Hàng hoá nhấp nhổm tăng giá

Ba ngày sau khi tỉ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh, giá một số mặt hàng như sắt thép, nhựa… trên thị trường đã tăng nhẹ. Thép là một trong những mặt hàng được điều chỉnh sớm nhất, ngay sau khi thông tin tỉ giá mới được công bố, với mức tăng 300.000-350.000 đồng/tấn.

Hàng hoá nhấp nhổm tăng giá

Tuoitre.vn Thứ Bảy, 21/08/2010

 

TT – Ba ngày sau khi tỉ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh, giá một số mặt hàng như sắt thép, nhựa… trên thị trường đã tăng nhẹ.

Thép là một trong những mặt hàng được điều chỉnh sớm nhất, ngay sau khi thông tin tỉ giá mới được công bố, với mức tăng 300.000-350.000 đồng/tấn.

Tăng vì đến hạn phải thanh toán

Trước khi tỉ giá USD được điều chỉnh, các doanh nghiệp sản xuất thép đã tăng giá “lai rai” từ đầu tháng 7, với mức tăng bình quân 300.000-400.000 đồng/tấn so với cuối tháng 6-2010. Do đó, ngay khi tỉ giá đồng USD được điều chỉnh tăng, hàng loạt doanh nghiệp thép đã công bố mức giá mới. Trong đó, Tổng công ty Thép VN (VNSteel) chi nhánh phía Nam đã tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây, đưa giá thép giao tại nhà máy trung bình 14,65-14,87 triệu đồng/tấn; thương hiệu Pomina cũng tăng 330.000 đồng/tấn, đưa giá hai loại thép cuộn và thép cây ở mức xấp xỉ 14,6 triệu đồng/tấn.

Không chỉ các doanh nghiệp phía Nam tăng giá, Hiệp hội Thép VN (VSA) xác nhận hầu hết doanh nghiệp trong hiệp hội ở cả miền Bắc và miền Trung đều đã điều chỉnh giá bán sau ngày tỉ giá mới áp dụng, với mức tăng trung bình 200.000-300.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, do sức mua đang ở mức thấp nên các đại lý lẫn cửa hàng bán lẻ sẵn sàng “ngắt lời” để đẩy hàng đi, đưa giá bán lẻ dao động mức 14,35-14,65 triệu đồng/tấn.

Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, nói việc các doanh nghiệp sản xuất thép điều chỉnh giá bán ngay trong ngày tỉ giá mới được áp dụng vì đến hạn thanh toán hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu phôi và thép phế liệu cho các hợp đồng đã ký. Ngay cả khi các doanh nghiệp

không có hợp đồng thực hiện trong giai đoạn này, doanh nghiệp vẫn không… ngần ngại tăng giá do “các lô nguyên liệu nhập mới bắt buộc phải tính theo tỉ giá mới”, ông Cường nói. Ông Cường cũng cho rằng vấn đề cốt lõi là việc tăng giá ở thời điểm hiện tại có được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận hay không là việc doanh nghiệp phải đối mặt, tính toán. “Nếu tăng và bị thị trường từ chối, tự khắc giá sẽ phải điều chỉnh lại ở mức phù hợp hơn” – ông Cường nhận xét.

Mua xe trả thêm tiền

Mới đây anh T.Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đặt cọc mua xe Ford Focus 1.8 với giá 545,3 triệu đồng (tương đương 28.700 USD với tỉ giá 19.100 đồng/USD), do chưa có màu anh ưng ý nên đại lý Bến Thành Ford phải đặt từ nhà máy ở phía Bắc. Tuy nhiên, khi xe chuyển vào thì đúng thời điểm tỉ giá tăng lên 19.500 đồng/USD. Vì vậy, khi thanh toán số tiền còn lại, anh T.Anh phải trả thêm hơn 12 triệu đồng so với thời điểm đầu tuần lúc anh đặt mua xe.

Ông Phạm Ngọc Thân, tổng giám đốc Bến Thành Ford, cho biết có vài trường hợp như anh T.Anh, một số thông báo tạm ngưng hợp đồng chờ tỉ giá ổn định nhưng cũng có trường hợp nhanh chóng chuyển tiền trong ngày vì sợ tỉ giá tiếp tục tăng. Ông Thân cho biết tuy niêm yết giá bằng tiền đồng nhưng khi lấy xe từ nhà máy họ vẫn phải tính theo giá USD với tỉ giá của ngày nhận hàng. Nếu trường hợp tỉ giá xuống thì không sao nhưng leo thang như hiện nay khách hàng bị thiệt.

Theo ông Thân, tình hình thị trường ôtô đang tiêu thụ chậm nhưng tỉ giá thay đổi liên tục theo chiều hướng này sẽ làm người tiêu dùng ngán ngại khiến thị trường thêm ảm đạm. Một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho biết khách hàng đã ngưng các giao dịch do giá USD tăng cao vì họ cũng tính giá bán theo tỉ giá ngay thời điểm bán hàng.

Siêu thị cũng tăng

Theo đại diện Saigon Co.op, nơi này đã nhận được nhiều đơn thông báo tăng giá từ phía nhà cung cấp với lý do giá nguyên liệu đầu vào và tỉ giá tăng. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết rất khó để từ chối vì lý do mà nhà cung cấp đưa ra là chính đáng. Hiện việc tăng giá chỉ rơi vào ngành hàng phi thực phẩm như hóa mỹ phẩm, tiêu dùng nhựa, giấy… với mức tăng 5-12%. “Siêu thị còn nguồn hàng dự trữ nên đang tìm cách thương lượng để mức giá và thời gian tăng hợp lý hơn”, ông Nhân cho biết.

Đại diện Maximark cũng cho biết đã tăng giá một số mặt hàng nhập khẩu do tỉ giá. “Từ đầu tháng 8 đến nay chúng tôi nhận được hơn 100 yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp, nhưng với sức mua thời điểm này khó có thể xảy ra tình trạng tăng giá ồ ạt” – vị đại diện siêu thị này cho biết.

Theo ghi nhận, trong ngày 20-8, một số mặt hàng trái cây nhập khẩu đã điều chỉnh tăng nhẹ 5.000-8.000 đồng/kg. Cụ thể cam Nam Phi từ 40.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg, nho Chile 96.000 đồng/kg lên 102.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương, đầu mối nhập khẩu giải thích là do tỉ giá tăng.

T.V.NGHI – L.NAM – N.BÌNH

TS Nguyễn Đức Thành (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Quốc gia Hà Nội):

Điều chỉnh tỉ giá để Ngân hàng Nhà nước không phải bơm USD bình ổn thị trường

Tâm lý lo lắng vì sự điều chỉnh tỉ giá bất ngờ là bình thường. Nhưng việc điều chỉnh như vậy cũng bình thường vì thay đổi trong chính sách tiền tệ không thể báo trước. Nhiều người sẽ cho rằng Ngân hàng Nhà nước ra chính sách bất ngờ, nhưng chính sách tiền tệ không như vậy thì sẽ không hiệu quả.

Việc điều chỉnh tỉ giá khiến người ta thấy rủi ro, mất uy tín đồng tiền VN, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn… nhưng tôi nghĩ những tác động này là trong ngắn hạn. Kinh tế VN gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định như vậy là một phương án phù hợp với tình hình.

Việc điều chỉnh tỉ giá sẽ giúp thị trường ngoại hối lấy lại cân bằng để Ngân hàng Nhà nước không phải bơm USD ra bình ổn thị trường, nghĩa là không khiến dự trữ ngoại hối của VN giảm thêm nữa. Điều này sẽ giúp các chỉ số kinh tế vĩ mô của VN ổn định trong dài hạn. Đồng tiền VN xuống giá cũng giúp cải thiện việc cân đối xuất nhập khẩu của VN, thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

L.N.MINH