Làm ngoại giao thì được, lừa dối nhân dân thì không

Câu chuyện tung ra nhiều tài liệu nhạy cảm trên WikiLeaks quả thật nóng ran trong những ngày qua, nhất là khi nó liên quan đến thế giới ngoại giao vốn kín kẽ. Đúng sai trong vấn đề này là câu chuyện còn nhiều bàn cãi.

Làm ngoại giao thì được, lừa dối nhân dân thì không

Câu chuyện tung ra nhiều tài liệu nhạy cảm trên WikiLeaks quả thật nóng ran trong những ngày qua, nhất là khi nó liên quan đến thế giới ngoại giao vốn kín kẽ. Đúng sai trong vấn đề này là câu chuyện còn nhiều bàn cãi.

Những tài liệu tung ra trên WikiLeaks thật ra phần lớn cũng không phải được xếp vào hàng “bí mật quốc phòng” hay những hạng tương đương như thế. Nhóm thông tin này nói cho cùng sẽ được xếp vào kho tư liệu công cộng và sẽ được dành cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu khi chúng hết hạn “bảo mật”, tức sau khoảng 20-30 năm. Nói như thế để hiểu rằng chúng chỉ được tung ra sớm hơn thời hạn. Thế thôi!

Vì lợi ích công chúng

Và theo luật về tự do thông tin – được bảo vệ bằng hiến pháp Mỹ và châu Âu, cả khi đó là các thông tin được xếp vào hạng “tuyệt mật” mà giới báo chí vớ được thì cũng có quyền đăng tải nếu hành động đó được đánh giá có lợi cho người dân. Trong nguyên tắc vận hành của quốc gia thì đó chính là việc người dân có quyền kiểm soát các hoạt động của chính phủ. Chính phủ có quyền làm hoạt động ngoại giao, có thể “do thám” các quốc gia khác nhưng lừa dối nhân dân thì không được.

Luật pháp cấm công bố các tài liệu chưa đến hạn “giải mật” nhưng nếu dắt nhau ra toà thì toà vẫn thường vận dụng nguyên tắc “quyền lợi của công chúng cao hơn” để giải quyết các đơn kiện liên quan chuyện vi phạm luật pháp. Vì vậy, nếu việc công bố các thông tin mật nhằm bảo vệ các nguyên tắc của hiến pháp, để chứng minh những sai lầm của chính phủ, của các cơ quan công quyền thì hành động của báo giới luôn giành phần thắng.

Trong sự kiện vừa qua, năm tờ báo hàng đầu thế giới (The New York Times, Le Monde, The Guardian, Der SpiegelEl Pais) cũng có cách lý giải tương tự khi dùng nghiệp vụ báo chí để “giải mã” các thông tin được WikiLeaks đưa trước.

Trong trả lời phỏng vấn qua điện thoại với đặc phái viên báo Tuổi Trẻ, ông Javier Moreno Barber – giám đốc xuất bản của nhật báo El Pais (Tây Ban Nha) – nhấn mạnh: “Báo tôi quyết định công bố các tài liệu đó vì chúng có lợi cho công chúng! Nhưng phải thấy là chúng tôi không công bố tất cả tài liệu, không công bố tên tuổi cá nhân nào bởi vì đảm bảo an toàn cho nguồn tin là nguyên tắc cốt lõi.

Chẳng hạn qua các tài liệu nắm được, chúng tôi phát hiện Đại sứ quán Mỹ tại Tây Ban Nha muốn gây áp lực với chính quyền Madrid để ngăn chặn vụ khởi kiện chống lại các binh sĩ Mỹ bị kết tội cố sát nhà báo truyền hình Jose Couso của Đài Telecinco TV ở Baghdad. Nếu im lặng trước những phát hiện đó thì chẳng khác nào sự vi phạm dân chủ ở đất nước chúng tôi”.

Tương tự, ông Alain Frachon – Giám đốc nội dung của nhật báo Le Monde (Pháp) – lý giải với Tuổi Trẻ: “Những thông tin đã công bố là một tiết lộ vì lợi ích công chúng. Chúng cũng không phải chấn động gì lắm nhưng thật sự có ích và gây sự chú ý”. Theo lý giải của các báo, trong hơn 250.000 tài liệu lần này mà WikiLeaks có được phần lớn cũng không nằm ngoài sự hiểu biết của chính phủ các nước phương Tây, các nhà ngoại giao cũng như các nhà báo chuyên mảng chính trị – ngoại giao.

“Những thư tín đó chỉ cho chúng ta thấy cách làm việc khôn ngoan của các nhà ngoại giao Mỹ: lắng nghe và ghi chép lại mọi lời của những người không đồng tình với quan điểm của Mỹ” – ông Alain Frachon nhấn mạnh. Có thể với nhiều người bình thường thì đó là những thông tin hấp dẫn, “bùng nổ”, nhưng chính xác mà nói chúng cũng chỉ là những thông tin “việc thật, lời thật” trong những sự kiện mà giới chuyên môn đều biết cả.

Chúng có thể hấp dẫn ở yếu tố “phía sau màn nhung” với những ngôn ngữ thật và thẳng thừng của các nhà ngoại giao, của các chính trị gia trước khi thông tin được “tút lại đẹp đẽ” để công bố trong các buổi họp báo và sau đó đến với công chúng. Trong một bài báo trên tờ Le Monde (ngày 30-10), ngay sau vụ công bố tài liệu liên quan cuộc chiến tranh ở Iraq, nhà văn nổi tiếng Umberto Eco đã gọi đúng bản chất của sự kiện công bố “thông tin mật” của WikiLeaks: “Tôi gọi đó là dân chủ thông tin!”.

Minh bạch có giới hạn?

Nhưng sự thật thì giới báo chí phương Tây những ngày qua cũng tranh luận khá dữ dội về chuyện “dân chủ” và “minh bạch” thông tin. Chính độc giả cũng cho rằng trước những thông tin quá nhạy cảm, phải biết bảo vệ uy tín quốc gia. Có đến hơn 60% độc giả bình luận trên các diễn đàn mạng lên án việc công bố thông tin mật nhân danh “quyền lợi tối cao của công chúng”.

Một độc giả tên Thomas Stern viết trên diễn đàn của báo Le Monde: “Phải bảo vệ quyền lợi tối cao của đất nước chúng ta!”. Nhà báo Laurent Joffrin của tờ báo cánh tả Libération (Pháp) nói thẳng: “Trong một thế giới đầy xung đột bạo lực như hiện nay, một quốc gia có quyền giữ kín các bí mật quốc phòng của mình, có quyền thảo luận kín đáo với các đồng minh hoặc đối thủ, thậm chí có quyền tiến hành một số chiến dịch đặc biệt”.

Quả thật sự kiện WikiLeaks đã đặt các nhà báo trước một thử thách lạ lùng: minh bạch thông tin như thế nào để vẫn đảm bảo được đạo đức nghề nghiệp. Ngay trong nội bộ các tờ báo được lựa chọn chia sẻ thông tin cũng có những ý kiến chưa đồng tình. David Brooks, nhà báo nổi tiếng chuyên viết xã luận của tờ The New York Times, phải đưa ra một gợi ý: “Lẽ ra vẫn có thể viết báo về những phát hiện đặc biệt mà không làm lộ hết những bí mật của hoạt động ngoại giao”.

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)

 

 

Website của WikiLeaks đặt tại wikileaks.ch, kêu gọi mọi người ủng hộ cho sứ mệnh “thúc đẩy các chính phủ minh bạch và công khai” (ảnh chụp qua màn hình) – Ảnh: AFP 

WikiLeaks đang nhân ra như nấm

Dù WikiLeaks đang bị vây tứ phía do các áp lực chính trị, nhưng có vẻ nó cũng đang được nhân rộng trong thế giới mạng.

Công ty dịch vụ trả tiền trên mạng PayPal thuộc website đấu giá eBay đặt tại Mỹ vừa trở thành công ty mới nhất “trở mặt” với WikiLeaks sau khi thông báo “hạn chế vĩnh viễn” tài khoản của WikiLeaks vì trang mạng này vi phạm chính sách của PayPal là “cấm việc khuyến khích, hô hào hay chỉ dẫn người khác tham gia hoạt động bất hợp pháp”.

Điều đó có nghĩa WikiLeaks sẽ mất đi một cách quyên tiền quan trọng, được xem là an toàn và thuận tiện nhất cho hoạt động của mình. Theo AFP, những người muốn tặng tiền cho WikiLeaks qua PayPal đã nhận được thông báo: “Người nhận tiền này hiện không thể nhận tiền”. Còn WikiLeaks thông báo trên Twitter: “PayPal đã cấm WikiLeaks sau khi chịu áp lực của Chính phủ Mỹ”.

Trong khi WikiLeaks bị tấn công liên tục thì các “mirror website” – các website sao chép toàn bộ và chính xác nội dung website WikiLeaks gốc – đang nở rộ. Chính các website này đang là nơi giúp WikiLeaks tiếp tục hoạt động dù tên miền gốc wikileaks.org không còn nữa. Theo AFP, điều đó cho thấy bản chất khó nắm bắt và rất vô hình của Internet, cho phép các website “thổi còi” luôn đi trước một bước so với những “kẻ thù” của mình – những người đang muốn kiểm duyệt thông tin.

Sau khi bị đánh sập lần đầu tiên, WikiLeaks chuyển sang địa chỉ mới đặt tại Thụy Sĩ http://www.wikileaks.ch/. Chưa đầy 24 giờ sau, hàng chục website khác đã được thiết lập và chạy khắp nơi trên mạng. Một số địa chỉ do WikiLeaks lập, một số do những người dùng mạng lập để đảm bảo wesbite vẫn tiếp tục được truy cập. Các website sao chép đảm bảo rằng hàng trăm ngàn tài liệu “mật” liên quan tới ngoại giao Mỹ tiếp tục đến được với công chúng. Đến nay, hàng trăm WikiLeaks con đã được đưa lên một danh bạ trên mạng tại địa chỉ http://bluetouff.com/2010/12/03/acceder-a-wikileaks.

Các chuyên gia mạng nhìn nhận quan niệm tự do mạnh mẽ mà phần đông cộng đồng mạng chia sẻ và cổ vũ khiến cho bất kỳ sự kiểm duyệt thông tin nào trên mạng cũng ngay lập tức dễ tạo ra hiệu ứng ngược lại. “Ngay khi có kiểm duyệt, một cộng đồng sẽ lập tức được hình thành và ai cũng sao chép nội dung ra mọi nơi” – Gregory Fabre, kỹ sư hệ thống và đồng sáng lập trang mạng terra-eco.net, nhận định. Bởi vậy, nếu thông tin được sao chép ra các máy chủ đặt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, việc cố gắng dừng thông tin cũng như cố bịt cái sàng gạo, bịt được chỗ này lại thủng chỗ kia, và đây không phải là chuyện mới.

 

 

KHỔNG LOAN

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 06/12/2010