yêu sách dựa trên lịch sử, áp dụng cách tiếp cận song phương để làm suy yếu ASEAN đồng thời dựa vào kế sách “chia để trị” trong đối phó với từng nước thành viên ASEAN và tạo ra một sự chia rẽ giữa ASEAN và Mỹ. Bên cạnh đó TQ cũng liên tục củng cố sức mạnh hải quân giúp họ giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo cách của mình.

Trong bối cảnh đó, vai trò của ASEAN sẽ ra sao? Theo ông Hà Anh Tuấn, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH New South Wales (Úc), ASEAN có lợi ích, trách nhiệm và khả năng để tham gia tích cực hơn trong vấn đề biển Đông và đóng góp vào quá trình giải quyết tranh chấp. Theo ông Tuấn, sự miễn cưỡng chấp nhận vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở biển Đông của TQ nên được thay đổi vì việc tích cực cùng ASEAN thúc đẩy hợp tác khu vực sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho TQ. Sự ủng hộ của TQ đối với vai trò của ASEAN sẽ đóng góp vào hoà bình và an ninh khu vực, điều tối quan trọng cho sự phát triển của TQ.

Theo TS Renato Cruz de Castro, là quốc gia yêu sách lớn nhất và mạnh nhất, TQ đang ở vị thế rất đặc thù. Hoặc TQ trở thành người chơi quan trọng nhất trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông; hoặc họ sẽ là trở ngại lớn nhất đối với việc giải quyết này.  Yêu sách biển mở rộng của TQ dựa trên niên giám lịch sử chiếm khoảng 80% biển Đông và theo hướng nam tiến. Yêu sách biển bành trướng này sẽ mang lại hệ luỵ trực tiếp đối với các quốc gia ven biển, đối với tự do hàng hải và đối với hoạt động hải quân.

Theo TS de Castro, điều nguy hiểm của tranh chấp không chỉ đơn giản là sự kiểm soát một khu vực biển chiến lược và rộng lớn. Quan trọng hơn đó là tương lai của Đông Á. Liệu khu vực có tránh được các cuộc cạnh tranh xung đột và chiến tranh mà châu Âu đã trải qua trước năm 1945 hay không? Hay liệu quá khứ của châu Âu có thể trở thành tương lai của Đông Á?