Trung Quốc đặt chân vào Châu Âu

Sau Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, nơi các tập đoàn lớn của mình đứng chân để khai thác nguồn nguyên liệu của hai Châu lục này, giờ đây Trung Quốc đang bắt đầu cuộc tiến công chiến lược vào Châu Âu với việc đầu tư vào những công trình cơ sở hạ tầng khổng lồ với “giá bỏ thầu bất khả đánh bại”.

Trung Quốc đặt chân vào Châu Âu

Sau Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, nơi các tập đoàn lớn của mình đứng chân để khai thác nguồn nguyên liệu của hai Châu lục này, giờ đây Trung Quốc đang bắt đầu cuộc tiến công chiến lược vào Châu Âu với việc đầu tư vào những công trình cơ sở hạ tầng khổng lồ với “giá bỏ thầu bất khả đánh bại”.

Khác với hình ảnh “một anh thực dân mới” như các nhà chính trị và các tổ chức phát triển quốc tế mô tả ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Trung Quốc giờ đặt chân đến Châu Âu như một nhà đầu tư có bước đi thông minh trong túi rủng rỉnh hàng tỉ USD khi các nước Châu Âu đang khó khăn với khoản nợ chồng chất.

Từ ngoại vi…

Thật ra, từ một năm trước, các tập đoàn lớn của Trung Quốc đã đặt chân đến các nước ngoại vi Châu Âu như Moldova, Serbia, Ukraine, Ba Lan… Bắc Kinh đã ký kết những thoả thuận chiến lược với Moldova và Serbia. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải dành cho Moldova một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 1 tỉ USD đổi lại việc Tập đoàn xây dựng China Overseas Engineering (Covec) của Trung Quốc có được những đơn hàng xây dựng khổng lồ.

Tại Serbia, sau thoả thuận chiến lược giữa Tổng thống Boris Tadic và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hai bên cũng đã thảo luận về một khoản tín dụng ưu đãi mà Trung Quốc dành cho việc đầu tư xây dựng đường và cầu trên sông Danube trị giá lên đến 200 triệu euro cũng như mở rộng các cảng, xây dựng đặc khu kinh tế.

Còn tại Ba Lan, Covec cũng đã tìm cách nhảy vào chiếm lĩnh thị trường xây dựng đường sá trị giá lên đến khoảng 40 tỉ euro từ nay cho đến Cúp bóng đá Châu Âu năm 2012 với hai gói thầu đầu tiên để xây dựng các xa lộ bên trong Châu Âu là những cầu vượt cho xa lộ mới A2 nối Warsaw với Lodz. Covec đã qua mặt hai đối thủ cạnh tranh nổi tiếng của Châu Âu với giá bỏ thầu 1km là 6,3-6,5 triệu euro, thấp hơn 60% so với giá gọi thầu, thấp hơn cả so với giá đấu thầu của Tập đoàn xây dựng Ba Lan PBG và Ireland SRB Civil Engineering.

… Đến trung tâm Châu Âu

Trung Quốc nay bắt đầu tiến công vào “trái tim” Châu Âu với chuyến thăm Pháp và Bồ Đào Nha của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào… Trung Quốc đã đem đến 20 tỉ USD cho các hợp đồng ký với Pháp.

Nếu đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Châu Âu còn tương đối khiêm tốn so với các khu vực khác của thế giới, thì việc gia tăng đầu tư trong hai năm qua là khá ấn tượng. Từ mùa xuân năm 2010, Châu Âu đã trở thành đối tác thương mại chính của Trung Quốc, trước cả Mỹ.

Theo ông Jens Bastian – nhà kinh tế thuộc Quỹ Hi Lạp cho chính sách đối với nước ngoài và với Châu Âu, trong 10 năm tới Châu Âu sẽ phải mở ra nhiều dự án xây dựng công cộng lớn: dọn sạch thiết bị chiến tranh trong dòng sông Danube để làm cho dòng chảy của con sông này trở thành trục giao thông đường thủy quan trọng, xây dựng các tuyến đường sắt quốc tế, nhất là giữa Đức và Macedonia, mở các xa lộ mới từ Đức đi Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh: “Lục địa Châu Âu thiếu một hệ thống vận tải nối Tây Âu và Đông Âu. Và chính trong lĩnh vực này, Trung Quốc đang cố giành ưu thế”.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc được đón nhận với vòng tay mở rộng. Khi nhận được hàng tỉ USD cho những hợp đồng mới của Trung Quốc, Thủ tướng Hi Lạp tuyên bố: “Sự hỗ trợ của những người bạn Trung Quốc là cơ may cho chúng ta” và mong muốn Hi Lạp trở thành “một đầu cầu cho Trung Quốc vào Châu Âu”. Ireland cũng hi vọng được hưởng phần của mình trong cái bánh đầu tư của Trung Quốc khi tìm cách “tạo cho Trung Quốc một cổng vào Châu Âu” tại thành phố Athlone, và thành phố này đã tạo ra được hàng ngàn việc làm. Bắc Kinh cam kết “giúp đỡ nước bạn Ireland càng nhiều càng tốt trong lúc khó khăn này”, như tuyên bố của Thủ tướng Ireland Brian Cowen hồi tháng 6.

Bộ trưởng Hi Lạp Haris Pamboukis đánh giá: “Chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở Châu Âu là ôn hoà và có tính toán tốt. Tôi không tin rằng sẽ gặp phải một con ngựa thành Troie.”

“Hành động của Trung Quốc không có gì là một sự trùng hợp, – theo ông Jens Bastian – Trung Quốc có quỹ dự trữ khổng lồ và các nước mà Trung Quốc đầu tư vào nhiều lại rất cần các khoản đầu tư của nước ngoài”.

Có qua có lại

Thế nhưng, tại Châu Âu, cũng không khỏi có những lo ngại về những tham vọng của Trung Quốc. Ông François Godement, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Châu Âu về quan hệ đối ngoại, nhận xét: “Trung Quốc đang theo đuổi sự lấn sân tại Châu Âu y như cách họ đã làm ở Châu Phi. Nhưng họ thâm nhập Châu Âu qua các quốc gia ngoại vi, mà điều này lại không theo lệ thường”.

Quả là Trung Quốc đã tập trung nỗ lực vào các cảng của Hi Lạp và Ý cũng như vào các xa lộ nối Đông Âu với Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, và tìm cách đầu tư mạnh vào các công trình hạ tầng. Nhiều tỉ USD của Trung Quốc đã được bơm vào các dự án xây dựng công cộng, giúp các công ty và công nhân Trung Quốc có việc làm. Bắc Kinh cũng hi vọng các khoản đầu tư của mình sẽ thúc đẩy Châu Âu ủng hộ mình trên các vấn đề tiền tệ đang tranh cãi, và trên các vụ kiện thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong chuyến thăm Châu Âu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhắc nhở Brussels rằng Trung Quốc đang làm bạn với Hi Lạp, Tây Ban Nha, Ý và các nước Châu Âu khác đang gặp khó khăn, và vào lúc khó khăn nhất, bằng cách mua lại các trái phiếu nhà nước, khi mọi nhà đầu tư đã bỏ đi. Để đổi lại, Trung Quốc đề nghị lãnh đạo các nước “đừng gây áp lực lên Trung Quốc về những gì liên quan đến định giá đồng nhân dân tệ”.

Bắc Kinh cam kết mua các cổ phiếu Hi Lạp ngay khi Athens đưa ra bán, và đã mua 625 triệu USD số nợ của Tây Ban Nha. Khi đặt tại Châu Âu một phần khiêm tốn nhưng tăng dần của khoản 2.300 tỉ USD tiền dự trữ ngoại tệ, hơn là trong trái phiếu ngắn hạn của Bộ Tài chính Mỹ ít lợi nhuận, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hoá nguồn tiền của mình, nhưng cũng có thể dựa vào sự tham gia này để làm thế giới giảm áp lực lên đồng nhân dân tệ.

   

Chủ tịch Li Shufu của Hãng ôtô Geely tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh tháng 3-2010 sau khi đã mua lại cổ phần của Ford Motors trong Hãng Volvo (Thụy Điển) – Ảnh: AP

Trung Quốc tìm mua tài sản ở nước ngoài

Theo VOA, Ngân hàng Công thương lớn nhất Trung Quốc vừa thông báo mua lại một công ty môi giới chứng khoán của Mỹ và đang tìm mua thêm tài sản ở Đông Nam Á. Tháng trước, Tổng công ty Dầu mỏ Trung Quốc đã mua 1/3 cổ phần tại một mỏ dầu khí ở Texas.

Năm ngoái, các công ty Trung Quốc đầu tư khoảng 43 tỉ USD cho các vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc. Jeremy Fearnley, chuyên viên về các thương vụ mua lại và sáp nhập, đang làm cho công ty tư vấn KPMG ở Hong Kong, cho biết KPMG đã thực hiện một cuộc thăm dò với hơn 150 giám đốc doanh nghiệp Trung Quốc để biết dự định đầu tư ở nước ngoài của họ trong ba năm tới.

Kết quả cho thấy “85% số người được hỏi nói họ có kế hoạch mua lại tài sản ở nước ngoài. Hầu như người nào cũng có kế hoạch này”. Hầu hết các công ty có thu nhập dưới 150 triệu USD chọn mua lại tài sản ở Châu Á, trong khi gần 50% công ty có thu nhập trên 150 triệu USD chọn Bắc Mỹ và Châu Âu, bên cạnh Châu Á. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ trong chín tháng đầu năm nay đã tăng 530% so với cùng kỳ năm ngoái.

H.N.

 

TRỌNG THÀNH (Theo Handelsblatt, New York Times)

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 08/11/2010