Phát hiện sớm bệnh Tự Kỷ ở trẻ

Bệnh Tự Kỷ được hiểu ngắn gọn là bệnh rối loạn phát triển lan toả, biểu hiện ở 3 lĩnh vực ngôn ngữ, quan hệ xã hội và hành vi

PHÁT HIỆN SỚM BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ

Theo bác sĩ Thái Thanh Thuỷ, có thể phát hiện được trẻ mắc bệnh Tự Kỷ từ khi còn rất nhỏ (trong 6 tháng đầu), với những biểu hiện: trẻ không vui mừng khi thấy mẹ lại gần; trẻ không có “nụ cười xã hội” (nhếch mép cười khi nhận ra người thân ở tháng thứ 3); không thích thú khi được người thân chăm sóc; trẻ thường tỏ ra bình lặng, tỉnh bơ trước giọng nói hay gương mặt của bố, mẹ; trẻ có cử chỉ tránh né khi hai mẹ con đối diện nhau. Về hành vi: trẻ quá ngoan hoặc quá khó tính, không có phản ứng thích nghi (không mở tay đón nhận khi mẹ đưa tay bế). Về ngôn ngữ: trẻ không có âm sơ khởi (không bi bô như những trẻ khác). Về cơ thể: trương lực cơ ở cổ quá cứng, hoặc quá mềm. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi, có 3 triệu chứng báo động cần lưu ý: nhìn sửng sốt như bị thu hút những vật thể quay tròn; hay ve vẩy những ngón tay…; tỏ vẻ xa cách đối với đồ vật, đồ chơi nhưng lại chú tâm đến những thứ lạ như khe hở, hạt bụi, lỗ rách ở tấm màn, nệm…; không hề sợ người lạ (lúc 8 – 9 tháng). Ngoài ra, cần chủ tâm đến 3 biểu hiện đi kèm là: không vui mừng sau một giấc ngủ tỉnh dậy thấy mẹ đến gần; có những cử chỉ điệu bộ không phù hợp với môi trường; có thái độ thờ ơ, lãnh cảm với môi trường xung quanh.

Bệnh Tự Kỷ được hiểu ngắn gọn là bệnh rối loạn phát triển lan toả, biểu hiện ở 3 lĩnh vực ngôn ngữ, quan hệ xã hội và hành vi. Trước đây, người ta cho rằng nguyên nhân của bệnh Tự Kỷ là do vấn đề gia đình (cha mẹ không quan tâm đến con cái, thiếu sự gần gũi yêu thương, …) , nhưng hiện nay người ta còn chấp nhận yếu tố gây bệnh là do có sự rối loạn chức năng của não. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết, chứ chưa có một xác định nào chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh.

Trẻ mắc bệnh Tự Kỷ thường rất khó hoặc không tiếp xúc với người khác (kể cả cha mẹ); làm ngơ với sự vật xung quanh; không có khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác (trẻ đối xử, xem người khác như đồ vật, như không khí); trẻ không tiếp xúc với người khác bằng mắt (vì thế, nếu buộc trẻ nhìn mình, trẻ sẽ nổi cơn giận dữ ghê gớm). Ở lĩnh vực hành vi, trẻ cũng bị nổi loạn: trẻ hay bực bội, lo lắng, thậm chí hung hăng khi có những thay đổi bất ngờ trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều khi trẻ tấn công người khác một cách vô lí, hay hành vi lặp đi lặp lại về cử chỉ, điệu bộ, câu hỏi. Đặc biệt trẻ tự kỷ rất thích các vật xoay tròn như quạt máy, thích lật xe đồ chơi lên xem bánh xe quay tròn. Rối loạn về ngôn ngữ: những trẻ mắc bệnh hầu như không hiểu về nguyên tắc ngôn ngữ (chẳng hạn, khi trẻ muốn ăn kẹo lại nói “mày muốn ăn kẹo”, trẻ hay dùng những ngôn ngữ mà người khác không hiểu. Về mặt sinh học cơ thể: có khoảng 15 – 20% số trẻ mắc bệnh Tự Kỷ có kèm động kinh.

Khi thấy trẻ có những triệu chứng nêu trên tốt nhất là cha mẹ nên cho trẻ đến gặp các bác sĩ tâm lí càng sớm càng tốt cho trẻ vì đây là căn bệnh cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, cũng như chuyên môn sâu.

(Theo Thanh Niên, Số 312, 8-11-2005)