Vui mừng vì Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ được tôn phong Chân phước ngày 01-05-2011.

Ngày 14-1-2011, Thánh Bộ Phong Thánh đã ban hành một sắc lệnh, được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chính thức phê chuẩn, xác nhận tính xác thực của một phép lạ qua lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Việc phê chuẩn phép lạ này đã hoàn tất thủ tục cuối cùng cho việc tôn vinh Người lên hàng Chân Phước.

Vui mừng vì Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ được tôn phong Chân phước ngày 01-05-2011.

Ngày 14-1-2011, Thánh Bộ Phong Thánh đã ban hành một sắc lệnh, được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chính thức phê chuẩn, xác nhận tính xác thực của một phép lạ qua lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Việc phê chuẩn phép lạ này đã hoàn tất thủ tục cuối cùng cho việc tôn vinh Người lên hàng Chân Phước.

Vatican lập tức loan báo rằng nghi lễ tôn phong Chân Phước sẽ diễn ra vào ngày 01 tháng 05, ngày lễ Lòng Chúa Xót Thương, ở Roma. Nghi lễ này được kỳ vọng sẽ lôi kéo một đám đông khổng lồ về tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Việc tôn phong Chân Phước này sẽ diễn ra sau hơn sáu năm ngày Đức Gioan Phaolô II băng hà. Thông thường, Vatican ấn định một thời kỳ chờ đợi 5 năm sau khi qua đời, trước khi mở cuộc điều tra có thể dẫn tới việc phong Chân Phước. Nhưng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bỏ qua thủ tục này đối với Vị Tiền Nhiệm của Người. Trong lễ an táng Đức Gioan Phaolô II vào tháng 4 năm 2005, hàng ngàn người đã cùng hoà nhau trong tiếng hát: ”Santo subito!”, kêu gọi hành động mau kẹ để nâng Vị  Giáo Tông yêu kính này lên bàn thờ.

Phép lạ được chính thức loan báo ngày 14-01, là việc chữa lành một nữ tu sĩ người Pháp, Soeur Marie Simon Pierre, khỏi bệnh liệt rung (Parkinson). Việc chữa lành đột ngột này đến vào ngày 03-06-2005 – đúng một tuần sau khi Đức Gioan Phaolô II băng hà – sau khi bề trên của vị nữ tu chỉ dẫn cho Soeur cầu xin sự bầu cử của Đức Cố Giáo Hoàng. Những đội thần học gia và chuyên gia y học đã xem xét trường hợp này một cách cặn kẽ thấu đáo và đã làm chứng rằng việc chữa lành này là một phép lạ.

Loan báo ngày 14-06 của Vatican đã được đoán trước. Đầu tuần này, nhà báo quan sát Vatican hàng đầu của Ý, Andrea Tornielli, đã báo tin rằng Thánh Bộ Phong Thánh đã chứng nhận phép lạ và chỉ còn cần sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha. Một ngày trước đó, các phóng viên người Ý đã ghi nhận rằng những công nhân ở Vatican chuẩn bị di chuyển mộ chí của Đức Gioan Phaolô II, từ nơi hiện tại trong hầm mộ Đền Thờ Thánh Phêrô, đến một nơi dễ thấy hơn trong một nhà nguyện gần cửa chính.

Sự nổii tiếng và được mọi người kính mến trên khắp thế giới của Đức Gioan Phaolô II đã làm nảy sinh một làn sóng ủng hộ việc tôn vinh Người lên hàng Chân Phước. Nhưng khi những lời đồn đoán lưu hành về việc hoãn thông báo Vatican, một số người chỉ trích đặt vấn đề liệu vụ điều tra đã quá hấp tấp vội vã chăng. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, đã xua tan những quan ngại này trong một cuộc đàm đạo với Radio Vatican.

Đức Hồng Y Amato thừa nhận rằng vụ án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II đã được quyết định bỏ qua thời kỳ chờ đợi thông thường. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đẩy nhanh tiến độ, kèm theo quyết định ban cho vụ án phong thánh này quy chế “đặc biệt”, sao cho cuộc điều tra được ưu tiên trên các trường hợp đang bị treo lửng trong sổ của Thánh Bộ này. “Tuy vậy – theo lời Đức Hồng Y Amato – không bỏ sót bất cứ một góc cạnh nào liên quan đến tính nghiêm nhặt và chính xác trong thủ tục pháp lý”. Sắc lệnh của Vatican lôi kéo sự chú ý đặc biệt đến nhiều khía cạnh trong đời sống của Đức Gioan-Phaolô II. Một số dính líu tới đời sống nội tâm của Người: lời cầu nguyện mãnh liệt nhưng đơn sơ của Người; lòng tôn sùng sâu xa của Người đối với Đức Maria. Những khía cạnh khác bao gồm sự cống hiến của Người cho đời sống Giáo Hội: ảnh hưởng của Người trong Công Đồng Vatican II; sự dấn thân của Người với giới trẻ và nhất là Đại Hội Giới Trẻ Thế giới và công việc phi thường Người làm đối với Năm Thánh 2000. Sắc lệnh cũng ghi nhận đặc biệt quyết định của Đức Gioan Phaolô II thiết lập lễ Lòng Chúa Xót Thương, được Thánh Nữ Faustina Kowalska phổ biến. Năm nay lễ này sẽ rơi vào ngày 01-05, trở thành một dịp tốt cho việc tôn phong Chân Phước Đức Cố Giáo Hoàng,.

 ———————————————————

 BÀI ĐỌC THÊM

MỘT VÀI CHI TIẾT ĐÁNG CHÚ Ý TRONG THÁNH LỄ AN TÁNG CỦA ÐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II.

(Radio Veritas Asia 9/04/2005) – Thánh lễ An Táng của Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng thứ Sáu, mùng 8 tháng 4 năm 2005, và kết thúc lúc 12 giờ 45 phút trưa, giờ Roma.

Một giờ trước khi cử hành Thánh Lễ An Táng tại quảng trường Thánh Phêrô, thì Thi Hài của ÐTC Gioan Phaolô II được đặt vào trong quan tài thứ nhất bằng gỗ cây cypres, trong một nghi thức do Ðức Hồng Y Nhiếp Chính Eduardo Martinez Somalo chủ sự, với sự hiện diện của các vị Hồng Y, như Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger niên trưởng Hồng Y Ðoàn; Ðức Hồng Y Angelo Sodano, cựu quốc vụ khanh toà thánh; Ðức Hồng Y Camillo Ruini, tổng đại diện ÐTC cai quản giáo phận Roma; Ðức Hồng Y Francesco Marchisano, Kinh Sĩ Trưởng Ðền Thờ Thánh Phêrô; Ðức Tổng Giám Mục Stanislaw Dziwisz, thư ký riêng của ÐTC; và Ðức Tổng Giám Mục James Harvey, Tổng Vụ Phủ Giáo Hoàng.

Ðức Tổng Giám Mục Piero Marini, Trưởng Ban Nghi Lễ của Phủ Giáo Hoàng đọc Bản Văn tóm tắt cuộc đời của ÐTC, rồi cuốn bản văn đưa vào trong một ống giấy, để rồi được để vào trong quan tài cùng với thi hài của ÐTC.

Vào đúng giờ cử hành Thánh Lễ an táng, quan tài được 12 người khiêng ra ngoài quảng trường đặt trước Bàn Thờ Chính, trong khi ca đoàn cất hát ca nhập lễ: Requiem eternam dona eis, Domine. Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời.

Theo nguồn tin của hãng tin quốc tế AFP, thì con số các tín hữu đứng chật tại quảng trường Thánh Phêrô lên đến khoảng 300 ngàn người, cộng thêm khoảng 700 ngàn người đứng ngoài quảng trường, hoặc dọc suốt Ðại Lộ Hoà Giải. Và hàng triệu người khác nơi các con đường hay địa điểm khác trong thành phố Roma, như Sân Vận Ðộng Thành Phố, Khuôn Viên Ðại Học Roma, Các Ðền Thờ Lớn như Ðền Thờ Thánh Gioan Lateranô, Ðền Thờ Ðức Bà Cả, Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Hí Trường Colossêô, Circus Maximus, Quảng Trường Popolo ở Trung Tâm Roma, Quảng Trường Risorgimento, gần bên Vatican. Tại những địa điểm này có gắn những màn hình lớn cho dân chúng theo dõi. Như thế, tổng cộng có thể đến mức 1 triệu người tham dự trực tiếp tại chỗ. Và hàng triệu người khác tham dự Thánh Lễ An Táng qua Truyền Thanh hay Truyền Hình ở khắp nơi. Ðó là chưa kể đến những đám đông khổng lồ khác đang tụ tập từ nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Chẳng hạn như tại BaLan, thánh lễ an táng Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được trực tiếp truyền thanh và truyền hình toàn quốc từ Roma. Trước giờ bắt đầu lễ, tại thủ đô Warsava, 26 tiếng Ðại Bác nổ vang, để nhắc đến 26 năm thi hành thừa tác vụ Phêrô tại ngai toà Roma của Ðức Gioan Phaolô II. Cách riêng tại Cracovia, nơi ÐTC đã là Tổng Giám Mục trước khi được chọn lên kế vị Thánh Phêrô tại ngai toà Roma vào năm 1978. Ðã có khoảng 300 ngàn tín hữu — có nguồn tin nói rằng có 800 ngàn tín hữu — tụ họp tại Sân rộng ở ngoại ô thành phố Cracovia, để tham dự Thánh Lễ trực tiếp truyền hình từ Roma. Vào tháng 8 năm 2002, trong chuyến về thăm quê hương BaLan lần cuối, ÐTC Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ tại địa điểm này, với khoảng ba triệu người tham dự.

Trở lại quảng trường thánh Phêrô, phía bên phải Bàn Thờ Chính là nơi dành cho quý vị Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, cho ngoại giao đoàn cạnh Toà thánh, và phía bên trái dành cho các Vị giám mục, các vị lãnh đạo tôn giáo, các đại diện các giáo hội kitô khác… Như một trong những biện pháp an ninh, vùng trời trên thành phố Roma trong khoảng giờ cử hành Thánh Lễ An Táng, đã trở nên vùng cấm các loại máy bay vào. Cộng đoàn tín hữu tại Quảng Trường Thánh Phêrô nhiều lần hô lớn khẩu hiệu: Giaon Phaolô II là Vị Thánh. Người ta cũng đọc được nhiều biểu ngữ với hai chữ thật to: SANTO SUBITO! Có nghĩa là: Hãy mau Phong Thánh cho Ngài!

Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger chủ tế Thánh lễ, với sự Ðồng Tế của 164 vị Hồng Y và các vị Giáo Chủ Giáo hội Công giáo Ðông phương. Các Tổng Giám Mục, Giám Mục, linh mục thì chỉ tham dự thánh lễ từ nơi dành riêng mà thôi.

Bài Phúc âm được dùng cho Thánh Lễ an táng là đoạn Phúc âm theo thánh Gioan chương 21, câu 15-19, kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Tông Ðồ Phêrô, quanh câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?”, và lời mời gọi của Chúa kết thúc cuộc đối thoại: Con hãy theo Thầy. Ðức Hồng Y Ratzinger đã giải thích ý nghĩa sâu xa của đoạn Phúc âm lần dựa theo những giai đoạn của cuộc đời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, từ ơn gọi chủng sinh, rồi lãnh chức linh mục, giám mục, và cuối cùng được chọn làm người kế vị thánh Phêrô trên ngai toà Roma. Lúc nào ÐTC cũng muốn theo Chúa trọn vẹn và chứng tỏ tình yêu của mình đối với Chúa.

Ðức Hồng Y cũng nhắc đến nét đặc biệt trong cuộc đời chủ chăn giáo hội hoàn vũ của Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như sau: “Ngài thật sự đã đi khắp mọi nơi, không mệt mõi, để làm trổ sinh những hoa trái tồn tại mãi. “Hãy chỗi dậy! Chúng ta hãy lên đường”, đó là tựa đề của cuốn sách áp chót của ngài. Hãy chỗi dậy! Chúng ta hãy lên đường! Với những lời này, Ðức Gioan Phaolô II đánh thức chúng ta dậy, đừng để Ðức Tin ngủ mê, đánh thức những đồ đệ của Chúa xưa và nay. ÐTC vẫn còn tiếp tục nói với chúng ta như thế, ngay cả ngày hôm nay. ÐTC là vị Tư Tế của Chúa cho đến mức cuối cùng, bởi vì ÐTC đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, cho đoàn chiên và cho toàn thể gia đình nhân loại… nhất là trong những đau đớn của những tháng cuối đời .”

Kết thúc bài giảng, Ðức Hồng Y đã dùng một hình ảnh làm nhiều người cảm động. Ðức Hồng Y nói ÐTC không còn xuất hiện ở bên cửa sổ phòng làm việc của ngài để ban phép lành cho chúng ta nữa, nhưng giờ đây, từ cửa sổ Nhà Cha trên trời, ÐTC nhìn xuống chúng ta và ban phép lành cho chúng ta.

Cuối Thánh Lễ, Nghi thức Từ Biệt được cử hành theo hai nghi thức Latinh và Ðông Phương thật cảm động. Cử hành nghi thức Latinh, trước hết Ðức Hồng Y Ratzinger đọc Lời nguyện và xông hương quanh Quan Tài. Kế đến, Ðức Hồng Y Camillo Ruini tiến ra gần bên quan tài đọc lời Phó Dâng, trong khi ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh bằng tiếng Latinh… Kế đến các Vị Giáo Chủ và Tổng Giám Mục của các Giáo hội Công giáo Ðông Phương tiến ra đứng xung quanh Quan Tài, cùng nhau đọc Lời nguyện theo Nghi Thức Ðông Phương, cùng với lời ca Kyrie eleison, Xin Chúa thương xót, bằng tiếng Hy lạp… Kết thúc Nghi Thức Từ Biệt, Ðức Hồng Y Ratzinger đọc lời nguyện cuối cùng và rảy nước thánh trên quan tài.

Cảm động nhất là giây phút đưa Quan Tài ÐTC trở vô lại trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để an táng bên dưới Hầm Ðền Thờ, nằm ngay dưới Bàn Thờ Chính. Khi khiêng đến Cửa Chính của Ðền Thờ Thánh Phêrô, đoàn khiêng dừng lại và quay Quan Tài lại để phần mặt của Thi Hài ÐTC nhìn ra quảng trường, trong cử chỉ giống như thể ÐTC quay mặt lại lần cuối cùng từ giã cộng đoàn tín hữu. Ðài Truyền Hình chiếu nhiều hình ảnh tín hữu cảm động đến rơi lệ.

Ðức Hồng Y Nhiếp Chính chủ sự nghi thức an táng Ðức Thánh Cha tại nơi trước đây đã an táng Ðức Gioan 23. Khi Ðức Gioan 23 được phong chân phước, thì thánh tích của ngài được chuyển lên một nhà nguyện nhỏ trong Ðền Thờ Thánh Phêrô cho mọi người kính viếng. Nay, Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được an táng vào nơi trống này.

Nhìn vào cái phái đoàn các quốc gia đến tham dự Thánh Lễ An Táng Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta có thể kể ra cách chung như sau: các Hoàng Gia của 10 quốc gia trên thế giới, 57 vị Nguyên Thủ Quốc Gia, 3 Hoàng Tử với quyền kế vị, 17 vị Ðứng Ðầu Chính Phủ, 3 vị Lãnh Ðạo các tổ chức Quốc Tế, 10 vị Ðại Diện cho các tổ chức quốc tế, 3 phu nhân của các Vị Lãnh Ðạo Quốc Gia, 8 vị Phó quốc trưởng, 6 vị Phó Thủ Tướng, 4 vị chủ tịch quốc hội, 12 vị ngoại trưởng, 13 vị bộ trưởng, và các vị Ðại Sứ của 24 quốc Gia. Người ta không thấy sự hiện diện của phái đoàn Trung Quốc và phái đoàn Nga.

Về các Phái đoàn tôn giáo, tổng cộng tất cả là 140 Vị, đại diện cho các Giáo Hội Chính Thống, Các Giáo Hội Ðông Phương Chính Thống, Các Giáo Hội và Cộng Ðồng Giáo Hội Kitô Tây Phương, Những đại diện của Do Thái Giáo, Hồi Giáo, và những phái đoàn đến từ các tôn giáo không Kitô.

 

BTGH