Teen và những làn gió độc từ Internet

Có thể nói rằng, mỗi ngày của teen bây giờ không còn được tính theo ngày – đêm nữa mà đã chuyển sáng cách tính thật – ảo. Sự mênh mông của Internet ngày càng thu hút teen dành khá nhiều thời gian lang thang trên mạng.

 

Teen và những làn gió độc từ Internet

Có thể nói rằng, mỗi ngày của teen bây giờ không còn được tính theo ngày - đêm nữa mà đã chuyển sáng cách tính thật – ảo. Sự mênh mông của Internet ngày càng thu hút teen dành khá nhiều thời gian lang thang trên mạng.

Và trong quá trình “ngao du ngoạn thuỷ” ấy, những giá trị teen thu lượm được liệu có phải là những điều bổ ích hay ngược lại, chúng lại là những làn gió độc làm héo úa, đen sạm những trái tim trong sáng, những ánh nhìn hồng tươi của teen về cuộc sống xung quanh, vốn đã vô cùng phong phú và phức tạp này?

Sự “vô tâm” của web

Bên cạnh những website uy tín, cung cấp những thông tin hữu ích và cần thiết cho tất cả mọi người thì vẫn còn tồn tại nhiều trang thông tin, diễn đàn mang tính “vô thưởng, vô phạt”, nghĩa là đưa đến cho người đọc những thông tin chẳng biết để làm gì vì không hàm chứa một thông điệp giáo dục, thông điệp nhân văn hay thậm chí là tính thư giãn. Thậm chí, chúng còn mang tính châm ngòi làm cho những lối sống sai lầm có cơ hội bùng phát.

Dường như mỗi giờ, mỗi ngày trên những diễn đàn, trang web đều có những tin, bài về chuyện ca sĩ A, diễn viên B, người mẫu C “lộ hàng”. Sau mỗi tin bài đó lại là chuyện “nạn nhân” than vắn thở dài về nguyên nhân, hoàn cảnh, nỗi đau khổ khi chẳng may “lộ hàng”. Cùng chị em họ hàng với “lộ hàng” là “khoe hàng” và những thông tin này cũng luôn được ưu ái đánh dấu “hot” (nóng) ngay trang chủ. Có vẻ như người ta sợ rằng, nếu không có những thông tin về việc cô này, chị kia, anh nọ khoe lưng, khoe vai, khoe dáng xinh, da chuẩn… là độc giả sẽ quay lưng nên những thông tin này được đưa ra “vô tội vạ” với nhiệm vụ “câu khách”.

Quả thực, ngoài việc kích thích sự tò mò của người đọc, tạo “ma lực đen” khiến họ phải rê chuột và “click” một cái… để có thêm thành tích “khách ghé thăm” thì những bài viết dạng như đã nêu không giúp người đọc bất kỳ một điều gì trong việc tiếp nhận thông tin, bởi “mở bài là lộ hàng, thân bài là… “hàng lộ” và kết bài cũng là “lộ hàng”!

Ngoài ra, những thông tin kiểu “Sao X xúng xinh hàng hiệu”, “Sao Y diện đồ độc”, “Sao Z đi ăn kem với bồ”… cũng “la liệt” trên khắp các mặt báo và được tô màu như một tin “hot”, tin “cực kỳ thú vị”, khiến teen không rời mắt.

Và sự “vô tư tiếp nhận” của teen

Internet vô tâm là thế, vậy mà teen cũng vô tư tiếp nhận những thông tin ấy, thậm chí tới mức “ghiền” những thông tin lá cải xuất hiện ào ào mỗi giờ, mỗi ngày. Một ngày mà không điên cuồng click chuột vào những dòng tít kiểu na ná nhau như “Hot girl 9x khoe môi xinh, dáng ngọc” hay “Người đẹp X, Y, Z khoe vai, khoe lưng, khoe mụn ruồi, thậm chí là khoe mụn… trứng cá” là teen bị “ngứa ngáy”, “ngột ngạt”, “bức bối”, “tức tối” và không tập trung làm những việc khác được.

Có những teen đọc vì đó là thông tin liên quan đến thần tượng của mình nhưng cũng có những teen bị hút hồn bởi tiêu đề đầy tính “bí ẩn”, cùng những hình ảnh minh họa vô cùng xinh đẹp, cuốn hút của nhân vật chính khiến teen phải đọc để giải tỏa trí tò mò của mình. Đọc lần một thì sẽ phải đọc tin tiếp theo để theo dõi toàn cảnh câu chuyện, từ tin tiếp theo đó sẽ có thêm hàng loạt đường link dẫn đến những link khác với nội dung tương tự. Và như thế, teen “nghiện” tin lá cải từ lúc nào không hay.

 

Thế giới mạng có không ít cạm bẫy mà teen cần hết sức cẩn trọng – Ảnh minh hoạ: T.L.

Những thông tin không thông điệp trên cứ từng ngày từng ngày “ngấm” vào cách nghĩ, cách nói chuyện, cách hàng động, cách xây dựng hình ảnh của teen trong mắt người khác lúc nào không hay. Với suy nghĩ rằng, việc “lộ hàng” khiến người nào đó được lên mặt báo suốt ngày, đồng nghĩa với việc được được nhiều người biết đến và đồng nghĩa với việc… nổi tiếng khiến không ít teen manh nha âm mưu “khoe hàng”, gây scandal để mình cũng được nổi tiếng. Thậm chí có những teen bắt chước sao, có những phát ngôn gây sốc với thầy cô, bạn bè,… để khẳng định cá tính “riêng biệt” của mình.

Teen cũng cần hiểu, những bài viết về scandal của những người nổi tiếng dù giúp thỏa trí tò mò nhưng việc đọc chúng thường xuyên sẽ kéo theo sự thờ ơ trong cảm xúc, “đọc vậy thôi chứ chả làm gì”, và cũng đồng thời làm chúng ta mất khả năng “định vị” để chọn lọc những tin tức hữu ích cho bản thân.

“Lướt web là nghệ thuật, biết cách lướt web là nghệ sĩ”.

Khi chưa có những tác động cần thiết để những thông tin tràn lan trên mạng không còn là những thông tin “chưa sạch” thì teen hãy luyện cho mình những công lực để có thể điều khiển hứng thú, sự quan tâm của mình sang những thông tin hữu ích hơn. Teen có thể tham khảo vài “tuyệt chiêu” sau:

Quản lý thời gian lên mạng

1. Hoạch định cụ thể thời gian teen sẽ online mỗi ngày (60 phút, 90 phút hay 100 phút)

2. Cài đồng hồ hẹn giờ hoặc điện thoại trước khi bắt đầu online để đảm bảo không bị “quên đường về”. Hãy tôn trọng chính bản thân mình bằng cách tôn trọng định mức thời gian mình đã đặt ra, đừng để đồng hồ hẹn giờ kêu đến lần thứ tám mươi mới uể oải tắt máy vi tính nhé!

3. Song song đó, hoạch định mục tiêu khi online; Tìm tài liệu? Tán gẫu với bạn bè? Viết blog? Đọc tin tức? Thư giãn?… Nếu xác định đúng mục tiêu mỗi lần lên mạng, teen sẽ không bị cuốn trôi vào thế giới mà chỉ cần mở một cánh cửa này sẽ lại dẫn bạn đến nhiều những cánh cửa khác.

Lựa chọn giá trị

Teen có quyền đọc những thông tin liên quan đến thần tượng hay những người nổi tiếng khi họ có câu chuyện trên báo. Nhưng hãy khôn ngoan lựa chọn những bài viết hàm chứa những thông tin có giá trị vì điều này sẽ khiến teen sẽ yêu mến họ hơn.

Đó có thể là những bài viết về hoạt động từ thiện, chia sẻ về quá trình gian nan rèn luyện và phấn đấu để thành công, những giải thưởng họ đạt được,… Những nội dung đó sẽ giúp hình thành những cảm xúc tích cực, giúp teen có thêm ý chí để thành công trong học tập, trong cuộc sống đó teen ạ.