Prigi, “thám tử của dòng sông”

Bằng những hoạt động như thế, Prigi đã nhân lên tình yêu môi trường nơi hàng ngàn học sinh và người dân trong vùng.

 Prigi, “thám tử của dòng sông”

Hai ngày với Prigi Arisandi, đi từ nhà đến văn phòng, đến công ty một thời gây ô nhiễm, chèo thuyền từ thượng nguồn xuống hạ nguồn dòng sông rồi lang thang trong rừng sâu tĩnh lặng, tôi thấm thía nhất một câu nói của anh: “Tất cả những gì làm từ trái tim đều dễ dàng”.

13 năm một mình tìm tài liệu chống lại các công ty làm ô nhiễm sông Surabaya với Prigi là một việc làm của tình yêu. Ở Indonesia, nhiều người biết đến cái tên Prigi Arisandi và gọi anh là “thám tử của dòng sông”.

Cuộc chiến 10 năm

Prigi sinh trưởng ở thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java, Indonesia. Dòng sông Surabaya nuôi nấng tuổi thơ tắm sông, chơi nước của Prigi trở nên đen và hôi thối… từ đầu những năm 1980, chỉ vài năm sau khi các ngành công nghiệp mọc lên ở đây. Dồn cục trên sông là những ụ bột giấy, rác thải.

Còn chuyện dòng sông cũng là câu chuyện cuộc đời anh. Từ năm 1998, Prigi bắt đầu lưu giữ có hệ thống các tài liệu chứng minh sông Surabaya bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy công nghiệp. Anh phát hiện cứ vào mùa khô, khoảng tháng 10 hằng năm lại xuất hiện cá chết hàng loạt. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết ô nhiễm thủy ngân ở sông Surabaya cao hơn 100 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Thủy ngân có trong máu và sữa mẹ ở những phụ nữ sống ven bờ sông Surabaya. Và tỉ lệ ung thư ở trẻ sống ven sông Surabaya là cao nhất. Nhiều trẻ em trong vùng bị thiểu năng trí tuệ.

Sau 10 năm thu thập dữ liệu, năm 2008 Prigi có hẳn một danh sách những “đại gia gây ô nhiễm” trong vùng. Anh đệ đơn kiện 25 nhà máy. Thắng vụ kiện lịch sử: 4 trong số 25 nhà máy phải bồi thường 90 triệu rupiah (10.530 USD) để khắc phục hậu quả, một tổng giám đốc lãnh 6 tháng tù vì đổ lén chất thải chưa xử lý vào môi trường và các công ty phải cam kết đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng nghĩa.

Trong vụ kiện này, chính phủ đã chấp nhận bốn yêu cầu của Prigi để cứu môi trường, bao gồm:

1. Phải nghiên cứu xếp loại ngưỡng chịu ô nhiễm của các con sông ở Indonesia.

2. Đến năm 2011 phải giảm 15% chất gây ô nhiễm trên sông Surabaya.

3. Tăng cường các biện pháp pháp lý và hành chính để bảo vệ môi trường: cảnh sát môi trường thường xuyên kiểm tra, xây dựng các trạm kiểm soát ô nhiễm dọc bờ sông và kiểm tra mức độ ô nhiễm mỗi giờ.

4. Liên tục truyền thông trên báo đài để tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

 

Những “cảnh sát môi trường” của Trường cấp II Wonosalam phân loại sinh vật tìm được từ dòng suối – Ảnh: Hồng Vân

Prigi sinh ngày 21-1-1976, thạc sĩ chuyên ngành sinh học, người sáng lập Ecoton. Tháng 4-2011, Prigi được trao giải thưởng môi trường Goldman, giải thưởng cao quý nhất của Mỹ trong lĩnh vực môi trường đảo do những đóng góp trong bảo vệ sông Surabaya. Prigi đã dùng số tiền thưởng trị giá 150.000 USD để xây một ngôi trường chuyên dạy về môi trường cho trẻ em.

Tại Indonesia, Prigi là đại diện cộng đồng tham gia góp ý các chương trình môi trường của cơ quan nhà nước và là một trong những người đầu tiên đưa môn học về môi trường trở thành môn chính khoá dạy trong chương trình giáo dục ở Indonesia, thí điểm ở tỉnh Đông Java.

3 nguồn sức mạnh bí mật

Năm 1999, Prigi sáng lập Tổ chức môi trường Ecoton chuyên giám sát môi trường trên sông Surabaya. Trong những năm đầu hoạt động, có lúc khó khăn đến nỗi anh phải bán những đồ đạc có giá trị trong nhà hoặc đem thế chấp ngân hàng để có tiền trả lương các nhà nghiên cứu cùng cộng tác. Bản thân Prigi cũng hai lần bị cảnh sát bắt và tạm giữ vì tổ chức và tham gia biểu tình trước công ty gây ô nhiễm, lần gần nhất vào năm 2004.

Có ba nguồn sức mạnh bí mật giúp Prigi vượt lên những khó khăn. Người cha, nay đã mất, cả một đời chỉ căn dặn anh một điều: “Hãy nói sự thật cho dù nó không tốt cho con”. Người vợ và ba cô con gái. Và niềm tin mà như Prigi nói, “sẽ bảo vệ tôi trong lúc tôi bảo vệ môi trường”.

Một tình yêu nhân lên nhiều tình yêu

Với Prigi, làm nhà môi trường có nghĩa là… phải làm một nông dân để chỉ cho họ cách trồng cây bằng phương pháp hữu cơ; phải là người lái đò để đưa học sinh, sinh viên tận mắt chứng kiến sự lây lan của ô nhiễm trên sông; phải là nhà nghiên cứu, người thầy, người thuyết giảng, người thương thuyết, người viết báo, người làm phim, luật sư, nhà sinh học và có đôi khi còn phải là người vác đơn đi kiện… Tất cả “những người ấy” chỉ để mọi người quan tâm đến môi trường.

Prigi đặc biệt chú ý xây dựng lòng yêu môi trường trong học sinh. Một khi có tình yêu với thiên nhiên, tình yêu đó sẽ theo các em suốt đời và tác động đến nhiều người khác. Tổ chức môi trường của Prigi tổ chức những buổi dã ngoại mời học sinh dọc sông Surabaya tham gia, chỉ cho các em cách phân biệt sông sạch và sông bị ô nhiễm thông qua việc đếm các loài côn trùng, vi khuẩn và sinh vật chỉ định có mặt trong nước sông.

Từ thượng nguồn, chúng tôi dọc theo con suối ở Wonosalam chảy vào sông Brantas, sông mẹ của sông Surabaya, với nhóm “cảnh sát môi trường” là câu lạc bộ các học sinh cấp II ở Trường Wonosalam thuộc huyện Jombang, cùng lỉnh kỉnh những cái vợt, hộp đựng và bảng phân loại sinh vật. Các bạn nhỏ lật từng cục đá để đếm sinh vật bên dưới, vớt ngẫu nhiên nhiều lần ở một điểm để thống kê đa dạng sinh học.

Số khác đếm thực vật hai bên bờ suối và dọn rác. Số lượng và số loài côn trùng trong nước có thể cho biết chất lượng nước bởi một số loài không thể sống được nếu nước có hóa chất, chất tẩy… Ngược lại, khi nước ô nhiễm, rong rêu, ốc và một số loài sinh vật khác sẽ chiếm đa số. Với phương pháp của Prigi, một học sinh 15 tuổi cũng có thể làm nhà bảo vệ môi trường.

Rồi chúng tôi đến hạ nguồn, nơi tập trung khoảng 7.000 dân cư và 200 nhà máy. Đi hết chiều dài dòng sông, các học sinh đã chứng kiến từ nơi con sông sạch như thế nào đến chỗ dòng sông đang dần bị hủy hoại ra sao. Không có gì lạ khi các học sinh ở tỉnh Đông Java đã gửi một bức thư cho ngài thị trưởng Soekarwo, trong đó mang thông điệp hãy bảo vệ dòng sông Brantas và Surabaya.

Bằng những hoạt động như thế, Prigi đã nhân lên tình yêu môi trường nơi hàng ngàn học sinh và người dân trong vùng. Khi chúng tôi chèo thuyền trên sông, một người đàn ông đứng trên bờ vẫy tay chào: “Ecoton!”.


Công chúng kiểm soát, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội

Ông Adiprima Suraprinta, giám đốc đối ngoại của Tập đoàn báo chí Java Times, sở hữu 200 đầu báo, tạp chí của Indonesia, cho biết: Trước đây, nhà máy xử lý giấy tại Gresik, Đông Java của tập đoàn nằm trong nhóm “màu đen”, nhóm các công ty gây ô nhiễm nhất, xả ra 80-100 tấn rác giấy mỗi ngày dù đã thuê một nhà thầu xử lý toàn bộ rác thải.

Sau cuộc vận động bạn đọc tẩy chay tờ báo của Prigi và phản ứng mạnh sau đó của chính quyền, khoảng năm 2004 công ty đã quyết định tự đầu tư một hệ thống xử lý nước thải trị giá hàng tỉ rupiah để xử lý 4.000m3 nước thải mỗi ngày. Mỗi tháng chi phí cho hệ thống xử lý nước thải tốn 2-3 tỉ rupiah (234.000-351.000 USD). Nước sau xử lý được đưa vào bể cá, an toàn cho cá mới được xả ra sông. “Là sai trái nếu chúng tôi không đối xử tử tế với môi trường. Công chúng kiểm soát chúng tôi và chúng tôi có trách nhiệm xã hội với bạn đọc”, ông Suraprinta nói.

Hiện nhà máy xử lý giấy của Tập đoàn Java Times tại Gresik xếp hạng “xanh dương” nằm ở mức thứ ba trong thang đánh giá các công ty gây ô nhiễm. Theo thứ tự giảm dần, công ty tử tế với môi trường được xếp hạng xanh lá cây, vàng, xanh dương, đỏ và đen. Các công ty xanh lá cây và vàng hằng năm sẽ được tuyên dương.