Kết quả khảo sát 12 cuộc xung đột năm 2009 của Oxfam:

TT – Thường dân vẫn thường là nạn nhân đầu tiên của các cuộc chiến tranh và điều này vi phạm nhân quyền, trong khi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với các cuộc xung đột này lại thật khác nhau, tùy theo từng khu vực địa lý.

Kết quả khảo sát 12 cuộc xung đột năm 2009 của Oxfam:

Thường dân: nạn nhân đầu tiên

 

Tuoitre.vn Thứ Bảy, 21/08/2010

TT – Thường dân vẫn thường là nạn nhân đầu tiên của các cuộc chiến tranh và điều này vi phạm nhân quyền, trong khi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với các cuộc xung đột này lại thật khác nhau, tùy theo từng khu vực địa lý.

Lời báo động này đã được Tổ chức phi chính phủ Oxfam nêu lên trong một khảo sát mang tên “Phong vũ biểu bảo vệ thường dân” vừa được công bố ngày 19-8. Kết quả khảo sát 12 cuộc xung đột trong năm 2009 của Oxfam đã cho thấy đa số người chết trong chiến tranh đều là thường dân vô tội. Từ dải Gaza đến Goma, từ Chad đến Sri Lanka, thường dân phải chịu cảnh tra tấn, hãm hiếp, bắt lính và bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, bất chấp Công ước Geneva về bảo vệ thường dân mà thế giới vừa kỷ niệm 60 năm ngày ký công ước này vào năm ngoái.

“Trong Thế chiến thứ nhất, cứ mười người thiệt mạng thì có một người là dân thường, còn chín là binh lính. Một thế kỷ sau, tỉ lệ này là ngược lại” – Nicolas Vercken, người phụ trách chương trình “Xung đột” của Oxfam, nhấn mạnh.

Theo số liệu thu thập của tổ chức này, năm 2009 tại Pakistan, 5.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và quân nổi dậy, gần 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, nơi sinh sống của mình và sự dịch chuyển này được mô tả là lớn nhất và diễn ra trong thời gian nhanh nhất trên thế giới trong mười năm qua.

Ở Yemen và nam Sudan, năm 2009 thường dân cũng phải gánh chịu tình hình tồi tệ tương tự.

Tại Congo, quân nổi dậy thản nhiên lấy thường dân làm mục tiêu bắn giết để trả đũa các cuộc hành quân của quân chính phủ.

Sống sót được qua các cuộc xung đột, họ lại phải đối mặt với bao di chứng lâu dài như thiếu ăn, suy dinh dưỡng, bệnh tật.

Thế nhưng, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế (Liên Hiệp Quốc, các quốc gia và tổ chức tài trợ, các phương tiện truyền thông) thường không đủ và đều, thậm chí “tình liên đới cũng bất công nữa” như báo cáo của Oxfam đánh giá.

Chẳng hạn năm 2009, một người dân Congo được cứu trợ bảy lần ít hơn so với người dân Afghanistan, và 27 lần ít hơn so với người dân Palestine.

“Trên bình diện quốc tế, ba cuộc xung đột ở Afghanistan, Iraq và Trung Đông được ưu đãi hơn nhiều so với các cuộc xung đột ở những nơi khác nhờ báo chí đưa tin nhiều hơn. Từ năm 2003, người ta nói nhiều về Darfour hơn là về xung đột ở nam Sudan, mặc dù xung đột nam Sudan gây ra số người chết nhiều hơn hẳn”.

Pakistan, đất nước mới đây bị tàn phá nặng nề vì lũ lụt, từ nhiều năm qua đã trở thành sân khấu cho những cuộc đụng độ đẫm máu.

“Thiên tai thì dễ đánh động lòng người để họ dễ mở rộng tay cứu trợ, báo chí cũng dễ đưa tin về nỗi thương tâm nhiều hơn. Thế nhưng, đối với cuộc chiến tranh ở Pakistan, sự cứu giúp của cộng đồng quốc tế lại quá yếu ớt – ôngVercken nhận xét – Trong khi đó ở nước láng giềng Afghanistan, chiến tranh đã xảy ra từ mười năm qua và mỗi năm người ta đổ vào đây những khoản tiền khổng lồ” (năm 2009, Afghanistan đã nhận được 4 tỉ USD cứu trợ so với 712 triệu USD mà Pakistan nhận được).

N.T.ĐA (Theo CI)