Huyền thoại Ama H’rin

Giữ gìn truyền thống của dân tộc Ê Đê và tiếp thu thêm lối sống văn minh của người Pháp, Ama H’rin tổ chức buôn làng của mình khác nhiều nơi khác

 Huyền thoại Ama H’rin

 “Tuyệt vời! Thật tuyệt vời!”- các nhà nghiên cứu văn hoá Tây nguyên, nhất là người Pháp, từng phiêu lưu điền dã trên miền đất đỏ đều trầm trồ như thế khi ghé thăm A’ko Hdông, một buôn làng kỳ lạ và độc đáo của Tây nguyên.

“Ama H’rin, tôi gặp lần này, tóc đã ngả màu, vẫn còn rắn rỏi lắm, nhanh nhẹn mà từ tốn, vẫn giản dị như tự bao giờ. Quen nhau đã mấy chục năm, tôi vẫn cố tìm cách cắt nghĩa mãi chưa ra vì sao ở con người lăn lộn qua bao nhiêu bão táp của đất trời và thời cuộc ấy, lại vẫn có thể còn nguyên vẹn đến thế cái chất vừa thô mộc vừa tinh tế vô cùng tự nhiên của người Tây nguyên “nguyên gốc”. Một người Ê Đê, một người Tây nguyên đậm đà chất cổ xưa mà hiện đại, tự nhiên đến như chẳng hề cần chút cố gắng nào…”

Trích Người đi qua lỗ đất Adreh của nhà văn Nguyên Ngọc

Và linh hồn sâu thẳm của buôn làng này chính là Ama H’rin, người già làng đã được xem như huyền thoại của núi rừng Tây nguyên… Người con trai chỉ tay lên hướng núi, nói cha mình đang ở trên đó. Tôi lặng lẽ đi qua vườn cà phê nồng hương hoa giao mùa để tìm huyền thoại núi rừng.

Ama H’rin, cái tên già làng 82 tuổi đã được trân trọng nhắc đến trong các sách nghiên cứu văn hoá dân tộc nước ngoài lẫn bút ký Nguyên Ngọc, thì tôi đã đọc qua, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp ông. Cũng giống như nhiều người đàn ông dân tộc rắn rỏi khác, bề ngoài Ama H’rin không có gì khác biệt lắm với vóc dáng tầm thước, mái tóc điểm bạc và nước da màu đồng sạm. Nhưng trong ánh mắt đang trầm tư nhìn bóng chiều xuống núi của ông, tôi cảm thấy sự sâu thẳm và mênh mông của núi rừng…

Người già làng hơn nửa thế kỷ

Bây giờ thì cả TP Buôn Ma Thuột lẫn A’ko Hdông đều đã khác xưa lắm rồi, nhưng Ama H’rin vẫn nhớ khoảng năm 1955, khi ông còn là một chàng trai Ê Đê tay cầm giáo, vai khoác cung tên dẫn vợ con rời bỏ thảo nguyên M’Drak đi tìm miền đất hứa. Sau những ngày ròng rã vượt qua các đồng cỏ tranh nóng ẩm đầy hổ dữ, những cánh rừng rậm rịt dấu chân voi, họ đặt chân đến vùng ven TP Buôn Ma Thuột mà lúc ấy còn là một thị xã nhỏ bé lúp xúp mái tranh lọt thỏm giữa rừng già. Nơi họ dừng chân tìm nguồn nước uống chính là buôn làng A’ko Hdông bây giờ.

Tuy còn khác xa ngôi làng dân tộc văn hoá, xinh đẹp, sung túc hàng đầu Tây nguyên hiện nay, nhưng A’ko Hdông thuở ban sơ ấy đã có gì đó quyến rũ Ama H’rin. Tên buôn này hiểu theo nghĩa tiếng Việt là ngôi làng nằm ở đầu thung lũng. Và lọt thỏm trong 40 mẫu đất vuông vắn là những dãy nhà sàn người Ê Đê ẩn khuất dưới tán cây xanh mát rượi bên bờ hồ lớn. Ngay từ những năm giữa thế kỷ 20 ấy, A’ko Hdông đã là ngôi làng Ê Đê đầu tiên có bể nước sạch, nhà vệ sinh và lớp học văn hoá lẫn nữ công gia chánh do các vị nữ thiện nguyện đến từ nước Ý, Pháp giảng dạy.

Lạ lẫm, tò mò và quyến rũ, Ama H’rin cắm mũi giáo xuống đất, hạ bao cung tên xin gia nhập buôn làng. Sau đó, chính chàng trai Ê Đê này đã quay ngược trở lại miền thảo nguyên M’Drak thuyết phục đồng bào mình về buôn làng mới. Tuy còn trẻ nhưng Ama H’rin lúc ấy đã nhanh chóng trở thành biểu tượng tảng đá lớn, cây cổ thụ sừng sững ở làng để người dân tin theo.

Ngoài sức vóc cường tráng, lòng gan dạ và đôi mắt tinh sắc như báo rừng, Ama H’rin còn có sự thông minh đặc biệt. Ông là học trò xuất sắc của lớp học do các vị nữ thiện nguyện nước ngoài giảng dạy và có thể sử dụng sành sỏi cả tiếng Việt lẫn Pháp.

Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất của Ama H’rin với đồng bào mình chính ở việc ông là người Ê Đê đầu tiên chịu khó đi học kỹ thuật trồng cây cà phê, mà lúc ấy còn “độc quyền” của các điền chủ người Pháp và Kinh trên miền đất đỏ này. Học xong, cũng chính ông đi tìm nhổ các cây cà phê con mọc dại do chim, chồn ăn trái chín nhả hạt, để về lập đồn điền cà phê A’ko Hdông đầu tiên của người Ê Đê.

Từ cuộc sống hoang dã gần như du canh du cư, bữa đói bữa no, phụ thuộc vào trời đất, người Ê Đê buôn A’ko Hdông đã đổi đời. Ama H’rin được mọi người đồng tình tôn vinh là già làng khi chưa tròn 30 tuổi và trở thành linh hồn của buôn làng A’ko Hdông bên bờ hồ lớn…

Hoà hợp và sẻ chia

Ngay từ những năm 1960, A’ko Hdông đã trở thành một buôn làng kiểu mẫu và sung túc của Tây nguyên. Các đoàn khách chính phủ Sài Gòn và quốc tế khi lên thăm Tây nguyên đều sắp xếp ghé thăm ngôi làng người dân tộc độc đáo này. Những lúc ấy già làng trẻ tuổi Ama H’rin tự tin trò chuyện rõ ràng bằng cả tiếng dân tộc mình lẫn tiếng Việt và Pháp nếu cần.

Giữ gìn truyền thống của dân tộc Ê Đê và tiếp thu thêm lối sống văn minh của người Pháp, Ama H’rin tổ chức buôn làng của mình khác nhiều nơi khác. Sự sạch sẽ có thể nhìn thấy từ những đường làng đến các nhà sàn. Gia súc có chỗ nuôi nhốt, không còn thả rông, phóng uế. Nước sạch được sử dụng đến từng nhà. Cây cối cũng phát quang, thoáng đãng. Mọi người đều ngủ trong màn.

Từ rất sớm, người dân buôn làng A’ko Hdông đã giảm thiểu được bệnh sốt rét, một căn bệnh bao đời ám ảnh người Tây nguyên.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất của Ama H’rin chính là việc tổ chức kinh tế ở buôn làng. 40 mẫu đất được thống nhất canh tác thành một đồn điền cà phê A’ko Hdông. Với 40 gia đình người Ê Đê, cách tổ chức lao động của Ama H’rin cũng rất độc đáo.

Ông để mọi người cùng làm và cùng hưởng thành quả mình làm ra. Gia đình nào có người ốm đau, không làm được thì gia đình khác làm thay và sau đó sẽ được trả công lại. Đến vụ mùa thu hoạch, sản phẩm cà phê được Ama H’rin công khai phân chia công bằng theo sự nhiệt tình đóng góp lao động của từng nhà.

Từ cách tổ chức lao động và cuộc sống chan hoà như vậy, 40 gia đình Ê Đê của A’ko Hdông xem nhau như anh em một nhà, rất hiếm khi có sự bất hoà, to tiếng trong buôn làng này.

Không chỉ siêng năng sản xuất, Ama H’rin còn chủ động đi tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê của buôn. Với khả năng ngôn ngữ và sự thông minh, ông giao dịch thẳng với các nhà buôn người Pháp, người Hoa để tránh tình trạng bị các thương lái nhỏ ép giá.

Cuộc sống sung túc, A’ko Hdông còn là một buôn làng người dân tộc sớm có nhiều người biết chữ ở Tây nguyên. Đến nay, Ama H’rin không nhớ được bao nhiêu con em của làng có trình độ cao đẳng, đại học. Riêng ông có 10 người con, 24 cháu thì hầu hết có trình độ đại học và đang làm giáo viên, bác sĩ, cán bộ công chức ở khắp nơi…

Sau năm 1975, mô hình đồn điền A’ko Hdông cũng thay đổi theo thời cuộc. Sau thời gian dài vào tập thể, đất đai của buôn được trả lại và Ama H’rin lại tự thân đứng ra phân chia đất cho người buôn mình. Ông chia mỗi nhà 1,4 sào đất thổ cư và 0,5-1 mẫu đất vườn cà phê.

Nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn đã xảy ra nhưng người A’ko Hdông chưa bao giờ bị đói. Gia đình này san sẻ cho gia đình kia. Thậm chí họ còn dành dụm gạo muối để giúp đồng bào khó khăn ở các buôn khác. Tâm sự chuyện này, Ama H’rin rất tự hào: “Chính buôn làng chúng tôi đã truyền dạy kỹ thuật trồng cà phê cho rất nhiều đồng bào dân tộc khác”.

Ông kể không chỉ người dân tộc mà nhiều người Kinh cũng học cách trồng cà phê của A’ko Hdông. Thậm chí họ giúp đỡ cả cây giống cho những người khó khăn. Chính Ama H’rin còn nhận cả con nuôi người Kinh để giúp ăn học và trồng trọt cà phê.

Gần đây, dù tuổi tác đã như bóng chiều xuống núi, Ama H’rin vẫn kiên trì xây dựng một khu văn hoá sinh thái của buôn. Ông trồng cây giữ rừng, vét sâu hồ suối, cất nhà sàn hóng mát. Có người nói ông già rồi mà tham việc làm gì cho khổ, con cháu thành đạt, ông có thọ như đá núi, như cây cổ thụ vẫn không lo miếng ăn.

Ông cười, chỉ những người khách, có cả dân tộc Kinh, Ê Đê, M’Nông, Xê Đăng, Gia Rai, Ba Na… đang tham quan, vui chơi ở khu văn hoá sinh thái A’ko Hdông và nói: “Đâu phải tôi kiếm tiền, mục đích lớn nhất của tôi là mong muốn mọi người hiểu biết văn hoá của nhau để cùng hoà hợp, sẻ chia. Chúng ta đều là anh em một nhà mà”.

 

Tự hào về quê hương

Ama H’rin từng được mời đi tham quan nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Mỹ, Ấn Độ… Ông hay tranh thủ kể cho bạn bè nước ngoài nghe về quê hương và dân tộc mình.

Ông nói đồng bào ông bao đời đã vui vẻ chung sống hoà bình dưới những ngọn núi cao, trong những cánh rừng lớn và bên các thảo nguyên, suối hồ xanh mát. Tất cả đều chân chất như ngọn cỏ, củ khoai, cùng chia sẻ niềm vui trong ché rượu uống chung, cùng yêu thương đùm bọc nhau trong từng nỗi vất vả, lo toan hằng ngày…