Bức tranh thêu và lá thư của Tổng thống Pháp

Không kể những lớp học của chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 1995 đến nay, chị đã dạy và truyền nghề miễn phí cho gần 1.000 người khuyết tật trong cả nước

 Bức tranh thêu và lá thư của Tổng thống Pháp

 

Từ “bàn tay vàng” mà người đàn bà có tấm lòng nhân ái Nguyễn Thị Hữu Hạnh (53 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tạo dựng thương hiệu tranh thêu Hữu Hạnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Cũng từ một bức tranh thêu, chị còn được Tổng thống Pháp Jacques Chirac (giai đoạn1995 – 2007) gửi thư khen ngợi.

Bàn tay vàng

Nhờ mẹ truyền lại mà ngay từ năm 12 tuổi, Hữu Hạnh đã đến với nghề thêu. Gia cảnh khó khăn, ban đầu chị chỉ thêu “cầm chừng” để giữ nghề như: thêu đai, phù hiệu và những bức chân dung.

 

Chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh tận tình truyền nghề – Ảnh: G.B

Năm 1985, khi đã có 30 bức tranh thêu làm vốn liếng, Hữu Hạnh thành lập tổ thêu tại nhà để làm hàng xuất khẩu (chủ yếu thêu drap trải giường, khăn bàn) cho Đông Âu và gia công một số mặt hàng khác cho Nhật Bản, Hàn Quốc. 3 năm sau, chị thành lập cơ sở tranh thêu tay Hữu Hạnh và năm 1999 chuyển thành Hợp tác xã (HTX) mỹ nghệ Hữu Hạnh. May mắn được học căn bản về hội hoạ từ nhỏ và với năng khiếu “trời cho”, nên chị vừa là hoạ sĩ vừa là thợ thêu. Những lúc rảnh, chị lang thang khắp phố phường, núi đồi Đà Lạt để ghi lại (chụp hình và vẽ) những chuyển động của đời sống con người, của tự nhiên hay những phong cảnh đẹp làm cảm xúc sáng tác. Chị là người vẽ thiết kế chính cho hầu hết sản phẩm của mình.

 

Tôi rất cảm động về lá thư của cô đề ngày 21.9 (năm 1997) và bức tranh thêu tuyệt đẹp. Bức tranh đã làm cho tôi phải chú ý. Tôi cám ơn cô rất nhiều. Bức tranh biểu hiện một nghề rất đáng chú ý mà thể hiện của nó bộc lộ nghệ thuật điêu luyện của người Việt Nam

Tổng thống Pháp Jacques Chirac

 

 

Nhờ kỹ thuật điêu luyện, cách phối màu tự nhiên, tranh Hữu Hạnh thể hiện nét độc đáo riêng với màu sắc, hình ảnh sống động như thật. Nét độc đáo khác của tranh thêu Hữu Hạnh còn thể hiện ở kỹ thuật thêu mũi ca rô – một kỹ thuật mà chị không có đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt năm 2008, chị đã sáng tạo và đăng ký bản quyền cho một kiểu tranh thêu nổi tĩnh vật (tranh 3D). Với loại tranh này, thời gian hoàn thành một bức gấp 3 lần so với một bức thêu bình thường và chủ yếu bán cho khách nước ngoài.

Bức thư của tổng thống

Trong phòng tranh trên đường Trương Công Định (TP Đà Lạt), chị Hạnh cho chúng tôi xem bức thư tay của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac gửi cho chị hơn 10 năm trước. Bức thư được đánh máy với nội dung: “Thưa cô! Tôi rất cảm động về lá thư của cô đề ngày 21.9 (năm 1997) và bức tranh thêu tuyệt đẹp. Bức tranh đã làm cho tôi phải chú ý. Tôi cám ơn cô rất nhiều. Bức tranh biểu hiện một nghề rất đáng chú ý mà thể hiện của nó bộc lộ nghệ thuật điêu luyện của người ViệtNam. Tôi cũng mong cô chấp nhận lòng kính trọng và quý mến của tôi”. Phần dưới bức thư, Tổng thống Chirac dùng bút mực ghi lại bút tích của mình “Với tất cả lòng chân thành”.

Chị Hạnh kể lại: “Năm 1997, đoàn bác sĩ từ thiện “Những người theo chân bác sĩ Yersin” của Pháp do bác sĩ Adoiphe Sohier dẫn đầu đến TP Đà Lạt. Bác sĩ Sohier là người sáng lập và làm chủ một nhà hộ sinh nổi tiếng ở Đà Lạt cách đây hơn nửa thế kỷ. Tình cờ, bác sĩ Sohier nhận ra tôi là đứa trẻ sơ sinh mà chính ông bế chào đời vào tháng 4.1958. Bác sĩ hỏi nhà tôi ở đâu, sinh năm nào? Tôi trả lời: “Dạ ở Trại Hầm, và sinh tháng 4.1958”. Tôi có nói thêm với ông rằng: “Má con nói, ngày xưa nếu không có bác sĩ Sohier thì con chết rồi”. Lúc đó, bác sĩ Sohier mới nói: “Đúng rồi! Hồi đó tôi đã chăm sóc, đỡ đẻ cho cả khu Trại Hầm”. Sau đó, ông nhận tôi làm con đỡ đầu và tôi đã đồng ý”. Bất ngờ hơn, bác sĩ Sohier lại chính là bạn học thuở nhỏ của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. “Ông kể cho tôi nghe về ngài Tổng thống và gọi điện về Pháp khoe cô con gái nuôi là tôi cho tổng thống biết” – chị nói.

Khi đoàn bác sĩ từ thiện chuẩn bị rời Đà Lạt, chị Hạnh được chỉ định chọn quà để tặng khách. Chị quyết định chọn thêu chân dung Tổng thống Jacques Chirac để làm quà. Từ một tấm ảnh chân dung tổng thống đăng trên báo, chị phóng tác lại và thêu gấp rút trong vòng một tháng. Sau đó, bức chân dung này được đến tay Tổng thống Jacques Chirac. “Tôi thật bất ngờ,hơn 3năm sau ngày gặp bác sĩ Soheir (năm 1997), thì đến ngày 4.5.1999 tôi nhận được một bức thư đặc biệt và nhiều ý nghĩa gửi từ Pháp của ngài Tổng thống Jacques Chirac” – chị Hạnh chia sẻ.

 

Bức thư của Tổng thống Pháp Jacques Chirac

Tấm lòng vàng

 

Đến nay, tranh thêu Hữu Hạnh đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hữu Hạnh đã đoạt 2 giải thưởng Bàn tay vàng, 6 huy chương vàng, bằng công nhận nghệ nhân và nhiều bằng khen, giấy khen khác trong các hoạt động kinh doanh, sáng tạo và duy trì nghề truyền thống.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Hữu Hạnh đã đoạt giải thưởng “Dải băng xanh 2010” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng nhờ có thành tích xúc tiến việc làm cho người khuyết tật

 

Trong xưởng thêu của chị, chúng tôi thật bất ngờ và xúc động khi nhìn thấy nhiều lao động là người khuyết tật (bị bại liệt hay khiếm thính) đang miệt mài với đường kim mũi chỉ. Qua những câu chuyện chị kể, chúng tôi nhận ra người đàn bà được công nhận nghệ nhân khi chưa đầy 40 tuổi này còn có một tấm lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc những mảnh đời kém may mắn. Với tất cả tấm lòng, chị đã truyền dạy nghề thêu cho những hoàn cảnh bất hạnh và tạo cho họ công ăn việc làm ổn định, hoà nhập cuộc sống.

Không kể những lớp học của chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 1995 đến nay, chị đã dạy và truyền nghề miễn phí cho gần 1.000 người khuyết tật trong cả nước. Không chỉ với người khuyết tật, chị còn đỡ đầu và truyền nghề thêu cho hàng chục phụ nữ bị HIV đang sinh hoạt tại CLB Xanh (Nha Trang, Khánh Hoà) để họ có kế sinh nhai và tìm thấy niềm vui trong lao động.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị sụt sùi rơi nước mắt khi kể về những cảnh đời bất hạnh. Đáng nhớ nhất là chuyện về chị Trần Thị Hồng Oanh (ở Phú Yên, bị bại liệt), khi xem ti vi biết được cơ sở thêu của chị nên đã gửi thư ngỏ ý muốn được học nghề để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. “Qua bức thư, tôi không cầm được nước mắt và lặn lội xuống nhà em để truyền nghề thêu. Đến nay, Oanh đã trở thành một người thợ thêu giỏi, tự nuôi sống bản thân và còn là trưởng nhóm của một nhóm thêu ở Phú Yên” – chị Hạnh cho hay.