“Mẹ Hiền” Suzanne Hook

Màu da nâu đậm, khuôn mặt rắn rỏi và dáng người cao mảnh khảnh, Suzanne Hook được những đứa trẻ trong ngôi nhà Allambie gọi bằng cái tên rất Việt Nam khi trở về: “Mẹ Hiền”

 

“Mẹ Hiền” Suzanne Hook

“Triệu phú?” – Suzanne Hook bật cười khi nghe “biệt danh” mọi người đặt cho bà. “Có lẽ mọi người đã nhầm tôi là triệu phú theo cách nói đùa của bạn bè về tôi – “nữ triệu phú giày”. Tôi sở hữu bộ sưu tập giày lên đến 200 đôi khá đắt tiền kia mà!” – Suzanne Hook hóm hỉnh nói.

 

Thị Hiền Suzanne Hook  – Ảnh: L.V. – M.H.

Những đứa trẻ ở ngôi nhà Allambie hiểu rõ nhất về người mẹ “triệu phú” của mình. Bởi chúng biết để có nơi tá túc – ngôi nhà Allambie nằm ở quận 1 (TP.HCM) – như bây giờ, “mẹ Hiền” đã phải từ bỏ niềm đam mê sưu tập giày và cuộc sống sung túc ở Anh.

“Tôi đã được hưởng một cuộc sống sung túc gần trọn cuộc đời, giờ đây tôi muốn trở về Việt Nam – nơi mình sinh ra – để trải nghiệm cuộc sống mới với trẻ mồ côi”

Thị Hiền Suzanne Hook

Đứa trẻ bị bỏ rơi trong bụi cây

“Chẳng có hồ sơ, giấy tờ nào lưu lại cho tôi biết ba mẹ tôi là ai và chuyện của tôi như thế nào. Rõ ràng là cảnh chiến chinh loạn lạc. Thế nên bạn biết rồi đó: tôi có thể là con gái rượu của một người Mỹ, cũng có thể là một nạn nhân đáng thương của mẹ tôi, và có thể là con của một gái điếm cũng nên. Đó là những điều có thể xảy ra với cuộc đời tôi trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Đó là lời tự bạch của nữ doanh nhân người Anh gốc Việt Suzanne Hook khi nói về cuộc đời mình.

Người ta tìm thấy Suzanne Hook bị bỏ rơi trong một bụi cây vào năm 1969 ở miền Nam Việt Nam. Khi đó bà là một trẻ sơ sinh yếu ớt, đã tím tái vì lạnh và đói. Họ đưa đứa trẻ bị bỏ rơi về một mái ấm gần đó tên là Allambie và phải chăm sóc y tế đặc biệt để cứu sống đứa trẻ. Ba năm sau, cô bé bị bỏ rơi chỉ có cái tên “Thị Hiền” đã được một đôi vợ chồng người Anh nhận làm con nuôi và được đặt lại họ tên là Suzanne Hook.

Suzanne kể lại: “Ba mẹ nuôi của tôi đã có hai người con. Sau đó họ cũng nhận nuôi thêm một bé trai mồ côi nữa. Tôi ở với họ đến năm 18 tuổi thì ra ngoài tự lập”. Người phụ nữ ngồi trước mặt chúng tôi giờ đây đã là một phụ nữ trung niên bước sang tuổi 42 với một gia đình đã sớm tan vỡ trước đó ở Anh, một đứa con đã trưởng thành cũng đang sống ở Anh. Và riêng bà chọn cho mình một cuộc sống khác ở nơi đã sinh ra bà, nơi bà luôn đặt dấu hỏi về cuộc đời mình. Để giờ đây, bà dành trọn phần đời còn lại cho những đứa con mồ côi trong ngôi nhà Allambie.

Màu da nâu đậm, khuôn mặt rắn rỏi và dáng người cao mảnh khảnh, Suzanne Hook được những đứa trẻ trong ngôi nhà Allambie gọi bằng cái tên rất Việt Nam khi trở về: “Mẹ Hiền” (kể từ đây, chúng tôi xin được gọi tên bà là Hiền). Năm 2006, lần đầu tiên trở về Việt Nam trong một chuyến du lịch, Hiền đã bắt đầu quan sát, tìm những cảm nhận đầu tiên về quê hương của người mẹ đẻ mà Hiền chưa bao giờ biết mặt.

Kỳ nghỉ hai tuần ở Việt Nam đã thúc đẩy mong muốn được trở về của Hiền vì cảm giác tò mò, thích thú, muốn được hiểu nhiều hơn về quê mẹ, về màu da, giọng nói đang ẩn sâu, là một phần máu thịt trong con người Hiền. Ngay từ lần đầu trở về ấy, nơi mà Hiền thường lui tới nhất là những mái ấm có trẻ mồ côi. Lần trở lại Việt Nam sau đó của Hiền là năm 2007, kể từ đó Hiền đã đi đi về về suốt bốn năm để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi.

Tự thân vận động và tự hoàn thiện mình

Lúc còn nhỏ, Hiền học hành rất khó khăn và thường thua kém bạn bè. Mãi tới năm 28 tuổi, khi vừa đi làm vừa đi học trở lại, bà mới biết lúc nhỏ bị chứng “chậm đọc”. Nhưng điều đó không khiến đứa trẻ bị bỏ rơi nản chí, bà cố học xong cao học về ngành quản lý nhân sự và sau đó làm việc cho một công ty ở Anh. Khi mới rời khỏi nhà của ba mẹ nuôi, Hiền học về ngành thực phẩm trước khi trở thành đầu bếp trưởng trong các nhà hàng và tàu du lịch suốt 13 năm ở Anh. Từ năm 2002, Hiền đã mở một công ty làm đẹp rất thành công có tên Couture Nail Service tại Beaconsfield (quận Bucks, thành phố Buckinghamshire, Anh) giúp bà tích lũy tiền để có thể sống sung túc.

Những đứa trẻ mồ côi mà Hiền gặp lúc mới về Việt Nam đã khiến bà bật khóc khi trò chuyện với chúng. “Không một ước mơ hay hi vọng nào lấp lánh mà lẽ ra phải có trong lứa tuổi của chúng. Nhiều đứa còn nghĩ tới cái chết, nhất là trong thời gian chúng mới bị bỏ rơi” – Hiền kể lại. Và đó là lý do khiến Hiền phải nhanh chóng đến với những đứa trẻ này. Hiền nói có thể bà chỉ nuôi được bốn đứa, tám đứa hay nhiều lắm là mười đứa. Nhưng tất cả những gì bà làm là dành tình yêu thương trọn vẹn để những đứa trẻ cảm thấy thật sự hạnh phúc.

Bài học “tự thân vận động, tự hoàn thiện mình” luôn được “mẹ Hiền” nhắc nhở sáu đứa con trong ngôi nhà Allambie bây giờ. Những đứa trẻ hiểu rằng “mẹ Hiền” đã từ bỏ rất nhiều thứ đáng để người ta mơ ước ở Anh để xây dựng một gia đình cho chúng.

Bán tất cả để “trở về nhà”

Tất cả bắt đầu từ chuyến hành trình tìm lại nguồn cội vào năm 2006. Lúc đó Hiền đang làm chủ một công ty làm đẹp. Sau này, Hiền thừa nhận đó cũng là một trong những năm vui tươi nhất đời mình, khi được tiếp xúc các trẻ mồ côi tại TP.HCM. Ký ức về chuyến đi mạnh đến nỗi khi về nước, Hiền không thể nào hoà nhập lại được với cuộc sống thường nhật trước kia. Trước đó, bà cũng chưa bao giờ dám dùng tên tiếng Việt của mình, nhưng khi trở về Anh vào cuối năm 2007, bà bắt đầu dùng lại tên “Thị Hiền” và tự hào khi nói với mọi người xung quanh mình là người Việt Nam. Suzanne cứ mãi trằn trọc, suy nghĩ về những gì đã chứng kiến trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam và có một quyết định mới.

Để chuẩn bị kế hoạch “trở về nhà”, trong suốt khoảng thời gian về Việt Nam Hiền đã tham gia giảng dạy một khoá học chăm sóc trẻ. Đó cũng là thời gian bà cất công tìm lại trại trẻ mồ côi khi xưa mình được nuôi dưỡng để chuẩn bị cho kế hoạch mở mái ấm cho những đứa trẻ mồ côi từ 8-18 tuổi, sau thời gian đi đi về về suốt bốn năm ở Việt Nam.

May mắn là tháng 4-2010, Hiền đã gặp lại hai nữ y tá từng chăm sóc bà trong thời gian ở nhà trẻ Allambie ngày xưa. Họ và những người bạn Việt Nam giúp bà tìm địa điểm thuê nhà, làm thủ tục nhận nuôi những đứa trẻ trước kia Hiền từng chăm sóc. Cho tới cuối tháng 12-2010 ngôi nhà Allambie của “mẹ Hiền” chính thức ra đời tại TP.HCM.

Ý nghĩ trở về Việt Nam đã thôi thúc bà rao bán tất cả tài sản để có tiền “trở về nhà”. “Tôi bán tất cả mọi thứ. Cả cuộc đời tôi đang được rao bán”, báo Daily Mail dẫn lời Hiền khi bà còn ở Anh, ngồi bệt ở vỉa hè rao bán bộ sưu tập giày và tài sản trước khi về Việt Nam. Cụ thể đó là một căn nhà trị giá 500.000 bảng Anh, một chiếc xe thể thao Mercedes, công ty riêng, một bộ sưu tập giày dép, quần áo khổng lồ và cả những vật dụng cá nhân tại phố chợ Beaconsfield, quận Bucks thuộc thành phố Buckinghamshire (Anh).

Bà tâm sự: “Toàn bộ cuộc sống của tôi ở Anh đã bán. Tôi chia tay bạn bè, những bộ sưu tập giày, quần áo để trở về nhà chăm sóc tám đứa trẻ trong phần cuối đời mình. Tôi muốn cho chúng tương lai và giúp chúng học đến đại học hoặc tìm được việc làm để có thể tự đứng vững trên đôi chân mình, nhưng tôi cũng muốn chúng cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình, điều mà tôi không có được”.

Những đứa trẻ trong ngôi nhà Allambie lên phim

Sẽ rất khó khăn cho những người mới gặp khi tiếp xúc với Thị Hiền. Bà luôn thu mình, kín đáo và xét nét tất cả những người xung quanh nếu họ có ý định đến gần những đứa trẻ. Khi các báo đưa tin bà rao bán tài sản và mở nhà nuôi trẻ mồ côi, bà chỉ cho họ tiếp xúc với những đứa con một cách chừng mực.

Bà không muốn họ “phơi” những đứa con vốn rất nhạy cảm, dễ tổn thương của mình lên để bàn luận. Paul Gibson, một đạo diễn người Anh, đã rất vất vả để thuyết phục bà khi làm phim về những đứa trẻ trong ngôi nhà Allambie ở Việt Nam. Ông chia sẻ: “Không thể giận một người mẹ khi bà ấy luôn cố tìm mọi cách bảo vệ những đứa trẻ mà bà dành trọn cuộc đời còn lại để sống cùng chúng. Hãy đặt bạn vào vị trí một người mẹ để thông cảm cho Thị Hiền Suzanne Hook”.