Tạm biệt mô hình “việc làm nhân đạo”

Các mô hình tạo việc làm cho người khuyết tật dựa trên tinh thần từ thiện, nhân đạo đang trở nên lỗi thời, kém hiệu quả

 

Tạm biệt mô hình “việc làm nhân đạo”

Các mô hình tạo việc làm cho người khuyết tật dựa trên tinh thần từ thiện, nhân đạo đang trở nên lỗi thời, kém hiệu quả.

Cô Lưu Thị Miền, quê ở Nam Định, là một trong những nhân viên lâu năm nhất của Diego Cortizas, chủ hãng thời trang Chula Fashion ở Hà Nội. Như nhiều đồng nghiệp khác, Miền bị khiếm thính nhưng được nhận vào làm bởi cô có kỹ năng và rất chăm chỉ.

Thu nhập của cô đủ chi trả tiền ăn ở, giải trí, đi lại và dôi dư một chút để tiết kiệm. Miền từng đi may gia công nhưng rồi bỏ việc bởi công việc quá nhàm chán, đơn điệu và không có không gian sáng tạo.

Những nhân viên trầm lặng

Sau năm năm gắn bó với Chula, Miền nói cô rất muốn tiếp tục làm việc lâu dài với nơi này. Trong hàng trăm chiếc váy cô làm ra, không cái nào giống cái nào. Khách hàng tìm đến cơ sở nơi Miền đang làm việc và trả khá nhiều tiền cho các sản phẩm ở đây (vài triệu đồng một cái áo) vì sự độc đáo của thiết kế cũng như chất lượng và dịch vụ, chứ không bởi sự hiếu kỳ hoặc đơn giản là tinh thần tương thân tương ái với Miền hay 48 nhân viên khác cũng bị khuyết tật như cô.

Miền và đồng nghiệp đều tự hào về những sản phẩm của mình làm ra được khách hàng đánh giá rất cao.

“Họ đều làm việc rất tốt!” – ông Diego Cortizas hãnh diện nói về nhân viên của mình. Tốt nghiệp ngành kiến trúc ở Tây Ban Nha, mở xưởng sản xuất thời trang tại VN, ông Diego không muốn và cũng không cần khoác lên mình chiếc áo “từ thiện” khi thuê người khuyết tật làm việc.

Ông nói một cách giản dị về triết lý kinh doanh của mình: “Nhân viên nào làm tốt hơn, năng suất cao hơn sẽ được hưởng lương cao hơn” và “Duy trì chất lượng và dịch vụ tốt để cạnh tranh”.

Trang web của Chula không có thông tin nào cho thấy công ty sử dụng phần lớn lao động là người khuyết tật nhưng tới thăm cơ sở, khách dễ dàng nhận thấy phần lớn nhân viên ở đây là người khiếm thính, khiếm thị… Ông chủ và người lao động giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Ông Diego giao cho mỗi người một việc tuỳ năng lực, từ thêu đến may, cắt, làm trưởng nhóm, thiết kế trang web, bán hàng… “Nhiều nhân viên khuyết tật còn có kinh nghiệm tốt hơn người bình thường. Hơn nữa, họ được bù đắp bởi những thứ khác. Chẳng hạn nhiều người khiếm thính có cảm nhận màu sắc rất tốt”.

Tuy tạo nhiều điều kiện bằng cách hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền học phí cho con nhỏ, tiền đi lại… cho những nhân viên có năng suất cao, ông Diego không hề coi họ là những con người khác biệt mà vẫn áp dụng thưởng, phạt như nhau giữa nhân viên là người khuyết tật và người bình thường.

Chula Fashion không phải là doanh nghiệp (DN) duy nhất nhìn ra được cách sử dụng lao động như vậy. Đầu năm 2011, trong danh sách cá nhân, tổ chức, DN giành giải thưởng Dải Băng Xanh có tên các DN như Công ty CP than Hà Tu (Quảng Ninh), Công ty CP May Quảng Ninh, Công ty TNHH Masuoka Việt Nam (Hải Phòng), Công ty Donkey Donuts (Hà Nội)…

Đây là các DN có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật và được Hội đồng tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho người khuyết tật (gọi tắt là BREC thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp VN) công nhận.

Con đường dài phía trước

Trong những số liệu khác nhau về con số người khuyết tật ở VN (5,3 triệu người do Bộ Lao động – thương binh và xã hội đưa ra, 6,1 triệu người do Tổ chức Lao động quốc tế – ILO đưa ra…), phần lớn người khuyết tật vẫn phải sống nhờ vào gia đình, người thân hay hệ thống an sinh xã hội và ít có cơ hội cống hiến, đóng góp sức lao động của mình để tự nuôi sống bản thân, gia đình.

Bà Phạm Thị Cẩm Lý, điều phối dự án tại VN của chương trình hợp tác phát triển giữa ILO và Ireland, cho biết pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 không hề nói đến quyền và nghĩa vụ cũng như làm thế nào để phát huy khả năng đóng góp của người khuyết tật mà chủ yếu thiên về hướng trợ giúp người khuyết tật. Trong khi đó, Luật về người khuyết tật 2010 đã bao hàm nhiều nội dung khác nhau, qua đó nhìn nhận lại vấn đề người khuyết tật một cách toàn diện hơn.

ILO nhận thấy mô hình việc làm cho người khuyết tật với cách tiếp cận từ thiện và nhân đạo không phải là cách làm bền vững, vì DN không có động lực tìm kiếm lợi nhuận và người lao động cũng không được tạo điều kiện và môi trường để đóng góp, cống hiến. Đó là lý do ILO tiến hành chương trình thí điểm, hỗ trợ bảy DN vừa và lớn ở phía Bắc trong việc hòa nhập người khuyết tật tại nơi làm việc.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, trưởng phòng chính sách xã hội của Bộ LĐ-TB&XH, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại và phân dạng khuyết tật để xác định số lượng, mức độ khuyết tật cụ thể. Đây là thách thức mà ông Toản cho rằng mười năm qua VN vẫn chưa tìm thấy lối ra. Nay theo Luật về người khuyết tật, sẽ có cả ba bộ cùng chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo.

“Nếu không làm được việc đó, việc xác định đối tượng điều chỉnh của luật sẽ khó khăn và do đó không đảm bảo mục tiêu thi hành luật” – ông Toản nói.

Hiện VN đang nhận được sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ quốc tế để xây dựng tiêu chí, công cụ phân loại và phân dạng khuyết tật, nhưng ông Toản cho biết sẽ cần thêm một thời gian để hoàn thành trước khi triển khai trên thực tế.