Kỹ năng sống cho lứa tuổi học trò–=–“Kỹ năng sống của học sinh THCS TP.HCM” là một trong những công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên hiếm hoi về lĩnh vực này. Đây là luận văn thạc sĩ của giảng viên tâm lý học Nguyễn Hữu Long.

“Kỹ năng sống của học sinh THCS TP.HCM” là một trong những công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên hiếm hoi về lĩnh vực này. Đây là luận văn thạc sĩ của giảng viên tâm lý học Nguyễn Hữu Long.

Kỹ năng sống cho lứa tuổi học trò

“Kỹ năng sống của học sinh THCS TP.HCM” là một trong những công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên hiếm hoi về lĩnh vực này. Đây là luận văn thạc sĩ của giảng viên tâm lý học Nguyễn Hữu Long.

Dành cho NST cuộc trò chuyện, anh bày tỏ:

– Hiện nay đã có nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống ra đời giúp học sinh tập trải nghiệm qua những tình huống giả định. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khoa học còn mới mẻ, việc giảng dạy, huấn luyện kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức. Cùng thực trạng và tiền đề từ các hoạt động, dự án tham gia trong quá trình công tác và giảng dạy, tôi hình thành ý tưởng thực hiện đề tài này.

10 nhóm kỹ năng sống cần thiết cho khối học sinh THCS

1- Kỹ năng tự phục vụ bản thân

2- Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời

3- Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

4- Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc

5- Kỹ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân

6- Kỹ năng giao tiếp và ứng xử

7- Kỹ năng hợp tác và chia sẻ

8- Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông

9- Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống

10- Kỹ năng đánh giá người khác.

* Thưa anh, vì sao anh quan tâm đến kỹ năng sống ở lứa tuổi này?

– Học sinh THCS (12-16 tuổi) là lứa tuổi có nhiều thay đổi mạnh mẽ về thể chất, sức khoẻ và tâm sinh lý. Tuổi dậy thì các em dễ thay đổi tình cảm, hành vi, chóng vui chóng buồn. Mâu thuẫn giữa ý muốn thoát khỏi sự giám sát của bố mẹ, muốn khẳng định mình trong gia đình lẫn ngoài xã hội với ý thức “các em vẫn còn là trẻ con” trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ, thầy cô đã nảy sinh những xung đột mà các em chưa được trang bị kỹ năng cần thiết để ứng phó và giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phạm pháp ở thanh thiếu niên, đặc biệt ở độ tuổi THCS, ngày càng gia tăng đến mức độ đáng báo động trong xã hội.

* Kỹ năng sống cần trang bị cho lứa tuổi thiếu niên, theo anh là những kỹ năng nào?

– Thật bất ngờ khi có sự khác biệt giữa danh mục chọn lựa các kỹ năng sống giữa học sinh và các chuyên gia cùng các thầy cô đang giảng dạy tại bậc THCS. Tuy nhiên, sự khác biệt này là do sự sắp xếp mức độ quan trọng của các kỹ năng theo thứ tự ưu tiên.

Kết hợp 10 nhóm kỹ năng sống cần thiết cho học sinh THCS (do các nhà nghiên cứu, quản lý, giáo viên thiết lập) và kết quả khảo sát những kỹ năng được học sinh cho là cần thiết với các em, đề tài tập trung nghiên cứu bốn nhóm kỹ năng:

(1) Nhóm kỹ năng tự nhận thức bản thân (tổ chức trò chơi Tôi là ai trong giờ sinh hoạt giáo viên chủ nhiệm).

(2) Nhóm kỹ năng giao tiếp ứng xử (cách giao tiếp trong môi trường học đường, với bố mẹ, người lớn tuổi).

(3) Kỹ năng hợp tác và chia sẻ (bài tập kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết xung đột trong học đường).

(4) Nhóm kỹ năng phân biệt hành vi hợp lý và chưa hợp lý (phân biệt hành vi dũng cảm và liều mạng, hành vi yêu thương và lạm dụng tình dục…).

Vừa học vừa chơi giúp hình thành kỹ năng sống

PGS.TS Đoàn Văn Điều, giảng viên tâm lý học Trường ĐH Sư phạm, thành viên hội đồng khoa học, cho biết: “Đây là một đề tài được thực hiện công phu, nghiêm túc, cơ sở lý luận tốt, mang tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu xã hội đang cấp thiết đặt ra.

Bước tiếp theo, tạo dựng được môi trường để thực hành kỹ năng sống là điều quan trọng, cùng với việc đào tạo đội ngũ thầy cô chuyên trách, biết tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi tập thể. Nếu trả lại nền giáo dục theo cách học thời xưa, học sinh vừa học vừa chơi, phát huy khả năng tự tư duy, sẽ giúp các em dễ dàng hình thành kỹ năng sống hơn”.

* Kỹ năng sống của học sinh hiện nay thế nào, thưa anh?

– Hầu hết đề tài nghiên cứu trước đây đều có chung nhận định: học sinh thời nay năng động, tự tin, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình và thường có mức yêu cầu cao đối với bản thân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các em bước đầu hình thành những quan niệm cơ bản về kỹ năng sống, phần đông nhận thức được kỹ năng sống là hành vi con người thể hiện khi ứng phó với những tình huống diễn ra trong cuộc sống, dựa trên những phẩm chất tâm lý và kinh nghiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, các em cũng nhận định được nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu kỹ năng sống là do chưa có sự hoà hợp trong giao tiếp giữa các em với cha mẹ, thầy cô. Đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống, quan niệm sống từ bạn bè cùng lớp, cùng trường và từ các phương tiện thông tin đại chúng (mạng Internet, báo chí, diễn đàn…).

Tuy nhiên, chỉ mới dừng ở việc nhận thức, đa số học sinh vẫn chưa tiếp cận được những biện pháp rèn luyện để hình thành kỹ năng sống. Điều này cần sự nỗ lực từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và chính bản thân học sinh.

* Theo góp ý của hội đồng khoa học, đề tài của anh mới dừng lại ở phần nhận thức kỹ năng sống, để tiến đến việc hình thành kỹ năng hành vi cho học sinh, anh sẽ tiếp tục phát triển đề tài thế nào?

– Trong tương lai tôi hi vọng sẽ tiếp tục khảo sát trên diện rộng, thực hiện tại nhiều trường THCS trong thành phố, từng bước xây dựng mô hình hình thành kỹ năng sống cho học sinh THCS. Đây có thể sẽ là đề tài tiến sĩ của tôi.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.