Đức Giáo Hoàng là nhà cải cách can đảm, âm thầm, cương quyết

Một số nhận định của Đức cha Bruno Forte, Tổng Giám mục Chieti-Vasto, về chuyến công du Cộng hoà Liên bang Đức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

 Đức Giáo Hoàng là nhà cải cách can đảm, âm thầm, cương quyết

Một số nhận định của Đức cha Bruno Forte, Tổng Giám mục Chieti-Vasto, về chuyến công du Cộng hoà Liên bang Đức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Mặc cho các dự đoán “bi quan tiêu cực” của giới truyền thông Đức, chuyến viếng thăm Cộng hoà Liên bang Đức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong các ngày 22 đến 25-9-2011 đã diễn ra rất tốt đẹp, khiến cho giới truyền thông “chưng hửng và xấu hổ”. Ngay trong ngày đầu, đa số các nhật báo đã thay chiều đổi hướng, bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục thái độ đơn sơ, kín đáo và khiêm tốn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và tiếp tục bình luận về chuyến viếng thăm.

Thật ra, kể từ khi Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng hồi năm 2005, giới truyền thông Đức thường coi ngài là người bảo thủ, nhưng trong lần viếng thăm nước Đức lần này, họ nhận ra nơi ngài một người cải cách, dịu dàng, sâu sắc, âm thầm, nhưng can đảm, kiên trì và cương quyết.

Ông Vittorio Possenti, Giáo sư Triết học Chính trị tại Đại học Venezia, bắc Italia, coi bài diễn văn Đức Thánh Cha đọc trước Quốc hội Cộng hoà Liên bang Đức là một bài diễn văn có giá trị rất cao, có nhiều điểm tương đồng với bài diễn văn đọc tại Regensburg ngày 12-9-2006 về đức tin, lý trí và đại học. Trong diễn văn lần này, Đức Thánh Cha nêu bật nhiệm vụ của các nhà chính trị là tạo ra các điều kiện nền tảng giúp đạt được công lý và hoà bình. Vì thế, quyền tích cực, và một cách triệt để hơn, quyền tự nhiên và luật luân lý tự nhiên không thể thiếu được, bởi vì tiêu chuẩn đơn thuần đa số không bảo đảm cho cho công lý và quyền lợi.

Liên quan tới các vấn đề nền tảng hơn như công lý, sự sống và bản vị con người, Đức Thánh Cha yêu cầu quy chiếu quyền tự nhiên đã được chính Thiên Chúa khắc ghi trong con người và trong bản tính con người. Theo Giáo sư Possenti, chính điều này dẫn đưa các nhà chính trị tới chỗ tìm kiếm công lý. Công lý là tên gọi khác của công ích. Đức Thánh Cha rất thường dùng từ “công lý” để diễn tả “công ích”. Một xã hội chính trị có một ý nghĩa và hiệp nhất, nếu chú ý tới vài thiện ích của toàn thể xã hội, chứ không phải chỉ chú ý tới thiện ích của các cá nhân.

Theo các tư tưởng gia cổ điển Hy Lạp, theo Thánh Tôma thành Aquino và Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh, nhiệm vụ cao cả của chính trị là lo cho thiện ích chung của người dân. Và công ích phải là sao bắc đẩu định hướng cho các nhà chính trị đích thực. Vượt ngoài các ý kiến trôi nổi, nó phải là sao bắc đẩu định hướng và dẫn đường cho công lý và công ích.

Vẫn theo Giáo sư Possenti, một cách sâu sắc, Đức Thánh Cha đã nhận diện ra trong chủ thuyết thực nghiệm pháp lý nền văn hoá thống trị xã hội ngày nay. Nhưng đối với chủ thuyết thực nghiệm pháp lý thì không có quyền tự nhiên cũng như không có luật lệ tự nhiên, mà chỉ có ý chí quyền lực đặt ra lề luật mà thôi. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết rằng ý chí chính trị thống trị không thể thiết định cái gì là quyền lợi hay không là quyền lợi của con người.

Ông Sandro Magister, nhà báo cộng tác với nguyệt san “Espresso” và là chuyên viên thu thập tin tức, đặc biệt là của Giáo hội Công giáo và Toà Thánh Vatican, thì nhấn mạnh trên diễn văn nói với các đại diện Giáo hội Tin lành Đức. Theo ông, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trình bày một cách hết sức rõ ràng quan điểm của ngài về tương quan đại kết với các Giáo hội Kitô nảy sinh từ cuộc cải cách của Martin Luther. Ngài đi thẳng vào trọng tâm tư tưởng khiến cho Luther khắc khoải suốt đời: đó là tương quan trực tiếp hơn giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế, cuộc đối thoại đại kết và tương quan với các Giáo Hội phải tập trung vào nòng cốt của các vấn đề, chứ không được chú ý tới các hình thái, đặc biệt là các hình thái cơ cấu, là các yếu tố gây đổ vỡ mạnh mẽ nhất giữa các Giáo hội Kitô.

Đức Thánh Cha cũng nêu lên hai thách đố mà các Giáo hội Kitô Âu châu phải đương đầu hiện nay: thứ nhất là việc rao giảng Tin Mừng và thứ hai là sự tục hoá. Mọi Giáo Hội, kể cả Giáo hội Công giáo, đều bị cám dỗ bởi sự tân tiến, pha loãng đức tin để cho nó dễ uống hơn đối với các nền văn hoá thống trị xã hội ngày nay. Đức Thánh Cha đã cảnh cáo kiểu giản lược Kitô giáo này cho phù hợp với nền văn hoá hiện đại. Đối với ngài, trái lại, phải thu thập các yếu tố không bị rữa nát trong các Giáo hội Kitô khác nhau để có thể lần ngược trở lên các chia rẽ xảy ra dọc dài các thế kỷ.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức cha Bruno Forte, thần học gia, Tổng Giám mục Giáo phận Chieti-Vasto, trung Italia, về chuyến viếng thăm nói trên, đặc biệt là buổi gặp gỡ các tín hữu Công giáo dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội tại Nhà Hoà nhạc Freiburg chiều Chúa Nhật 25-9.

Hỏi: Thưa Đức cha Bruno Forte, trong bài diễn văn nói với các tín hữu Công giáo dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã kêu gọi Giáo Hội tái khám phá ra căn tính đích thực nhất của mình, Đức Cha nghĩ gì về lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha?

Đáp: Diễn văn Đức Thánh Cha nói tại Nhà Hoà nhạc với các tín hữu dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội là một bài diễn văn rất sâu sắc và có sự tinh tế thần học. Đức Thánh Cha đã cảnh cáo tương quan với thế giới, mà chúng ta thường gọi là tính thích lạc thú, thích ăn chơi, và ngài mời gọi Giáo Hội và người của Giáo Hội lột bỏ mọi luận lý đời để sống theo tinh thần Tin Mừng, để là một Giáo Hôi chỉ giàu Thiên Chúa mà thôi: nghèo khó của cải thế gian để giàu cái khó nghèo của Thiên Chúa là tình yêu của Thiên Chúa.

Hỏi: Về điểm này, Đức Thánh Cha đã nói: “Được giải thoát khỏi các gánh nặng vật chất và chính trị và các đặc quyền đặc lợi, Giáo Hội có thể hiến thân hơn cho toàn thế giới”. Theo Đức Cha, làm thế nào để giải thích suy tư này của Đức Thánh Cha, mà xem ra như là một mong ước; xem ra đó là một suy tư có các hậu quả rất cụ thể?

Đáp: Dưới ánh sáng của điều mà theo tôi là chìa khoá giải thích sâu xa triều đại này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, triều đại giáo hoàng này là triều đại của một vị Giáo hoàng cải cách: Chúng ta không đứng trước một vị Giáo hoàng bảo thủ – như có người mong muốn – nghĩa là một vị Giáo hoàng tù nhân của quá khứ. Chúng ta đang đứng trước một vị Giáo hoàng đang làm việc rất nghiêm túc để canh cải Giáo Hội, mà không có bộ điệu bề ngoài và cũng không gây tiếng vang ồn ào.

Đức Giáo Hoàng hiểu sự cải cách như là việc canh tân dẫn đưa chúng ta tới chỗ đặt Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa vào trung tâm cuộc sống. Và chính ngài đã giải thích trong cuốn sách của ngài tựa đề “Dân mới của Thiên Chúa”, ngay từ đầu thập niên 1970 của thế kỷ vừa qua. Và đây chính là điều mà Đức Thánh Cha đang nhấn mạnh và yêu cầu Giáo Hội thi hành.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đây không phải là chuyện tìm ra các chiến thuật mới để tái phát động Giáo Hội, nhưng là để đem Giáo Hội trở về với căn tính đích thực của mình, bằng cách dẹp bỏ tất cả những gì chỉ là đức tin một cách bề ngoài, nhưng thật ra chúng là những quy ước và thói quen. Và còn hơn thế nữa, Đức Thánh Cha đã lên án tầm quan trọng thái quá, mà người ta gán cho việc tổ chức và cơ cấu hoá trong Giáo Hội. Thế thì trong tư cách là Giám mục, Đức Cha đọc các lời này của Đức Thánh Cha như thế nào?

Đáp: Tôi biết khá rõ về Giáo hội Đức, vì khi còn là linh mục trẻ, tôi đã sống bên Đức như là giáo sư và là người nghiên cứu. Hiện nay, Giáo hội Đức có các khía cạnh tuyệt vời, nhưng chắc chắn cũng có một khía cạnh mà Đức Thánh Cha biết rõ: đó là hiện tượng “bàn giấy hoá” Giáo Hội, nghĩa là một việc bàn giấy hoá to lớn, nó giống như là một cái máy to lớn, một cơ cấu nặng nề phải điều khiển và phối hợp. Sự kiện này kéo theo hậu quả là người ta bị cám dỗ coi Giáo Hội như là một guồng máy. Như thế, các lời này của Đức Thánh Cha cũng phải được đóng khung trong tương quan với thế giới Đức, với nước Đức, dĩ nhiên cả khi chúng cũng có giá trị đối với Giáo Hội hoàn vũ nữa. Đức Thánh Cha mời gọi đơn giản hoá cơ cấu, tập trung tất cả trên mục tiêu Tin Mừng là loan báo Chúa Giêsu Kitô với Lời của sự sống trong bác ái. Đây là các lời nói mạnh mẽ, can đảm, nhưng chúng đi theo đường nét của chân lý, cả khi chân lý có thể gây đau đớn cho chúng ta. Và Đức Giáo Hoàng đã chứng minh cho thấy điều đó, chẳng hạn như trong trường hợp vài giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em, bị Đức Thánh Cha lên án một cách mạnh mẽ, rõ ràng, và trong các khổ đau mà người cảm nhận được trong một cách thế nào đó cùng với các nạn nhân các vụ lạm dụng tính dục.

Hỏi: Liên quan tới vấn đề này, trong các lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói trong ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm nước Đức, các lời trong bài giảng thánh lễ tại Freiburg đã đánh động rất nhiều, khi Đức Thánh Cha so sánh những người bất khả ngộ, là những người không tìm thấy sự bình an vì vấn nạn liên quan tới Thiên Chúa, với những tín hữu đi nhà thờ chỉ vì thói quen và chỉ coi Giáo Hội là một cơ quan. Đức Thánh Cha nói những người đầu tiên gần Nước Thiên Chúa hơn những người thứ hai này.

Đáp: Đức Thánh Cha đã khiến cho các lời của Tin Mừng vang vọng lên, lời Chúa Giêsu nói rằng các người thu thuế và bọn đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các biệt phái và các kinh sư. Đức Thánh Cha đã đưa ra một chú giải rất chính xác, nghĩa là trong cái luận lý của Thiên Chúa, không có gia tài tự nhiên của ơn thánh, nghĩa là mỗi người có thể yêu sách là mình ở trong ơn thánh vì sự kiện đơn sơ, thí dụ như thuộc về Giáo Hội. Điều mà mỗi người phải làm là bước đi trên con đường nên thánh và liên tục hoán cải để có thể sống đẹp lòng Thiên Chúa, bắt đầu với các ơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ơn thánh không bao giờ là một đặc quyền. Nó là một bổn phận. Và cả hai đều phải đi đôi với nhau.

(RG 26-9-2011; 28-9-2011)