Viện Kiểm sát huỷ bỏ một loạt 8 quyết định khởi tố bị can

Từ chối phê chuẩn và sau đó tiến tới huỷ bỏ đồng loạt 8 quyết định khởi tố bị can, làm cho cơ quan CSĐT vào tình thế phải tạm đình chỉ vụ án, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đang bảo vệ người oan sai hay để lọt tội phạm nghiêm trọng?

 Chuyện hy hữu ở Đồng Nai: Viện Kiểm sát huỷ bỏ một loạt 8 quyết định khởi tố bị can

Từ chối phê chuẩn và sau đó tiến tới huỷ bỏ đồng loạt 8 quyết định khởi tố bị can, làm cho cơ quan CSĐT vào tình thế phải tạm đình chỉ vụ án, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đang bảo vệ người oan sai hay để lọt tội phạm nghiêm trọng?

Theo nguồn tin của Thanh Niên, sau khi cuộc họp liên ngành đánh giá những sai phạm của cán bộ nhân viên tại Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây (Trạm cân Dầu Giây) đã xác định đây là “vụ án cố ý làm trái có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, từ việc cố ý làm trái dẫn đến các hành vi tham nhũng, hối lộ, phục vụ cho lợi ích của một nhóm người”, với thống kê bước đầu số tiền thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng, ngày 7.1.2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố 9 bị can về tội “cố ý làm trái…” để tiến hành điều tra.

CQĐT: “Thiệt hại hơn 226,7 tỉ đồng”

9 bị can bị khởi tố gồm: ông Nguyễn Thuận Phương (Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ VII) cùng với ông Nguyễn Công Thanh (Phó tổng giám đốc), Nguyễn Viết Quân (Phó phòng Kế hoạch đầu tư),  Hoàng Văn Nhâm, Nguyễn Văn Chính (Trưởng và Phó phòng Quản lý vận tải – Phụ trách người lái); Vũ Ngọc Bích (tư vấn dự án và thẩm tra báo cáo kỹ thuật thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giao thông vận tải – Đại học Giao thông vận tải);  Phan Thanh Minh (tư vấn giám sát thuộc Công ty tư vấn và ứng dụng khoa học – công nghệ giao thông vận tải TP.HCM); Lê Ngô Thành Nhân (cán bộ tư vấn thiết kế Trung tâm Kỹ thuật đường bộ); Trần Quang Dũng (nhà thầu Trí Việt).

 

UBND tỉnh có ý kiến

Ngày 1.3.2011, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị công an tỉnh và Viện KSND tỉnh báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Viện KSND tối cao xin chủ trương, đường lối xử lý. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng số tiền thiệt hại khoảng 226,7 tỉ đồng cần phải được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định kết luận thật chính xác, khoa học, trên cơ sở đó mới xác định trách nhiệm của từng người liên quan đến vụ án.

 

Kết quả điều tra cho thấy, sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, ngày 1.3.2009 Trạm cân Dầu Giây được khôi phục và hiện đại hóa thiết bị. Ngay sau đó, trạm cân này liên tục xảy ra hư hỏng. Cụ thể camera và bảng điện tử không báo biển số; cân động và cân tĩnh báo sai số xe. Ngoài ra, CQĐT còn phát hiện thiết bị “lạ” được lắp đặt đấu nối với cân động để gây nhiễu camera.

CQĐT xác định, quá trình lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, ông Lê Ngô Thành Nhân đã tự ý đổi tên công trình từ “Khôi phục, sửa chữa, lắp đặt thiết bị” thành “Dự án thí điểm khôi phục và hiện đại hóa” Trạm cân Dầu Giây là trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Ông Nhân cũng không lập đề cương xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật; không khảo sát lưu lượng, trọng tải xe thực tế để làm căn cứ thiết kế các tấm bê tông xi măng. Nên khi đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, phải thiết kế lại, gây thiệt hại trên 193 triệu đồng. Ngoài ra, mặc dù không có chấp thuận từ chủ đầu tư (Công ty quản lý đường bộ VII), nhưng ông Nhân tự ý cho nhà thầu Trí Việt thay đổi hệ thống cân động (1 vòng từ thành 2 sensor). Từ đó làm trạm cân hoạt động không chính xác, bỏ lọt xe quá tải qua cân động.

Cũng theo CQĐT, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, ông Phương cùng với cấp dưới của mình và phía tư vấn  bỏ qua quy trình thủ tục, dẫn đến thẩm tra qua loa làm hư hại công trình. Mặt khác, nhà thầu Trí Việt không có chức năng xây dựng công trình giao thông vận tải, nhưng vẫn được chỉ định thầu dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng. 

Do thiết bị thường xuyên bị hư hỏng, làm cho hệ thống không nhận dạng (tự động) được biển số hoặc sai các số -chữ… dẫn đến các xe quá tải thành đúng tải, thậm chí xe du lịch cũng bị báo lỗi quá tải. Kết quả giám định của Sở Tài chính Đồng Nai trong vụ án này gây thiệt hại lên đến 226,7 tỉ đồng (189 tỉ đồng từ lượng xe quá tải qua trạm không thể xử lý  và 37,7 tỉ do hành vi cố ý làm trái của 9 bị can trong việc lắp đặt thiết bị, chỉ định thầu).

Viện Kiểm sát: “Chỉ sai phạm về quy định xây dựng”

Sau khi ra quyết định khởi tố 9 bị can, cơ quan CSĐT chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Đồng Nai đề nghị phê chuẩn theo luật định thì chưa đầy 2 tuần sau, ngày 18.1, Viện KSND tỉnh Đồng Nai phát văn bản trả lời từ chối phê chuẩn 8 bị can, đồng thời yêu cầu CQĐT sửa tội danh khởi tố đối với 1 bị can còn lại và cho bị can này tại ngoại vì “không cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt tạm giam”.

Cụ thể, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho rằng, bị can Lê Ngô Thành Nhân chỉ sai phạm về quy định xây dựng, để các tấm bê tông mới đưa vào hoạt động đã bị vỡ gây thiệt hại số tiền 193 triệu đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân vỡ còn do thi công vào thời điểm mùa mưa, nước thẩm thấu làm yếu nền đường… nên chỉ phạm tội “vi phạm các quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải “cố ý làm trái…”. Từ đó yêu cầu CQĐT thay đổi tội danh, đồng thời trả tự do, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nhân.

Đối với 8 người còn lại, Viện KSND tỉnh cho rằng, những thiệt hại tài sản (các tấm bê tông mới đưa vào hoạt động đã bị vỡ gây thiệt hại số tiền 193 triệu đồng) thuộc về trách nhiệm của Trung tâm Kỹ thuật đường bộ đã không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với Khu quản lý đường bộ VII. Còn sai phạm trong việc lắp đặt thiết bị, chỉ định thầu của trạm cân do chưa có giám định xác định được giá trị thiệt hại cụ thể nên không đồng ý phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, yêu cầu CQĐT phải huỷ bỏ. Do CQĐT không đồng ý quan điểm như vậy nên ngày 24.1, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp ban hành 8 quyết định huỷ bỏ khởi tố bị can đối với 8 người này.

Ngày 22.2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.