Trẻ có thể tự lập từ rất nhỏ

Từ lúc lên hai hoặc thậm chí bé hơn, nhiều trẻ đã được rèn tập tính tự giác làm những việc phù hợp với lứa tuổi và khả năng của mình.

 Trẻ có thể tự lập từ rất nhỏ

Từ lúc lên hai hoặc thậm chí bé hơn, nhiều trẻ đã được rèn tập tính tự giác làm những việc phù hợp với lứa tuổi và khả năng của mình. 

Tạo thói quen tốt

Từ hồi mới 1 tuổi, bé Lốp Lốp (ngụ ở chung cư Khánh Hội 2, Q.4, TP.HCM) đã thích chơi trò ném banh. Anh Vũ Văn Đông, cha của bé ngồi gần đó kín đáo quan sát con gái. Mỗi lần banh văng ra chỗ khác, bé nhõng nhẽo kêu lên: “Ba,…i…i” và giơ tay chỉ trái banh. Anh Đông nhẹ nhàng bảo: “Con tự đi lấy nhé”. Ban đầu, bé phụng phịu không chịu. Sau thấy nhớ “bạn banh” quá và muốn được chơi tiếp với “bạn ấy”, Lốp Lốp lụi cụi đi lượm. Anh Đông giải thích: “Không phải là mình không thương con. Có những việc phụ huynh không nên động tay động chân vào mà nên để con trẻ tập làm cho quen”.

27 năm trong nghề, từng đoạt giải thưởng Võ Trường Toản, cô giáo Trần Thị Thu Hà – trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) thường được phân công dạy lớp Gấu bông (nhóm tuổi từ 24 đến 36 tháng). Cô Hà cho biết đây là lứa tuổi bắt đầu đi học chính thức, mọi thứ đều lạ lẫm với các bé. Đặc biệt, khả năng nghe hiểu của các cháu còn hạn chế nên đòi hỏi các cô phải hướng dẫn từng li từng tí, vừa nói vừa thực hành để từng cháu làm theo. Theo cô Hà, 3 tháng đầu năm học là thời gian vất vả nhất với các cô. Qua giai đoạn này, nhiều trẻ đã tự làm được nhiều việc, như: lấy/cất đồ dùng đúng nơi quy định; đến giờ ăn biết tự lấy yếm đeo vào; xếp hàng chờ ăn hay chờ đến lượt chơi; thay dép khi vào nhà vệ sinh… Qua đó, giúp trẻ thêm sự tự tin và rèn tính kỷ luật, biết tôn trọng người khác, có tinh thần đồng đội…

Chị Tuyết Trang – người có con gái 3 tuổi rưỡi đang theo học tại trường Mầm non Hoa Lư (Q.1, TP.HCM) hồ hởi khoe: “Nhờ đi học, cháu đã hình thành những thói quen tốt. Vừa về nhà, cháu tự lấy đồ dơ trong ba-lô bỏ vào sọt, tự cởi giày, mở áo nón… Những lúc gấp gáp muốn làm nhanh hoặc sợ con mệt, chúng tôi “giành” việc của cháu thì cháu tỏ vẻ không đồng ý, nếu không muốn nói là hơi quạu quọ”.

Ở trường thôi chưa đủ

Nhiều cô nuôi dạy trẻ ở những trường mầm non cho hay, gần như lớp nào cũng có một số trẻ bướng bỉnh, không chịu làm hoặc thích… làm ngược lại những yêu cầu của cô. Theo các cô, ngoài cá tính của bé còn có nguyên nhân đến từ sự nuông chiều quá mức của phụ huynh. Một cô giáo kể: Có bé kiên quyết không chịu cất túi xách vào hộc tủ của mình. Khi cô nhắc nhở thì cháu “la làng” lên, nói rằng ở nhà mẹ con không cho con làm gì hết. Cô Trần Thị Thu Hà lưu ý: “Đối với những trường hợp trẻ có biểu hiện chống đối, nên điều chỉnh bé từ từ. Cô giáo và phụ huynh cần trao đổi thường xuyên để cùng giúp bé vào nề nếp. Tuyệt đối không nên gò ép, gây áp lực làm bé không muốn đi học nữa”.

Bà Nguyễn Kim Cúc – Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Trí Đức 1 (Q.Tân Phú, TP.HCM), phản ánh: “Nhiều phụ huynh luôn nghĩ con em mình là “cục vàng”, cái gì cũng muốn bảo bọc, làm thay. Chính vì vậy, hiện có rất nhiều trẻ lớn lên bị thiếu kỹ năng sống”. Bà Cúc cho hay, có những cha mẹ thích cõng con leo cầu thang lên lớp, dù con mình đã lớn. Gặp những lúc đó, bà Cúc và giáo viên trong trường nhắc: “Con ơi, hai chân của con đâu nào?”. Thế là trẻ tự động xuống đi bộ. Được biết, trong tháng An toàn giao thông (tháng 9), nhiều học sinh trong trường tự đạp xe đi tuyên truyền ở những tuyến đường nội bộ. Vào chiều thứ sáu hằng tuần, hầu hết học sinh đều tham gia làm tổng vệ sinh trường lớp…

Theo anh Nhật Thanh (ngụ P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), phụ huynh cần làm gương trước những điều đã dạy con. Bởi lẽ, đứa trẻ thường nhớ rất kỹ những điều được dạy đồng thời có sự quan sát, kiểm chứng và… phản biện trở lại. Mặt khác, nếu người lớn xem nhẹ tính tự lực của trẻ thì những nề nếp, thói quen các cháu học trên trường đều có nguy cơ trở thành công cốc.

Nói chuyện theo cách tiếp cận của trẻ

9 giờ sáng chủ nhật 30.10, tại Phòng truyền thống Nhà thiếu nhi TP.HCM (số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP.HCM) diễn ra buổi sinh hoạt (miễn phí) với chuyên đề “Nói chuyện với con theo cách tiếp cận của trẻ”.

Tại đây, phụ huynh có thêm những kỹ năng để hiểu và biết cách trò chuyện với con, tránh áp đặt theo quan điểm của người lớn. Báo cáo viên là chuyên viên tham vấn Ngô Minh Uy – Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố.