Tai nạn lao động: nỗi đau dai dẳng

Có hai nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động: người lao động không được đào tạo, ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém và điều kiện bảo hộ lao động kém

 

Tai nạn lao động: nỗi đau dai dẳng

Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cho hay trung bình một ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng mười trường hợp tai nạn lao động loại nặng, từ đầu năm đến nay đã có ba bệnh nhân phải chở cùng… máy làm đất đến bệnh viện.

Hôm 29-4 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức lại tiếp nhận một nam bệnh nhân bị tai nạn lao động do máy làm đất cuốn đến tận bụng, làm giập nát toàn bộ một chân và vỡ ruột bệnh nhân.

Ít chú ý đến an toàn lao động

Theo nghiên cứu của bác sĩ Vinh và các đồng nghiệp, có hai nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động: người lao động không được đào tạo, ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém và điều kiện bảo hộ lao động kém. “Thông thường mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận mười bệnh nhân bị tai nạn lao động loại nặng, chưa tính đến tai nạn lao động nhẹ. Tổn thương ở nhóm tai nạn lao động ít nhất là mất ngón chân ngón tay, nặng hơn là mất chân, tay, vỡ tim, chấn thương sọ não, sau điều trị bệnh nhân vẫn còn thương tổn nặng nề như trở nên tàn tật, liệt, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống” – bác sĩ Vinh cho hay.

Theo bác sĩ Vinh, rất nhiều lý do đáng tiếc dẫn đến tai nạn lao động, khi nạn nhân hiểu được tình hình thì đã trở nên tàn tật suốt đời. Đầu tháng 4 vừa qua, một bệnh nhân ở Thanh Hoá vào viện với một cánh tay giập nát vì dùng tay gỡ đất dính ở… băng chuyền làm gạch khiến máy cuốn luôn cánh tay.

Trước đó, cuối tháng 3-2011, một nam thanh niên 25 tuổi ở Bắc Giang dùng chân đạp đất xuống máy làm gạch, máy cuốn luôn chân trái, người thân phải chở cả nạn nhân và máy làm gạch vào bệnh viện.

Đầu năm nay có trường hợp một công nhân đang chui vào vệ sinh máy, một người khác lại khởi động máy khiến người đang vệ sinh máy bị máy đập dẹp người, gây chấn thương nội tạng, bệnh viện đã tưởng nạn nhân không thể sống được. “Điều kiện bảo hộ cho nạn nhân rất tệ, nhiều trường hợp đứng trên hai tấm gỗ ghép chông chênh để trát vữa nhưng không có dây bảo hộ”- bác sĩ Vinh cho hay.

Theo điều tra vừa công bố của Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (ĐH Y Hà Nội) về những nghề nghiệp có tỉ lệ xảy ra tai nạn lao động chết người cao nhất trong sáu tháng đầu năm 2010, thợ khai thác mỏ và thợ xây dựng giữ vị trí đầu bảng, tiếp đến là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ lắp ráp, thợ vận hành máy, thiết bị sản xuất, lái xe, thợ điều khiển các máy, thiết bị có động cơ, lao động giản đơn về bán hàng và làm dịch vụ.

Trong số này yếu tố chấn thương gây chết người cao nhất là rơi ngã, chiếm 23,3% tổng số người chết vì tai nạn lao động, tiếp theo là điện giật, chiếm 15%, mắc kẹt giữa các vật thể chiếm 10,2%/tổng số người chết vì tai nạn lao động, do vật rơi, vùi giập chiếm 9,4%/ số người chết vì tai nạn lao động.

“Không kiểm tra”

Website Vì cộng đồng đang kêu gọi hỗ trợ một nam giới 32 tuổi, vốn là lao động chính trong gia đình đã trở nên tàn tật, mất cả hai chân sau tai nạn với máy làm gạch. Người cần được hỗ trợ khá trẻ và mặt sáng sủa, nhưng hai chân đã cụt gần tới háng và cả cuộc đời dài dằng dặc sau này sẽ phải sống trong cảnh tàn tật, trong khi người bố đã già yếu và người mẹ kiếm sống chủ yếu bằng nghề buôn gánh bán bưng.

Vụ tai nạn ở mỏ đá lèn Cờ đầu tháng 4 vừa qua, ngoài nỗi đau 18 người qua đời là nỗi đau của hàng chục trẻ em mồ côi cha mẹ. Tai nạn lao động không chỉ là nỗi đau trước mắt mà dai dẳng suốt cuộc đời.

“Khi nghiên cứu về tai nạn lao động, chúng tôi có tiếp cận với quy định ở Nhật Bản. Nhật Bản làm rất nghiêm về an toàn lao động, người Nhật kiểm soát về an toàn cho từng công nhân trước ca làm việc, xem hôm trước có thức khuya không, có đảm bảo an toàn không, ở mình hầu như không kiểm tra. Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất gạch ngói, tai nạn lao động xảy ra cả ở các khu công nghiệp”- bác sĩ Vinh cho biết.

Khi được hỏi về mơ ước trong năm nay, bác sĩ Ngô Văn Toàn, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, chỉ mơ mỗi ngày đến bệnh viện làm việc không còn thấy cảnh người bệnh bị tai nạn giao thông và tai nạn lao động nằm la liệt ở hành lang.

Nhưng dù bác sĩ có mơ thì tai nạn giao thông và tai nạn lao động vẫn cứ nhiều, ngay trong ba ngày nghỉ lễ (từ 29-4 đến 1-5) vẫn có 23 trường hợp tai nạn lao động nặng nhập viện. Giống như nỗi lo với tai nạn giao thông, người ta đang lo tai nạn lao động nhiều quá, ngày nào cũng có người vào viện, ngày nào cũng có người ngã giàn giáo hay bị máy cuốn mất tay, mất chân, bị móc cẩu đập vào ngực dẫn đến vỡ tim…, rồi người ta thấy đây là những chuyện bình thường, trong khi sau mỗi tai nạn là nỗi đau dài của một gia đình.

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động (6 tháng đầu năm 2010)

DO PHÍA QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Số vụ

1

Thiết bị không đảm bảo an toàn

112

2

Không có thiết bị an toàn

85

3

Không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động

77

4

Không có quy trình, biện pháp an toàn lao động

72

5

Do tổ chức lao động

38

6

Không trang bị bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động

18

7

Nguyên nhân khác

616

VỀ PHÍA NGƯỜI LAO ĐỘNG

1

Vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn

766

2

Do người khác vi phạm quy định về an toàn lao động

105

3

Không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân

87