Campuchia – Thái Lan chưa thể hoà giải

Nỗ lực hoà giải Campuchia và Thái Lan vẫn chưa đạt kết quả cụ thể nào

 

Campuchia – Thái Lan chưa thể hoà giải

Trong ngày cuối Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 tại Indonesia, nỗ lực hoà giải Campuchia và Thái Lan vẫn chưa đạt kết quả cụ thể nào.

Sáng qua, Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono tổ chức họp 3 bên với Thủ tướng Campuchia và Thái Lan. Mục tiêu của cuộc họp này là hoá giải căng thẳng trong hội nghị, sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen bất ngờ chỉ trích Thái Lan nặng nề vào ngày hôm trước.

Jakarta Post đưa tin cuộc họp cho kết quả “không rõ ràng”. Thủ tướng Hun Sen sau đó tổ chức họp báo kêu gọi Thái Lan ký vào bản điều khoản thoả thuận về việc Indonesia cử quan sát viên đến khu vực tranh chấp giữa hai nước. “Một khi Thái Lan ký đồng ý các điều khoản này, cuộc họp của ủy ban biên giới chung sẽ bắt đầu ngay lập tức”, ông Hun Sen nói. Ông cũng khẳng định Campuchia sẽ không rút quân khỏi khu vực quanh ngôi đền tranh chấp Preah Vihear.

Trong khi đó, Thái Lan vẫn khăng khăng chỉ đồng ý cho quan sát viên đến nếu Campuchia rút quân và sẽ chỉ ký vào bản điều khoản thoả thuận sau khi ủy ban biên giới chung nhóm họp. Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya nói với giới báo chí “không có kết luận nào được đưa ra”, và “chúng tôi cần đối thoại tiếp”. Cuối cùng, hai bên thống nhất ông Kasit và Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong sẽ lưu lại Jakarta sau khi hội nghị kết thúc để tiếp tục thảo luận. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan gọi đây là “một tín hiệu tốt”.

Cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo các thành viên ASEAN đồng ý về nguyên tắc đối với đề nghị trao ghế chủ tịch luân phiên cho Myanmar vào năm 2014, theo một bản thảo tuyên bố chung. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2011, cũng đề nghị gửi quan sát viên đến Naypyidaw để đánh giá sự sẵn sàng của Myanmar trong việc tổ chức một hội nghị cấp cao của khối, trước khi chính thức đồng ý. Vì thế, quyết định cuối cùng có thể được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao 19 diễn ra vào tháng 11 tại đảo Bali của Indonesia.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 18 bế mạc chiều qua với 3 tuyên bố chung về thiết lập Cộng đồng ASEAN có tiếng nói chung về các vấn đề toàn cầu vào năm 2022, hợp tác chống buôn người và thiết lập Viện Hoà bình và hoà giải Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự các phiên họp cấp cao

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận về Cấp cao Đông Á mở rộng, các biện pháp tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, nâng cao vai trò quốc tế của ASEAN… Tại các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực, mở rộng quan hệ đối tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ASEAN tích cực tham khảo, chia sẻ thông tin và phối hợp lập trường trong những vấn đề mà các nước thành viên cùng quan tâm.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo khẳng định mọi tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 của LHQ. ASEAN ủng hộ việc sớm hoàn thành các quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến hành xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vào năm 2012. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh cần tăng cường đoàn kết, phối hợp tiếng nói chung đi đôi với thúc đẩy đối thoại và hợp tác với Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và thảo luận các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Indonesia đối xử trên tinh thần nhân đạo và hữu nghị đối với các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng chỉ đạo để các cơ quan liên quan của hai bên trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này, trong đó có việc tích cực triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá và các vấn đề về biển (ký tháng 10.2010), đồng thời nhanh chóng hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

TTXVN