Đánh đổi

Làm một nghề cao quý được xã hội tôn vinh, trân trọng, thế nên khi phạm tội ngay trong nghề nghiệp của mình, hình phạt mà những bác sĩ, y tá này nhận lãnh không chỉ là những năm tù

 

Đánh đổi

Làm một nghề cao quý được xã hội tôn vinh, trân trọng, thế nên khi phạm tội ngay trong nghề nghiệp của mình, hình phạt mà những bác sĩ, y tá này nhận lãnh không chỉ là những năm tù.

 

Buồn và tiếc cho các bị cáo là cảm giác mà nhiều người tham dự phiên toà cảm thấy trong vụ án 12 bác sĩ, nhân viên bệnh viện đồng lòng kê toa thuốc khống để rút tiền bảo hiểm y tế xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ngày 27-4, bản án 15 năm tù đã được TAND TP.HCM tuyên cho bác sĩ Lưu Tố Lan, chuyên khoa 1 Bệnh viện Chợ Rẫy, vì là người chủ mưu gây ra vụ phạm tội.

“Được”

Với 1.168 toa thuốc khống được kê trong hai năm 2008-2009, Lưu Tố Lan đã rút từ quỹ bảo hiểm y tế số thuốc trị giá hơn 3,9 tỉ đồng, bán rẻ ra ngoài thu được 2,6 tỉ đồng để chia nhau. Riêng Tố Lan được 1,1 tỉ đồng. Nếu chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2009 với số tiền hưởng lợi 950 triệu đồng, trung bình mỗi tháng Lan “thu nhập” hơn 230 triệu đồng, một khoản tiền khổng lồ so mức lương chính thức của bác sĩ ở bệnh viện!

Đã khóc và khóc rất nhiều trong suốt hai ngày xử trước đó, đến khi bản án chính thức được toà tuyên bố, bác sĩ Lan gần như khuỵu xuống. Nước mắt tuôn trào theo mỗi bước chân nặng nề của người từng là bác sĩ bên hai cảnh sát tư pháp áp giải trở về trại giam. Bên cạnh Lan, những người thân, bạn bè đứng lặng.

Lưu Tố Lan là bác sĩ tại khoa nội tiết, mỗi tuần một ngày (thứ tư) bác sĩ Lan được phân công khám bệnh tại phòng khám ngoại trú, nhận khám cho các bệnh nhân đăng ký bảo hiểm y tế. Tại phiên toà, Lưu Tố Lan khai do có thân quen với Nguyễn Thị Thu Ba (y tá, khoa răng hàm mặt Bệnh viện Tân Bình) nên Thu Ba có đến phòng khám nói Lan kê toa thuốc khống cho một số người nhà có thẻ bảo hiểm y tế để lấy thuốc về cho người nhà xài.

Vài toa đầu trót lọt, thấy việc lấy thuốc dễ dàng nên cả hai đã bàn bạc tiếp tục tìm cách lấy thêm thuốc. Thu Ba đã toả đi tìm người quen, bạn bè để nhờ mượn, gom thẻ bảo hiểm y tế rồi lén lấy giấy chuyển viện khống mà Bệnh viện Tân Bình ký sẵn để đưa cho Lan. Những toa đầu tiên Lan kê trị giá thuốc chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Nhưng sau đó Thu Ba nói phải trả công cho người cho mượn thẻ bảo hiểm nên trị giá thuốc được kê tăng lên đến 2,5-5 triệu đồng/toa. Các loại thuốc trong toa hầu hết là những thuốc đắt tiền và dễ bán. Lan cũng nhờ đến Lưu Thị Liễu, một trình dược viên quen thân, để tìm kiếm nguồn thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện khống về cho Lan kê toa. Năm bác sĩ bệnh viện tuyến dưới đã được Liễu móc nối để lấy giấy chuyển viện với giá 500.000-800.000 đồng/hồ sơ gồm thẻ bảo hiểm y tế và giấy chuyển viện khống của bác sĩ.

Để qua mặt quy trình khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế mà bệnh viện quy định, lúc đầu Lan còn thuê người đóng giả bệnh nhân đi theo các khâu cấp phát thuốc. Sau đó Lan đã đặt thẳng vấn đề với hai nhân viên khoa dược để đánh máy đơn thuốc, cấp số phát thuốc là Huỳnh Quốc Thái và Nguyễn Thị Mai, không cần bệnh nhân giả nữa. Trung bình mỗi ngày Lan kê hàng chục toa thuốc (ít nhất 4 toa/ngày, nhiều nhất tới 67 toa/ngày).

Việc kê toa khống lấy thuốc chỉ được phát hiện khi tình cờ một ngày nhân viên khoa dược nhìn thấy Huỳnh Quốc Thái đánh máy toa thuốc vào giờ nghỉ trưa, một công việc không phải nhiệm vụ của Thái. Mà toa thuốc đó lại do bác sĩ Lưu Tố Lan kê, trong khi ngày khám bệnh không phải là ngày thứ tư theo lịch trực của bác sĩ Lan. Vụ việc được bệnh viện tiến hành thanh tra và kết luận, gửi cơ quan điều tra làm rõ.

Mất

Với giọng nói nhỏ nhẹ, bác sĩ Lưu Tố Lan khai báo chi tiết, thành khẩn nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Khi đại diện Viện kiểm sát hỏi suy nghĩ của bị cáo như thế nào khi làm bác sĩ mà lại kê toa thuốc cho người bệnh khi biết rõ họ không bị bệnh, vị bác sĩ từng có gần 20 năm trong nghề bật khóc nức nở: “Bị cáo rất ân hận và xấu hổ, chỉ vì thiếu suy nghĩ mà bị cáo đã phạm tội tày đình…”. Phiên toà lặng đi, nghe rõ tiếng thở dài của người dự khán.

Trên hàng ghế bị cáo, nhóm các bác sĩ thuộc bệnh viện tuyến dưới đã “bán” giấy chuyển viện khống với giá từ 500.000-800.000 đồng/giấy cho đường dây của Lan cũng cúi gằm mặt.

Phiên toà không căng thẳng, không có sự tranh luận gay gắt bởi hầu hết nhóm bác sĩ, nhân viên bệnh viện đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Không khám bệnh nhưng vẫn viết giấy chuyển viện, kê toa và phát thuốc. Phần tự bào chữa và nói lời sau cùng của các bị cáo đã khiến người tham dự phiên toà thật sự tiếc cho họ. Để được vào học ngành y, trở thành bác sĩ quả không dễ khi ngành này vốn nổi tiếng với điểm chuẩn cao, học hành vất vả. Vậy mà những bác sĩ này đã đánh mất chính mình.

Trong lời nói sau cùng, bác sĩ Lưu Tố Lan nói về sự ân hận tự đáy lòng mình: “Bị cáo biết xã hội lên án bị cáo lắm, mà có lên án thế nào bị cáo cũng không dám trách. Bị cáo xứng đáng bị như thế. Bị cáo cảm thấy rất ân hận về hành vi của mình, đã làm tổn hại uy tín của bệnh viện, của những bác sĩ khác, nhất là đã phụ lòng tin của cha bị cáo, người thầy thuốc ưu tú suốt đời liêm chính…”.

Không khí phiên toà lại chùng xuống. Ngồi bên dưới, người bác sĩ già, cha của Lan, như hoá đá. Ông theo dõi đầy đủ diễn biến phiên toà xử con gái suốt hai ngày. Lan là người ông hết lòng yêu thương, tin tưởng và dìu dắt vào ngành y để nối nghiệp cha tại chính chuyên khoa mà ông nghiên cứu. Ông thở dài: “Tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết việc làm của Lan. Tôi đã khuyên con, thôi có làm thì cứ nhận, rồi bảo nó xin bán căn nhà để mà bồi thường cho Nhà nước”.

Sáu người bị tuyên phạt án tù. Nhiều người trong số đó đã bật khóc nức nở. Nhưng sáu bác sĩ, nhân viên bệnh viện khác được toà cho hưởng án treo cũng không thể vui. Họ đã phải trả giá đắt cho sự lựa chọn giữa cái được – mất của mình…