Cảm ơn cuộc đời –=– Đập vỡ ở Hà Tĩnh. Thông tin đó khiến cánh tài xế và toàn bộ hành khách trên chuyến xe Hà Nội – Huế băn khoăn, hoảng loạn.

Đập vỡ ở Hà Tĩnh. Thông tin đó khiến cánh tài xế và toàn bộ hành khách trên chuyến xe Hà Nội – Huế băn khoăn, hoảng loạn.

Cảm ơn cuộc đời

Nhật ký thành phố ơi,

Đập vỡ ở Hà Tĩnh. Thông tin đó khiến cánh tài xế và toàn bộ hành khách trên chuyến xe Hà Nội – Huế băn khoăn, hoảng loạn.

Quay về lại Hà Nội hay tiếp tục vào vùng ngập lụt. Cuối cùng thì chuyến xe (có rất nhiều ni cô vào miền Trung cứu trợ) quyết định dấn thân.

12g khuya, xe buộc phải dừng lại ở Hồng Lĩnh. Đến 6g sáng, hành khách từ nhiều chuyến xe hối hả tìm thức ăn, không thể không nghĩ đến chuyện phải kẹt lại ở Hà Tĩnh nhiều ngày. Tài xế không thể liều lĩnh trong mùa nước lũ.

Quán bún Huế nằm ngay bên đường trở thành một “điểm đến” lý tưởng. Một tô bún chỉ với giá 15.000 đồng (trong khi mọi người đều nghĩ đến một gói mì giá 30.000 đồng trong đợt kẹt xe vài ngày trước đó) khiến thực khách thấy lòng mình ấm áp.

9g sáng, đường thông, xe lại băng qua biển nước, dò dẫm cùng xe máy, người đi bộ, trâu bò và cả những đám lục bình đang trôi. Hình ảnh bác tài xế xuống xe, gỡ đám lục bình để xe chạy tiếp khiến mình thấy vui và muốn rơi nước mắt.

Giờ đây, khi đã bình yên ở Huế (trong khi có hai xe khách đã bị cuốn trôi), ý muốn chia sẻ những trải nghiệm, những cảm xúc vừa qua với Nhật ký thành phố trong mình trở nên mãnh liệt. Cảm ơn cuộc đời đã dạy mình biết thêm yêu thương và thấu hiểu.

Cảm ơn cuộc đời đã đem đến cho mình niềm tin giữa bộn bề những thất vọng, hoài nghi. Cảm ơn chuyến đi, cảm ơn những người bạn.

THÁI PHAN VÀNG ANH

“Vô đây ngồi nè cưng!”

Buổi tối cuối tuần dạo qua khu Chợ Lớn bất chợt trời chuyển mưa, tôi ghé vội vào một quán ăn tránh cơn mưa sắp đến, sẵn tiện “nạp năng lượng”. Lát sau mưa trút xuống. Mưa Sài Gòn là vậy, ầm ập đến mà không báo trước, làm ướt nhẹp những người đi đường chưa kịp mặc áo mưa.

Một cô bé đi chiếc xe đạp xanh chạy nhanh vào mái hiên quán ăn để trú mưa, có vẻ là sinh viên vừa đi làm thêm hay học ban đêm về, vì vẫn còn mặc đồng phục thể dục. Từng trận gió tạt nước vào tận trong quán rát rạt. Cô bé cố co người thật sát vào góc tường, ngần ngại nhìn bên trong, có lẽ cô không mang theo tiền.

Bác chủ quán chợt lên tiếng bằng chất giọng miền Tây dễ gần: “Vô đây ngồi nè cưng, đứng đó chi mưa ướt hết trơn rồi”. Cô bé ngạc nhiên rồi rụt rè bước vào. Bác chủ quán tốt bụng mang cho cô chiếc khăn cùng ly trà nóng và mỉm cười nhẹ nhàng. Một lúc sau, mớ tóc ướt đã khô, ly trà cũng cạn mà mưa vẫn còn nặng hạt.

Sao đêm nay mưa dai dẳng đến lạ. Cô bé bồn chồn nhìn đồng hồ rồi đứng lên cảm ơn bác chủ quán, cô phải về cho kịp giờ nhà trọ đóng cửa. Người phụ nữ ngừng tay đảo thức ăn, bảo cô bé đứng chờ rồi mang ra một chiếc áo mưa giục cô mặc vào. Sau đó lại cầm dù che cho cô ra tận ngoài xe, lấy khăn lau khô yên xe ướt đẫm.

Cô bé cảm động nói những lời gì không rõ đã chìm vào tiếng mưa rơi, bác chủ quán lắc đầu, chuyện nhỏ thôi mà. Thế mà người ta cứ nói rằng ở chốn thành thị này ngay cả hàng xóm còn không thèm quan tâm đến nhau.

CA DAO

Nhầm

Đang ngồi hóng mát trong công viên, tôi chợt thấy một thanh niên vai mang balô bước đi lững thững với khuôn mặt bơ phờ, đôi mắt vô hồn. Theo sau anh là ba đứa bé. Ba đứa quấn lấy anh chàng như người quen, nhìn cách chúng hỏi thăm những người xung quanh, tôi dễ dàng nhận ra chúng đang cố giúp anh chàng này.

Mỗi khi gặp ai, chúng lại tranh nhau kể về hoàn cảnh đáng thương của người chúng đang giúp đỡ: đó là một thanh niên quê Đà Nẵng, vào thành phố mới được mấy ngày, lúc đi xe bị người ta lấy cắp hết 400.000 đồng. Bọn trẻ bảo hỏi gì anh ta cũng không nói, thấy thương người ta cho đồ ăn anh cũng chỉ ăn được một nửa, còn lại anh… ăn không vô. Bà con thấy tội nghiệp nên đã cho anh ta nhiều tiền.

Hỏi thăm và giúp đỡ “bạn” xong, bọn trẻ về. Anh chàng tiếp tục lững thững đi từ hướng Lãnh Binh Thăng ra đường Ba Tháng Hai. Một chút linh tính có gì bất ổn, tôi tò mò đi theo. Không khó để đuổi kịp vì tôi đi xe máy. Anh ta đi một lát thì dừng lại và… rút thuốc ra hút. Khác với điệu bộ mệt mỏi lúc nãy, dáng vẻ anh ta trở nên nhanh nhẹn hơn.

Đến trạm xe buýt trên đường Ba Tháng Hai, trong lúc đợi xe anh ta lại tiếp tục đốt thuốc. Tôi đến gần hơn để quan sát, anh chàng móc tiền ra và bắt đầu đếm. Khi chuyến xe số 14 trờ tới, anh ta vội nhét tiền vô túi quần, nhảy phóc lên xe, chẳng có vẻ gì là người mới đến thành phố này.

Bấy nhiêu đó đủ để tôi hiểu mọi chuyện. Định bụng có dịp quay lại công viên tôi sẽ nói cho mấy đứa nhỏ vô tư kia biết. Nhưng nếu bọn trẻ biết sự thật phũ phàng chắc chúng sẽ không còn tin vào bất cứ ai. Tôi quyết định chỉ viết nhật ký, song lòng vẫn chưa hết ray rứt.

Người lớn luôn dạy trẻ con phải biết yêu thương và giúp đỡ người khốn khổ nhưng lại có những người lớn lợi dụng điều này để trục lợi cho bản thân và lừa gạt cả trẻ nhỏ.

CHI LÊ