Ba đột phá để phát triển

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại khai mạc hội thảo về dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 – một trong những văn kiện quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ XI – được tổ chức tại Hà Nội ngày 18-8, do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Mười năm tới, bức tranh toàn cảnh kinh tế – xã hội mà VN mong muốn đạt được là như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra sau thời hạn 2020 nếu VN trở thành quốc gia công nghiệp như mục tiêu đề ra? Làm thế nào để tránh cái bẫy khiến nhiều nước e sợ – bẫy thu nhập trung bình? Đây là những câu hỏi lớn trong hàng chục câu hỏi đặt ra cho Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 mà các nhà khoa học, chuyên gia của VN và thế giới đang cố gắng đưa ra lời giải đáp trong cuộc hội thảo được Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học xã hội VN đồng tổ chức ngày 18-8.

Ba đột phá để phát triển

 

Báo Tuổi Trẻ, Thứ Năm, 19/08/2010

TT – Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại khai mạc hội thảo về dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 – một trong những văn kiện quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ XI – được tổ chức tại Hà Nội ngày 18-8, do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.

Mười năm tới, bức tranh toàn cảnh kinh tế – xã hội mà VN mong muốn đạt được là như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra sau thời hạn 2020 nếu VN trở thành quốc gia công nghiệp như mục tiêu đề ra? Làm thế nào để tránh cái bẫy khiến nhiều nước e sợ – bẫy thu nhập trung bình?

Đây là những câu hỏi lớn trong hàng chục câu hỏi đặt ra cho Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 mà các nhà khoa học, chuyên gia của VN và thế giới đang cố gắng đưa ra lời giải đáp trong cuộc hội thảo được Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học xã hội VN đồng tổ chức ngày 18-8.

Ba đột phá

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành cả buổi sáng tham dự và nghe ý kiến của các chuyên gia.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng đã nêu vắn tắt những nội dung chính của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, một trong những văn kiện quan trọng nhất sẽ được quyết định tại Đại hội Đảng lần XI, trong đó nêu chủ đề là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước VN trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số mục tiêu cơ bản đề ra trong chiến lược gồm: cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa năm 2020; tốc độ tăng GDP bình quân 7-8%/năm; thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2020 khoảng 3.000-3.200 USD…

Thủ tướng cho biết chiến lược này xác định ba đột phá gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Theo chủ tịch WB tại VN Victoria Kwakwa, việc tập hợp các ý kiến đóng góp cho chiến lược là một sáng kiến đúng lúc và quan trọng. Theo bà, vào cuối những năm 1990, VN đã có một chọn lựa chiến lược tốt là chuyển đổi cơ cấu quản lý kinh tế và xã hội, đem lại nhiều thay đổi lớn. Vì lẽ đó, “VN đã tìm được nguồn lực cần thiết để tăng trưởng nhưng quá trình này trong giai đoạn mới cần nhanh hơn”.

Vượt bẫy thu nhập trung bình như thế nào?

Một câu hỏi lớn xuyên suốt cả ngày thảo luận của các chuyên gia là làm thế nào VN có thể tránh bẫy thu nhập trung bình (TNTB) trong giai đoạn tới?

TS Homi Kharas từ Viện Nghiên cứu Brookings (Hoa Kỳ) đã mô tả “bẫy” này như sau: “Nền kinh tế sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn khi đã đạt mức TNTB, quốc gia kẹt lại bởi chính chiến lược tăng trưởng của mình. Sự tăng trưởng trước đó đã thành công, nhưng khi trở thành nước có TNTB, họ vướng phải bẫy bởi không có được nền giáo dục tiên tiến, quản lý bất bình đẳng, quản lý rủi ro, pháp quyền…”.

Ông cho rằng khi “sập bẫy”, quốc gia sẽ đi theo đường vòng tròn – tăng trưởng lúc cao và lúc thấp trong khoảng thời gian ít nhất 30 năm mà không vượt được lên giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hiện nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới cũng trong tình trạng này. TS Homi Kharas nói VN sẽ không dễ rơi vào bẫy TNTB vì hiện nay VN vẫn là một quốc gia sản xuất hàng hóa thương phẩm có giá trị khá thấp, năng lực cạnh tranh chưa phải cao lắm trên toàn cầu. Nhưng sau một thập niên nữa, khi tiếp tục phát triển, VN sẽ tiệm cận với bẫy, nên ngay từ bây giờ phải suy nghĩ về hướng thoát bẫy.

GS Đỗ Hoài Nam – viện trưởng Viện Khoa học xã hội VN – nói chiến lược giai đoạn 2011-2020 và vài giai đoạn sau đó phải nhằm vào việc tạo nền tảng cần thiết để giữa thế kỷ VN thành công trong rút ngắn phát triển, vượt qua bẫy TNTB trở thành nước công nghiệp phát triển.

Ông đã chỉ ra một số thách thức khiến VN có thể rơi vào cái bẫy đó: kết cấu hạ tầng kinh tế, đô thị, nông thôn chưa phát triển; tính cạnh tranh thấp; nhân lực chất lượng cao còn mỏng; trình độ khoa học công nghệ thua kém nhiều nước trong khu vực.

Sau khi phân tích những thay đổi trong bối cảnh thế giới, TS Kharas nhấn mạnh: “VN phải thay đổi chiến lược tăng trưởng của mình”.

Cụ thể là hiện tăng trưởng kinh tế VN phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng khá cao (khoảng 40%/năm), phụ thuộc nhiều vào tập đoàn kinh tế lớn mà đây là những tập đoàn ít đổi mới, sáng tạo và tích lũy; ngành hậu cần và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. VN cũng phải học cách quản lý khủng hoảng tốt hơn bằng cách cân đối mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, theo nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nghiên cứu của TS Kharas đã thiếu một phần quan trọng, đó là phát triển nông nghiệp – nông thôn VN.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, muốn thoát khỏi bẫy TNTB, VN không thể không quan tâm đến nông nghiệp và nông thôn. Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn phải được coi là điểm nhấn của VN không chỉ là 10 năm tới” – ông Tuyển nói.

TS Kharas cũng thừa nhận phản biện này của ông Tuyển: “Đó là điều đúng. Trên thế giới không có nền kinh tế phát triển nhanh nào mà lại không phát triển nhanh về nông nghiệp và nông thôn”.

Trăn trở với tập đoàn kinh tế lớn

Rất nhiều chuyên gia đã nêu quan điểm về vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn. Theo TS Kharas, chìa khóa quan trọng là phải đảm bảo các tập đoàn hoạt động ở những lĩnh vực có thế mạnh mà không sa vào kinh doanh ngành không phải là chủ chốt của mình; quản trị tốt và ổn định để đảm bảo hoạt động hướng vào lợi nhuận lâu dài và tránh vay quá nhiều.

GS Võ Đại Lược từ Viện Khoa học xã hội VN lại đặt vấn đề theo một góc nhìn khác: không phải cứ có tập đoàn lớn mới phát triển được. Chẳng hạn, Đài Loan vẫn dựa vào doanh nghiệp nhỏ, Hàn Quốc với mô hình tập đoàn chaebol là tư nhân, Trung Quốc có tập đoàn nhà nước… Do đó theo GS Lược, VN phải nhấn mạnh vai trò các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong tham luận của mình, nguyên bộ trưởng Trương Đình Tuyển chỉ ra hai mục tiêu của tập đoàn kinh tế lớn của VN có thể mâu thuẫn nhau: giữa mục tiêu thực hiện chính sách cơ cấu và mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, ông Tuyển cho rằng VN cần đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước vào môi trường cạnh tranh quốc tế và giám sát chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực mà Nhà nước dành cho tập đoàn.

HƯƠNG GIANG