Người sở hữu trăm giọng nói

Chàng trai có khuôn mặt rất nam tính và sở hữu cả trăm giọng nói khác nhau – “phù thuỷ âm thanh” Quách Hồ Ninh

 

Người sở hữu trăm giọng nói

 

 

Khoảng thời gian từ năm 2004 – 2006, rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ yêu thích game show Vui cùng Hugo phát trên sóng HTV7. Ở đó, lúc nào cũng vang lên giọng the thé của chú vẹt Fernando và cả giọng trầm ấm của “chú lùn xứ Bắc Âu” Hugo.

Thế nhưng, ít ai biết rằng cả giọng “chú vẹt” và “chú lùn” ấy lại chỉ do một người lồng tiếng (liên tục đổi giọng). Đó là chàng trai có khuôn mặt rất nam tính và sở hữu cả trăm giọng nói khác nhau – “phù thuỷ âm thanh” Quách Hồ Ninh.

Song ca một mình

Ninh sinh tại vùng mỏ biên giới phía Bắc, lúc đó ông bà không biết đặt tên là gì bèn lấy chữ Ninh trong tên tỉnh (Quảng Ninh) đặt cho thằng cháu. 6 tuổi anh về quê cha ở xã Tiên Thuỷ, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Quách Hồ Ninh mê âm nhạc ngay từ hồi còn học phổ thông và lúc nào cũng có mặt trong đội văn nghệ của trường. Tuổi hoa niên có những phút giây mơ mộng, để rồi Ninh hay ôm đàn ngồi hát một mình. Và trong một lần đang âm thầm đơn ca như thế, Ninh bỗng thèm hát song ca, nhưng do không có “đối tác” nên anh chàng bèn nghịch ngợm nghĩ ra trò nhái giọng nữ để “vừa tung vừa hứng”. Tập riết rồi quen… Dạo đó, đội văn nghệ của trường cũng thường được bà con miệt quê mời tới hát đám cưới. Mà dân quê đã chơi là… chơi tới sáng. Thường thì khi đã khuya, các giọng ca nữ phải ra về, còn lại chỉ toàn phái nam. Đó cũng là lúc Ninh trổ tài hát hai giọng (nam và nữ). Dĩ nhiên là được tán thưởng nhiệt liệt.

 

Từ đó, Quách Hồ Ninh nuôi mộng lên Sài Gòn làm nghệ sĩ. Niềm đam mê này thôi thúc đến mức anh “liều mạng” tuyên bố với gia đình: “Con lên Sài Gòn mà không thành danh thì quyết không trở về Bến Tre!”.

“Dị nhân” trong giới kịch nghệ

Có lẽ nhờ quyết tâm này mà năm 1987, anh thi đậu vào trường Nghệ thuật – Sân khấu II (nay là trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM), học diễn viên kịch nói. Chính ở môi trường này, năng khiếu thẩm âm và khẩu âm của Quách Hồ Ninh được phát huy, ngày càng phong phú và chính xác. Số là các sinh viên phải dựng những tiểu phẩm để trả bài cho thầy cô. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế cả nước còn khó khăn thì sinh viên làm gì có máy cassette để tạo nhạc nền. Thế nên Quách Hồ Ninh “có đất dụng võ” khi trong những tiểu phẩm của anh không chỉ có nhạc mà còn có mọi thứ tiếng động và cả tiếng của đủ loại gia súc, gia cầm, chim chóc, muông thú… Vì vậy các bài tập của Ninh luôn được điểm cao. Bạn bè thấy thế bèn nhờ cậy đến cái mồm của anh trong bài tập của họ. Thế nên, ngay từ thời sinh viên, Quách Hồ Ninh đã trở thành một “dị nhân” trong giới kịch nghệ.

 

Nhái gần hoàn chỉnh tiếng đàn bầu

Hiện nay, dù chưa khi nào thống kê nhưng Quách Hồ Ninh đã tạo nên một vốn liếng mà không phải ai muốn sở hữu cũng được. Những loại âm thanh do anh tạo nên qua khẩu âm đã lên đến số trăm. Anh tiết lộ, khó nhất là nhái âm thanh của các loại nhạc cụ và nhái giọng của các ca sĩ (mà mình ưa thích). Về nhạc cụ, anh cho rằng mình nhái gần như hoàn chỉnh tiếng đàn bầu. Ngoài ra còn có tiếng kèn saxophone, tiếng đàn guitar phím lõm, đàn cò, trống, mandoline, kèn lá, beat box (dàn nhạc điện tử)… Nhái giọng ca sĩ thì có giọng của Duy Mạnh, Bảo Yến, Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ…, nhưng theo anh thì “chỉ nhái một đoạn thôi, dài hơn sẽ lòi đuôi hàng dỏm”.

 

Buổi diễn đầu tiên của Quách Hồ Ninh trước công chúng là một sô lưu diễn ở vùng ven TP Phan Thiết (Bình Thuận) vào năm 1990. Lúc đó, diễn viên Minh Nhí bàn với anh cần có một tiết mục mở màn thật vui nhộn để thu hút khán giả. Tiết mục này dài khoảng 10 phút nhưng chỉ một mình Quách Hồ Ninh đã “gom” lên sân khấu cả một “sở thú” gồm: heo, gà, bò, chó, mèo, ếch, ngựa… Buổi diễn hôm đó thành công ngoài mong đợi. Điều thú vị ở Ninh là qua khẩu âm của anh, người nghe dễ dàng hình dung ra giọng sủa này là của chó con, giọng này của chó mẹ; chó sủa khi phát hiện ra điều lạ, sủa khi bị đá hoặc rên ư ử lúc về già. Rồi mèo kêu lúc bình thường, kêu lúc cắn nhau và cả khi gào nhau gọi tình; tiếng ngựa phi nước kiệu, nước đại, khi qua suối, khi bon chân trên đường thiên lý… Để đạt tới trình độ như thế, chắc chắn anh đã phải dày công nghiên cứu, tìm hiểu rồi luyện tập.

Không cần bạn diễn

Quách Hồ Ninh cho biết muốn nhái giọng (hoặc âm thanh) của một đối tượng nào đó thì phải mở băng đĩa để nghe đi, nghe lại cái giọng ấy cho đến lúc nhập tâm, đặc biệt là phải tìm cho ra nét đặc trưng của từng giọng, từng âm rồi luyện giọng nhái theo. Anh luyện giọng bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu – thậm chí ngay cả lúc đang chạy xe. Khi thấy đã được rồi thì tự ghi âm lại rồi đối chiếu với giọng của đối tượng, lại luyện tập cho đến lúc không phân biệt được (nhờ người khác nghe). Quách Hồ Ninh cho rằng muốn trụ lâu ở loại hình này thì nhất thiết phải biết giữ giọng. Đó là phải biết tự kiềm chế, không thức khuya, không hút thuốc, uống rượu.

Hiện nay Quách Hồ Ninh đang đạo diễn mảng văn nghệ, giải trí của Đài truyền hình TP.HCM (gồm ca nhạc, kịch, cải lương, game show…). Ngoài ra, anh còn là đạo diễn, diễn viên, MC… của nhiều phim, nhiều chương trình truyền hình khác. Anh bảo rằng chính ngón nghề khẩu âm đã bổ trợ rất tốt cho nghề diễn viên, nhất là về thanh đới, nó luyện cho diễn viên có giọng nói khỏe, vang và chuẩn. Tuy nhiên, nghề này hầu như không có “đệ tử” bởi nếu không có năng khiếu bẩm sinh thì khó ai luyện giọng được. Một điểm đặc trưng của nghề này là chỉ “độc diễn” mới thể hiện và phát huy hết khả năng của mình, không cần có bạn diễn để “đưa qua đưa lại rồi sút ” mà tự mình “vừa đưa vừa sút” mới là… phù thuỷ!