Góp ý của một nữ tu Dòng Đức Bà

Kính thưa Đại Hội, Con rất vui mừng và phấn khởi được đọc Tài Liệu Làm Việc Đại Hội Dân Chúa (TLLV) rất là phong phú với “kỳ vọng sẽ mở hướng cho Giáo hội Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang thay đổi nhanh chóng trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển” (tr 6).

Góp ý ca mt n tu Dòng Đc Bà

Kính thưa Đại Hội,

Con rất vui mừng và phấn khởi được đọc Tài Liệu Làm Việc Đại Hội Dân Chúa (TLLV) rất là phong phú với “kỳ vọng sẽ mở hướng cho Giáo hội Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang thay đổi nhanh chóng trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển” (tr 6).

Trên chặng đường mới này con xin mạo muội trình bày hai bước tiến được gợi lên trong “Tài liệu làm việc” :

1- Thăng tiến phẩm giá con người qua sứ vụ Giáo dục đặc biệt là giáo dục học đường.

2- Thông hiệp với các Tôn giáo bạn, cùng nhau đồng cảm và đồng hành qua công cuộc bái ái xã hội phục vụ người nghèo khổ và bất hạnh.

I/ Giáo dục vì Phẩm giá con người

Một bước tiến khẩn cấp và hết sức quan trọng được “Tài liệu làm việc” xác định :

Các tín hữu Chúa Kitô tại Việt Nam luôn chung tay với những người thành tâm thiện chí nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường mình đang sống cho xứng đáng với phẩm giá con người”(tr 27).

Vì phẩm giá con người, TLLV nhấn mạnh về Sứ vụ Giáo dục rất khẩn thiết vì Giáo dục giới trẻ trên địa bàn đất nước Việt Nam đang trong tình trạng xuống cấp đáng lo ngại. “Nhìn chung, hệ thống giáo dục và đào tạo của nước ta đang tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới ”(Võ Nguyên Giáp – Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà … NXB Trí Thức, Hà Nội 2007 – tr 21)

Do đó GH Tại Việt Nam nhất thiết phải đặt Giáo dục thành mối quan tâm hàng đầu cho dù hiện nay chưa thể tham gia trực tiếp vào giáo dục học đường. (tr 38/26).

Nhìn lại 2 thập niên qua, Chính quyền Việt Nam đã có một vài bước tiên tiến, ít nhất là cho phép người công giáo trong đó có nữ tu tham gia hoạt động trong lãnh vực bác ái xã hội:

Mái ấm, trường Tiểu học, Trung học cơ sở cho các em khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, bại não, giáo dục hàng nghìn trẻ em đường phố, các điểm tham vấn chăm sóc bệnh nhân HIV, trung tâm cai nghiện, trung tâm chăm sóc bệnh nhân SIDA giai đoạn chót …

Năm 2004, trọng điểm cai nghiện ma tuý huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, là tiêu biểu cho sự bắt tay đoàn kết giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã vui mừng nói lên niềm hy vọng rằng “ Sự phối hợp giữa Giáo Hội và Nhà Nước sẽ thêm cơ hội cho người công giáo đem Tình thương đến cho nhiều người đau khổ.” Trong tiến trình hoạt động này, nữ và nam tu thuộc các Dòng tình nguyện tham gia chăm sóc và chữa trị các cơn bệnh hiểm nghèo. Nhưng điều đáng lo ngại là số bệnh nhân nhập viện càng ngày càng đông.

Một vấn đề lớn được đặt ra

Chữa bệnh là cần thiết nhưng làm sao để đề phòng, diệt trừ căn nguyên của bệnh hoạn?

Làm sao để giải quyết tận gốc các tệ nạn xã hội đang lây lan và hoành hành: mại dâm, xì ke ma tuý, phá thai, buôn bằng, bán chữ, thị trường hoá nhà trường,…

Để đề phòng và triệt hạ các nguyên nhân gây bệnh hoạn và sa sút nhân phẩm, giải pháp cơ bản là diệt trừ từ gốc rễ các mầm ô nhiễm hủy hoại phẩm giá con người mà chìa khoá then chốt là Giáo Dục : giáo dục gia đình + giáo dục học đường. : “Mở một con đường học là đóng của một ngục tù”(nhà văn Victor Hugo). Nhưng muốn được như vậy, trường học phải là một môi trường lành mạnh, đặt trên nền tảng phẩm giá con người, mở mang kiến thức và đạo lý, hướng về Chân, Thiện, Mỹ.

Giáo dục hôm nay, gia đình và xã hội ngày mai” là chủ đề mục vụ của Hội Đồng Giám Mục năm 2007.

Về phía Chính Quyền

Trong nghị quyết về giáo dục năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu và là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, phải đẩy mạnh công cuộc xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao … Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hay loại hình : dân lập và tư nhân …

Ngày 24/07/2008, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã tổ chức tại TP HCM một hội nghị về Xã hội hoá giáo dục, y tế, thể dục thể thao với sự tham dự của đại biểu nhiều Tôn Giáo trong thành phố. Lời phát biểu sau đây (của đại biểu đạo Bahai) đã nói rõ thao thức của toàn thể đại biểu: “ Vì trăm năm lợi ích trồng người, chúng tôi mong rằng các tổ chức tôn giáo trên toàn quốc sẽ được chia phần gánh vác công cuộc trồng người quan trọng này, để tham gia tu chỉnh và cải thiện hành vi và đạo đức cho thế hệ tương lai”.

Cho đến nay, tuy chưa có một sự đáp trả công khai nào, có lẽ vì chưa có sự đồng thuận từ các cấp? Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta cứ giữ thế thụ động, dẫm chân tại chỗ? Chúng ta phải mạnh dạn tiến bước như TLLV nhắn nhủ (tr 34): “ Với sự tôn trọng, chân thành nhưng thẳng thắn và kiên định, Giáo Hội tại Việt Nam cũng không ngần ngại đối thoại với chính quyền dân sự về những gì liên quan đến lợi ích của đất nước và dân tộc.

Vì đây là vấn đề lợi ích chung của đất nước chúng ta cần thoát ra khỏi thái độ “Xin cho ” mà đứng vào vị trí đối tác để chân thành đối thoại vì lợi ích của dân tộc, vì tiếng kêu của bao người không có tiếng nói vì sống trong bùn lầy tối tăm của dốt nát, của miệt thị, của bệnh hoạn vô phương chữa chạy,… Ngày 5/10 vừa qua, ngày khai mạc Hội Đồng Giám Mục tại Trung Tâm Mục Vụ thành phố Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Thanh Xuân thay mặt cho ban Tôn Giáo Chính Phủ có lời phát biểu đáng ghi nhớ sau đây:

Chính quyền đã nhìn nhận: Tôn Giáo là nhu cầu tinh thần tồn tại lâu dài của số đông người dân, đồng thời Tôn Giáo góp phần tích cực vào đời sống văn hoá xã hội của đất nước. Sự thay đổi trong nhận thức của Chính Quyền dẫn đến những thay đổi trong chính sách, từng bước một, cho dù còn có những mặt hạn chế

Đó là những thay đỗi nào? Chúng ta phải sớm tiếp cận với các lãnh đạo cao cấp có uy quyền để tìm những con đường và chính sách giáo dục mới vì lợi ích cấp bách của dân tộc.

Về phía Giáo Hội cần có một bộ phận chuyên sâu nghiên cứu về vấn đề này(của ban Giáo dục kết hợp với ban Công Lý – Hòa Bình?) để với sự đồng thuận của Nhà Nước mở một hai thí điểm giáo dục cơ bản mà Nhà Nước có quyền kiểm soát cũng như động viên khích lệ: Một trường Tiểu học và Trung học cơ sở tiếp nhận các trẻ nghèo mà hiếu học, có tôn giáo hay không, miễn có tiềm năng vươn lên để thành nhân, thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

II/ Đối thoại và hiệp thông với các Tôn giáo bạn

Theo TLLV, “Những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các tôn giáo bạn chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều điều thuận lợi cho công tác lành mạnh hoá xã hội và thăng tiến con người” (TLLV tr 33).

Quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ phẩm giá con người nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh”(TLLV tr 56)

Hiện nay, tại Tp Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác, các tôn giáo bạn đã có bệnh xá, trạm chế và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo, nhà mồ côi, nhà dưỡng lão, trường cho trẻ khuyết tật,… Công Giáo chúng ta có thể cộng tác với các tôn giáo bạn theo gương của Bệnh xá Từ Thiện Kim Long tại Huế, nơi mà từ nhiều năm nay các Nhà Sư Phật Giáo, Nữ Tu Công Giáo, Giáo Hữu Tin Lành cùng chung sức chung lòng chăm sóc bệnh nhân HIV, rất được cơ quan y tế trong nước cũng như nước ngoài hâm mộ và hỗ trợ. Khẩu hiệu của cộng đồng bác ái Liên Tôn này là : “Ba Tôn Giáo một trái tim”.