Dân số VN không quá 100 triệu người vào năm 2020

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sẽ tập trung vào những giải pháp kiên trì mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt; chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh; thực hiện chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng dân số… Đây là chương trình hành động của Chính phủ trong giai đoạn 2010-2015 thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Dân số VN không quá 100 triệu người vào năm 2020

 

Báo Thanh Niên, ngày 20/08/2010

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sẽ tập trung vào những giải pháp kiên trì mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt; chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh; thực hiện chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng dân số…

Đây là chương trình hành động của Chính phủ trong giai đoạn 2010-2015 thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Ổn định quy mô DS ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI

Nội dung của chương trình này kiên trì thực hiện mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con để duy trì vững chắc mức sinh thay thế.

Phấn đấu quy mô DS nước ta không quá 100 triệu người vào năm 2020, tạo sơ sở vững chắc để ổn định quy mô DS nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.

Theo kết quả tổng điều tra DS và nhà ở mới đây cho thấy Việt Nam đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, mở ra tiềm năng to lớn để đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển ổn định.

Bởi vậy, xây dựng Chương trình hành động về DS-KHHGĐ, Chính phủ xác định nhiệm vụ phải tranh thủ cơ hội của thời kỳ cơ cấu DS vàng, các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược và chính sách phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực và các dịch vụ kinh tế – xã hội nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; đồng thời, phát triển ngành, lĩnh vực để thích ứng kịp thời với sự thay đổi của cơ cấu dân số theo nhóm tuổi, giai đoạn già hóa dân số nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ, đặc biệt là ở vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm giảm tỷ lệ sinh ở những vùng này.

Không xuất bản ấn phẩm có nội dung hướng dẫn sinh con theo ý muốn

Nhằm chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh, Bộ Thông tin và và Truyền thông sẽ hướng dẫn các cơ quan báo chí, xuất bản, các trang thông tin điện tử không cấp quyết định xuất bản hoặc không đưa vào đăng ký kế hoạch xuất bản những ấn phẩm có nội dung hướng dẫn sinh con theo ý muốn và lựa chọn giới tính của thai nhi.

 

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số đang được Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành, trình Chính phủ vào tháng 12/2010.

 

Bộ Y tế có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra các cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, các cơ sở chuẩn đoán trước sinh nhằm ngăn chặn việc lạm dụng kỹ thuật cao để chẩn đoán, xác định giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.

Thực hiện chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng DS

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đặt ra, trong đó từng bước nâng cao chỉ số phát triển con người của nước ta tương đương với các nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình trên thế giới.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, chính sách… nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí, trình độ nghề nghiệp, chuyên môn, phát huy tiềm năng, tính năng động và phát triển toàn diện con người trong môi trường gia đình và cộng đồng an toàn, lành mạnh.

Bộ Y tế chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm các mô hình, giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế và xã hội nhằm giảm dị tật bẩm sinh, bệnh di truyền và các yếu tố gây ảnh hưởng làm suy thoái chất lượng giống nòi; từ đó lựa chọn giải pháp có hiệu quả để triển khai mở rộng trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm giảm tỷ lệ chết, bệnh tật, tăng tuổi thọ bình quân và số năm trung bình sống khỏe mạnh của người dân.

Ở tại UBND cấp tỉnh, Chính phủ chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ cấp tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ cấp huyện cũng như việc duy trì Ban DS-KHHGĐ cấp xã, huy động toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ.

Theo kế hoạch, Đề án tổng thể nâng cao chất lượng DS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 sẽ được Bộ Y tế hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 này.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ