Chiếc bẫy giá kim cương nhân tạo

Các thủ thuật tinh vi trong kinh doanh đang tạo nên những bẫy lừa hoàn hảo để móc túi người tiêu dùng

 

Chiếc bẫy giá kim cương nhân tạo

Các thủ thuật tinh vi trong kinh doanh đang tạo nên những bẫy lừa hoàn hảo để móc túi người tiêu dùng. Hai góc độ mà người mua đang bị mắc nhiều nhất là về chất lượng và giá.

Mua giá nào cũng hớ

Bẫy giá của kim cương nhân tạo bắt đầu bằng chiêu thức “khẳng định chất lượng” và “tạo uy tín thương hiệu” thông qua giấy kiểm định. Ba loại giấy kiểm định phổ biến hiện nay gồm: giấy kiểm định của nhà cung cấp sản phẩm từ nước ngoài, chẳng hạn như kim cương nhân tạo Q-mond nhập từ Hàn Quốc có giấy kiểm định in tiếng Anh – Hàn ghi rõ trọng lượng, giác cắt, độ cứng, độ dày, chiều sâu…; hoặc giấy kiểm định của các công ty chuyên ngành hoặc giấy của các công ty phân phối tự kiểm định chất lượng và ép vỉ.

Hạt đá tổng hợp CZ giá 1.400 đồng lên đời thành kim cương nhân tạo, lập tức có giá 350.000 đồng/viên; hạt đá Swarovski (Áo) giá 48.000 đồng, bán hơn 7 triệu đồng/viên… Hơn một tháng sắm vai người mua bán kim cương nhân tạo, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã phát hiện mặt hàng này có mức siêu lợi nhuận: gấp 100 lần vốn.

Kế đến là chiêu bảo hành và khuyến mãi với các hình thức như mua lại khi khách muốn đổi hạt lớn hơn, gắn hạt tấm miễn phí cho món trang sức bị rớt hạt, giảm giá 20 – 30% và thậm chí lên đến 50% nhân dịp lễ, nhân kỷ niệm thành lập công ty, nhân dịp tri ân khách hàng…

Để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng, những nơi bán kim cương nhân tạo đều có kính lúp để khách soi rõ các mũi tên, hình trái tim trên hạt. Tại tiệm còn có sẵn trang sức thiết kế theo kiểu “nhẫn xoàn” (nhẫn kim cương thiên nhiên), làm từ vàng trắng và bán với giá rẻ hơn các tiệm vàng – khoảng 1,9 triệu đồng/chỉ, so với các tiệm vàng hiện nay khoảng 2,3 – 2,4 triệu đồng/chỉ. Khách mua trang sức kim cương nhân tạo còn đánh bóng, xi mới miễn phí.

Nhờ vậy, khách mua hàng cảm thấy được chăm sóc chu đáo và cho rằng mua được giá rẻ khi viên kim cương nhân tạo khoảng 6,5 li từ mức 3,5 triệu giảm còn 2,5 triệu đồng. Sau khi xài bán lại, tiệm sẵn sàng mua lại mức 60 – 70% giá bán đầu.

Tìm đến nhà buôn mặt hàng này, loại 16 mũi tên đang bán với giá khuyến mãi là 850.000 đồng, giá gốc chỉ khoảng 20.000 đồng (lãi 42,5 lần); loạt hạt nhỏ cỡ 3,5 li đang bán giá 350.000 đồng, giá gốc chỉ khoảng 1.400 đồng (lãi 250 lần). Riêng loại mới nhất trên thị trường là hạt 105 giác cắt, gọi là siêu kim cương nhân tạo, được bán ở một vài tiệm vàng và trung tâm thương mại với giá hơn 7 triệu đồng/hạt, giá gốc chỉ có… 48.000 đồng/viên (lãi 145,8 lần). Chị Hoàng Nhung, người đã mua ba viên kim cương nhân tạo với tổng trị giá 4,2 triệu đồng với giá khuyến mãi giảm 50% dịp 30.4 tính toán: “Dù trừ đi nửa giá thì tôi cũng đã mua hớ đến gần 100 lần giá gốc của món hàng”. Còn người cung cấp sỉ các loại hạt cho biết thêm: “Nếu muốn lấy giấy kiểm định, cộng thêm bình quân 80.000 đồng/hạt”.

Có hãng thời trang vàng bạc đá quý và kim cương, đang bán “nhẫn kim cương” đã kết hợp lập lờ giữa kim cương nhân tạo và thiên nhiên. Cụ thể chiếc nhẫn giá gần 20 triệu đồng của hãng này làm từ vàng trắng 14K, dùng khoảng 40 viên đá phụ là kim cương thiên nhiên loại hạt tấm từ 0,4 – 0,8 li, còn viên đá chính hơn 5 li lại là loại hạt Swarovski (của Áo). Giới chuyên môn đã tính toán giá thành chiếc nhẫn này không quá 3,5 triệu đồng.

Kim cương nhân tạo hay đá?

Cho đến thời điểm này, căn cứ theo các tài liệu của nước ngoài và của các chuyên gia trong ngành vàng bạc đá quý, ông Lê Hữu Hạnh, phó tổng giám đốc công ty PNJ khẳng định Việt Nam chưa có mua bán kim cương nhân tạo.

Theo tài liệu của viện Đá quý Hoa Kỳ, kim cương nhân tạo phải đạt được các tính chất giống như kim cương tự nhiên về trọng lượng riêng (3,52), chiết xuất (2,417), độ cứng (10)… Do vậy, giá thành của một viên kim cương nhân tạo gần tương đương với kim cương thiên nhiên.

Còn đá nhân tạo Zirconia (CZ) với công thức hoá học là ZrSiO4, gần như trong suốt giống kim cương và độ khúc xạ là 2,176. Trọng lượng riêng của CZ lên đến 5,8. Một viên CZ có trọng lượng lớn hơn 1,7 lần so với một viên kim cương cùng kích thước. Một viên CZ hoàn hảo về các mặt cắt cũng như kỹ thuật mài có thể đạt độ sáng tương đương với một viên kim cương nước “D”. Chính vì vậy, việc cố tình gọi tên đá tổng hợp CZ là kim cương nhân tạo là hoàn toàn không chính xác, cố tình gây sự ngộ nhận cho người tiêu dùng để đạt được siêu lợi nhuận.

Cho đến thời điểm này, căn cứ theo các tài liệu của nước ngoài và của các chuyên gia trong ngành vàng bạc đá quý, ông Lê Hữu Hạnh, phó tổng giám đốc công ty PNJ khẳng định Việt Nam chưa có mua bán kim cương nhân tạo.

Thâm nhập vào các nguồn bán sỉ và được biết, có năm loại hạt đang được lên đời gọi là kim cương nhân tạo gồm: ba loại hạt nhập khẩu chính thức của các hãng Swarovski (Áo), Preciosa (Séc) và Hsin Yi (Thái Lan). Hai loại hạt khác gồm hạt không nhãn hiệu nhập từ Trung Quốc và hạt do các cơ sở Việt Nam nhập đá từ nước ngoài vào và tự mài. Các tên gọi khác nhau như hạt Úc, hạt Mỹ, hạt Canada, hạt nhập độc quyền châu Âu… đều do người bán tự đặt.

Ghi nhận từ hoá đơn mua hàng sỉ lên đến gần 100 triệu đồng của một công ty kinh doanh vàng, họ mua cùng một loại hạt đựng trong bịch 5.000 viên, sau đó về soi trên kính lúp để chia thành ba loại, bán theo ba nấc giá khác nhau. Hạt mài sắc sảo và các góc đẹp mang ép vỉ của RGG, hoặc ép vỉ mang thương hiệu riêng của công ty, còn loại góc mài hơi bị chệch một chút thì không ép vỉ bán với giá rẻ hơn. Người buôn bán sỉ đá CZ khẳng định, việc ép vỉ viên đá không xác định được nguồn gốc và không thể hiện rõ sự khác biệt về chất lượng, bởi viên đá CZ mài bằng máy hay tay đều chênh nhau độ sắc nét rất ít.

Đáng chú ý hơn là tình trạng pha trộn đá nhập khẩu với đá mài tại Việt Nam vào bán. Ông Duy Khương, chủ công ty nhập khẩu đá CZ, có cơ sở chuyên mài đá cho biết: “Thực tế đá CZ nhập của các hãng không hề có 9 nút (2,7 li, 3,6 li, 4,5 li…), các hãng nước ngoài sản xuất hàng loạt, và kích cỡ hạt chênh nhau 0,25 li. Từ đó, các điểm bán phải đặt các cơ sở gia công, lấy đá Trung Quốc mài lại theo cỡ 9 nút.” Hạt 7,2 li mài 16 mũi tên bán lẻ là 1,9 triệu đồng, cao hơn loại 7 li đến 300.000 đồng, nhưng giá gốc chỉ có 18.000 đồng/hạt, cộng thêm giấy kiểm định giá thành chừng 118.000 đồng/hạt!