Cầm tiền của chồng, không dễ!

Chồng tôi là công chức nhà nước. Lương luôn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” hoặc “đi đều bước” khi đến mỗi kỳ tăng lương. Hoàn toàn không có kiểu “chạy bứt phá” như chồng làm doanh nghiệp của mấy đứa bạn.

Cầm tiền của chồng, không dễ!

 

Báo Thanh Niên, ngày 23-9-2010 

Chồng tôi là công chức nhà nước. Lương luôn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” hoặc “đi đều bước” khi đến mỗi kỳ tăng lương. Hoàn toàn không có kiểu “chạy bứt phá” như chồng làm doanh nghiệp của mấy đứa bạn.

Thế nhưng, trong khi tôi thầm ganh tị với bạn chắc tiêu tiền… sướng tay luôn thì bạn thở dài: Cầm tiền của chồng, không dễ đâu bạn ạ!…

Phải ghi sổ như con nợ

Hà, một người bạn tôi có chồng thu nhập cao. Chồng Hà làm trưởng phòng kinh doanh của một tập đoàn có tiếng nên hàng tháng đem về cho vợ 50-60 triệu đồng là chuyện bình thường. Hà đi làm chủ yếu cho vui và lấy oai với gia đình chồng rằng mình cũng là một công chức. Nhưng không phải cầm cục tiền đó rồi muốn tiêu pha gì tùy ý mà nhất nhất mọi khoản, Hà phải ghi lại cụ thể từng ngàn một!

Hà kể, hôm trước đi shop thời trang thấy cái áo quá đẹp giá đến 1,2 triệu đồng, cô bấm bụng mua để dành đi đám cưới đứa cháu. Không ngờ đến cuối tháng, khi coi lại sổ sách, anh chồng làm ầm nhà ầm cửa vì cho rằng vợ tiêu hoang.

Quen với kiểu tằn tiện của gia đình mình, tôi nói với bạn tiêu vậy cũng hơi quá tay thiệt và chồng đã có tính đó thì thôi, đừng thèm mua đồ tốt. Hà phân trần: “Một cái áo đẹp, hợp với mình còn hơn mua mấy cái làng nhàng rồi bỏ đầy tủ. Mà không riêng gì chuyện này, ổng bắt mình ghi sổ thu – chi như con nợ. Thà mình tự tính toán chứ đằng này…”.

Quy thu nhập ra… vàng

Hạnh cũng đem chuyện của mình ra than van. Cô kể rằng chồng cô mê… sắm vàng! Hồi mới cưới nhau, đang khó khăn, anh bắt cô dành dụm bằng mọi cách để lâu lâu đi sắm “5 phân, 1 chỉ”. Sau này làm ăn khấm khá, anh thường nói thẳng: “Tháng này sắm vài chỉ em nhé!”. Ví như đưa cho vợ 30 triệu đồng, anh nói vợ “tiêu khoảng 2 chỉ thôi, sắm 8 chỉ”. Hạnh nói, nhiều người thân nghe cô toàn tiêu… chỉ này chỉ nọ nên tưởng cô sung sướng lắm, kỳ thực cũng loay hoay vào mấy khoản tiền chợ, học phí cho con, giúp đỡ nội ngoại. Lý do anh chồng thích “chắt bóp” vì anh cho rằng bạn bè hơn nhau ở chỗ có vợ biết “tích tiểu thành đại” hay không. Những bà vợ tiêu hoang không dành dụm được cho chồng ít của cải thì lấy đâu tiền, vàng mua đất làm nhà hay có vốn làm ăn. Hạnh kể đôi khi cô cũng  khổ sở theo giá vàng bởi cái vòng quay mua-bán (phải có lãi!) đem về cho chồng…

Tiền ai nấy tiêu

Hóa ra, có tôi là… sướng nhất, bởi hơn 10 năm sống chung, ông xã chưa một lần hoạnh họe chuyện tiền nong. Chắc anh nghĩ, tiền lương ba cọc ba đồng của mình mà vợ đủ “giật gấu vá vai” là may lắm rồi.

Chồng tôi thuộc tuýp người không coi tiền là… cái đinh gì hết! Anh thuộc về phe tất cả thu nhập của chồng từ khoản “cứng, mềm”  gì cũng nộp tất cho vợ sau đó cần tiền xài mới… em cho anh xin. Thế nên lâu lâu tôi dành dụm được ít tiền rủ anh đi mua sắm là anh tròn mắt ngạc nhiên: “Tiền đâu em có?”.

Đem chuyện nhà mình ra nói với bạn, mấy cô bạn trở ngược lại “ganh tị” tôi. Theo họ thì lâu nay mình bị coi thường, bị chồng “gây áp lực về tiền nong”. Rằng mình cũng đi làm, cũng có tiền như ai mà tự dưng mắc nợ mấy lão. Cả Hạnh và Hà đều cho rằng, nếu lần này không “quy phục” được chồng theo cách của chồng tôi thì sẽ chọn giải pháp tiền ai nấy tiêu. Tôi can: “Ấy chết, không nên! Ai lại nghĩ tiêu cực thế khi phân ra tiền anh tiền em…”, nhưng xem ra họ đã quyết tâm lắm lắm!

Sau mấy tháng bận rộn với công việc, ít cà phê cà pháo với nhau, mới đây, nhóm chúng tôi họp mặt. Nhắc tới chuyện tiền nong, Hà nói: “Không những dễ mà còn khó hơn. Mới đây khi… “kiểm toán”, ông xã mình nói sao có mấy khoản em không ghi vô? Mình hỏi khoản gì, ổng nói tiền quà cáp, mua bánh trung thu tặng ông bà nội, ngoại, cô giáo của con. Hết biết! Mình tức khí nói tôi mua tiền tôi, khỏi ghi. Ổng tức quá nói như vậy cũng không được. Không biết tổng thu, tổng chi bao nhiêu. Quá oải. Mình cãi cho một trận và tuyên bố bàn giao quyển sổ ổng muốn làm gì thì làm. Rảnh, tôi coi ti vi, đọc sách, khỏi ghi chép gì nữa, tiền ai nấy tiêu cho khỏe!”.

Hạnh cũng bức xúc không kém: “Tôi nói anh cần thay đổi, đừng gây “áp lực sắm vàng” cho vợ nữa nhưng chồng không nghe. Cuối cùng tôi kêu ảnh tự sắm sau khi tính các khoản cần chi trong gia đình. Có thể từ nay tôi khó khăn hơn một chút, tiêu pha dè xẻn hơn một chút vì thu nhập của mình không cao lại từ chối cầm tiền chồng, nhưng khỏi ám ảnh chuyện… vàng lên giá!”.

Hương Cần