ASEAN lên tầm cao mới

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu, huy động sự đóng góp tích cực của các đối tác vào việc xử lý những vấn đề của khu vực

ASEAN lên tầm cao mới

 

Người Lao động, ngày 29/10/2010

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu, huy động sự đóng góp tích cực của các đối tác vào việc xử lý những vấn đề của khu vực

Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 vào chiều 28-10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010, nêu bật 5 vấn đề quan trọng mà hội nghị tập trung bàn thảo và quyết định nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường quan hệ đối ngoại đồng thời nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của hiệp hội, nhất là trong việc bảo đảm hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như ứng phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu.

Tăng cường liên kết nội khối

Với chủ đề bao trùm “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN, đồng thời quyết định thành lập Uỷ ban Điều phối Kết nối ASEAN để giám sát và thúc đẩy thực hiện kế hoạch tổng thể này.

Lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh nỗ lực của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN hướng tới thành lập Quỹ Hạ tầng ASEAN. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những quyết định quan trọng này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa liên kết và kết nối các mặt trong ASEAN cũng như tạo điều kiện để tăng cường kết nối ở khu vực rộng lớn hơn là Đông Á.

Thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa “văn hoá thực thi” để nâng cao hiệu quả thực hiện các thoả thuận, đồng thời chú trọng tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực thi các thoả thuận.

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, Tuyên bố về Nâng cao phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã thống nhất và quyết định nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung như an ninh lương thực và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

Huy động sức mạnh đối tác

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí cần thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, thiết thực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và huy động sự tham gia đóng góp tích cực của các đối tác vào việc xử lý các vấn đề khu vực.

Theo đó, các vị lãnh đạo nhất trí tiếp tục nâng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác lên tầm cao mới, đồng thời khẳng định lại quan điểm của ASEAN rằng một cấu trúc hợp tác hiệu quả ở khu vực cần phải bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và dựa trên các tiến trình hiện có, đan xen, bổ trợ nhau.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình, kể cả việc mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia.

Trên cơ sở quyết định của Hội nghị Cấp cao 16 họp tại Hà Nội tháng 4-2010 về mở rộng EAS, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thống nhất với các đối tác EAS chính thức mời Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ tham gia Hội nghị EAS kể từ năm 2011.

 

 

 Phạm Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  Hình thành thị trường chung ASEAN

Ngày 28-10, tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, các thành viên hiệp hội đã trao đổi biện pháp để đạt mục tiêu cuối cùng là đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, một khu vực kinh tế cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2015.

Về đầu tư, ASEAN đang tiến hành các biện pháp cắt giảm/xoá bỏ những hạn chế về đầu tư, nhằm thu hút đầu tư, tăng cường cạnh tranh của các nền kinh tế trong khu vực. Về an ninh lương thực, ASEAN đã thiết lập Khuôn khổ an ninh lương thực ASEAN và Chương trình hành động chiến lược trung hạn về an ninh lương thực.

Giai đoạn chuẩn bị cho Hệ thống kho gạo khẩn cấp của ASEAN+3 như là một cơ chế thường xuyên đã được bắt đầu thực hiện từ tháng 3-2010 và sẽ thay thế cho Hệ thống kho gạo khẩn cấp Đông Á.

Đối với hợp tác GTVT, Hiệp định đa phương về tự do hoá hoàn toàn dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không (MAFLPAS) đã được hoàn thành để giúp hiện thực hoá chính sách của ASEAN về bầu trời mở, tiếp theo đó là mục tiêu xây dựng một thị trường hàng không chung ASEAN (ASAM) vào năm 2015.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 8 trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS).

Gói cam kết đưa ra lịch trình tự do hoá đối với 15 phân ngành mới với tỉ lệ vốn góp nước ngoài tối đa là 70% với 4 ngành dịch vụ ưu tiên trong ASEAN (gồm dịch vụ y tế, du lịch, e-ASEAN, vận tải hàng không và dịch vụ tiếp vận) và thấp nhất là 51% đối với các lĩnh vực dịch vụ khác.

Việc ký kết nghị định thư khẳng định quyết tâm của ASEAN với mục tiêu tự do hoá dịch vụ nội khối thông qua xoá bỏ hầu hết các rào cản dịch vụ với mức độ cam kết cao hơn cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác để thúc đẩy liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp trong ASEAN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN.

Tiếp đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký kết Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư về đối xử đặc biệt với gạo và đường trong ASEAN.

H.Thành