Kinh tế Nhật ì ạch, vì sao?

Một tin xấu do Chính phủ Nhật thông báo ngày 16-8: tăng trưởng quý 2-2010 chỉ đạt vỏn vẹn 0,4%. Nền kinh tế thứ hai thế giới này có nguy cơ bị qua mặt trong năm nay… Theo số liệu của Văn phòng nội các Nhật, GDP quý 2-2010 của Nhật chỉ đạt 1.288,3 tỉ USD, thua Trung Quốc (1.336,9 tỉ USD). Một con số gây thất vọng lớn: quý 1-2010, GDP Nhật tăng tới 4,4% và các nhà kinh tế dự báo quý 2 sẽ đạt 2,3%. Tính cả sáu tháng đầu năm, GDP Nhật đạt 2.587,1 tỉ USD, nghĩa là vẫn cao hơn Trung Quốc (2.532,5 tỉ USD).

Kinh tế Nhật ì ạch, vì sao?

Tuoitre.vn Thứ Ba, 17/08/2010

 

Một tin xấu do Chính phủ Nhật thông báo ngày 16-8: tăng trưởng quý 2-2010 chỉ đạt vỏn vẹn 0,4%. Nền kinh tế thứ hai thế giới này có nguy cơ bị qua mặt trong năm nay…

Theo số liệu của Văn phòng nội các Nhật, GDP quý 2-2010 của Nhật chỉ đạt 1.288,3 tỉ USD, thua Trung Quốc (1.336,9 tỉ USD). Một con số gây thất vọng lớn: quý 1-2010, GDP Nhật tăng tới 4,4% và các nhà kinh tế dự báo quý 2 sẽ đạt 2,3%. Tính cả sáu tháng đầu năm, GDP Nhật đạt 2.587,1 tỉ USD, nghĩa là vẫn cao hơn Trung Quốc (2.532,5 tỉ USD).

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng quá chênh lệch, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật để giành vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay, vị trí Nhật đã giữ từ năm 1968 khi vượt qua Tây Đức.

“Chủ nghĩa ngắn hạn”

“Trong tương lai, nền kinh tế Nhật sẽ tiếp tục ì ạch, có thể là sẽ thụt lùi vào đầu năm 2011”

Nhà kinh tế học Hiroshi Watanabe (thuộc Viện nghiên cứu Daiwa) dự báo

Xuất khẩu của Nhật vẫn tăng trưởng khá mạnh: 5,9%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại trong thời gian tới, Tokyo khó có thể chỉ dựa vào xuất khẩu. Nhu cầu từ Mỹ và châu Âu đang có xu hướng sụt giảm. Đáng lo ngại là giá đồng yen so với đồng USD tiếp tục tăng và đã đến mức cao nhất trong 15 năm qua.

Hôm qua, 1 USD chỉ đổi được 85,83 yen, thấp hơn mức 86,26 yen của tuần trước. Đồng yen tăng giá càng ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Nhật. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước tiếp tục phập phù khi chỉ tăng 0,5% so với quý trước. Giới chuyên gia nhận định chính quyền Tokyo cứ cố mê mải chạy theo xuất khẩu, trong khi “lẽ ra cần phải cải tổ thị trường nội địa để kích thích tiêu dùng và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Nhật”.

“Vấn đề đối với nước Nhật là chính phủ cứ chạy theo chủ nghĩa ngắn hạn trong thực thi các chính sách kinh tế – tiến sĩ Seijiro Takeshita, giám đốc Tập đoàn Mizuho International, nhận định – Họ cứ cố dán miếng băng cầm máu lên một vết thương quá sâu”.

Trong bốn năm qua, Nhật đã có sáu thủ tướng. Cứ vài tháng Tokyo lại chào đón một thủ tướng mới. Ai khi lên nắm quyền cũng tuyên bố sẽ cải tổ nền kinh tế nhưng đều thất bại. “Người Nhật hiểu rõ rằng đã đến lúc phải thay đổi – chuyên gia nghiên cứu châu Á Jeffrey Kingston thuộc ĐH Temple cho biết – Nhưng vấn đề là họ không biết phía trước là gì và nước Nhật vẫn thiếu người cầm lái”.

Sao chép quá khứ, bấu víu quá khứ!

Sendai có thể là một ví dụ điển hình cho nguyên nhân suy thoái của kinh tế Nhật. Thị xã 1 triệu dân này là thủ phủ tỉnh Miyagi, có tỉ lệ thất nghiệp lên đến 6,4%. Thanh niên Sendai buộc phải đến Tokyo và Osaka tìm việc làm.

Trong khi đó, chính quyền địa phương lại lên kế hoạch tạo việc làm bằng việc thu hút các nhà máy ôtô, chế biến thực phẩm và đồ điện tử đến Miyagi với các khoản ưu đãi thuế. Các quan chức tỉnh khẳng định họ muốn biến Miyagi thành một trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định kế hoạch này chỉ có thể thành công nếu nước Nhật đang ở năm… 1975.

Nguyên nhân do nước Nhật ngày nay là một nền kinh tế chi phí cao, các công ty ít dám mạo hiểm đầu tư lớn vào thị trường này. Các nhà sản xuất lớn thường đặt nhà máy ở nước ngoài để tận dụng giá lao động rẻ. Do vậy, kế hoạch của chính quyền Miyagi sẽ chỉ là cướp việc làm ở các nơi khác về mình chứ không tạo ra những ngành công nghiệp mới như công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển… để giải quyết tình trạng thất nghiệp chung dù ở Sendai có ĐH Tohoku, một trong những trường công nghệ hàng đầu ở Nhật.

Giới doanh nhân Sendai cũng chỉ sao chép lại kế hoạch phát triển của chính quyền: ôtô, đồ điện tử, nhà máy. “Nhật vẫn cố bám lấy cấu trúc cũ nhưng cấu trúc đó lại ngăn cản sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới – nhà khoa học chính trị Kazunori Kawamura thuộc ĐH Tohoku nhận định – Những người cầm quyền đang xây dựng một hệ thống có lợi cho họ. Họ không dám đi vào các lĩnh vực có khả năng thất bại mà chỉ là vào những ngành đã thành công từ trước”.

Các tập đoàn lớn của Nhật cũng đang đánh mất thị phần ở châu Á, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nguyên nhân là do các tập đoàn này chậm phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu đa dạng của giới khách hàng dù thu nhập còn thấp nhưng đang ngày càng bùng nổ.

Ví dụ, Hãng Hyundai của Hàn Quốc bán được nhiều xe gấp 2,5 lần so với Toyota và Honda cộng lại ở Ấn Độ trong năm 2009. Các thương hiệu Samsung và LG của Hàn Quốc cũng phổ biến hơn Sony, Sharp hay Panasonic ở các thị trường này.

“Nước Nhật cần những biện pháp cải tổ mạnh mẽ – Katsuji Konno, chủ tịch Hãng Igeta Tea Manufacturing ở Sendai, nhận định – Chúng ta phải tư duy cho 30-40 năm sau”.

Nhật vẫn là nước giàu nhất châu Á với thu nhập bình quân đầu người 37.800 USD, vượt xa con số 3.600 USD của Trung Quốc. Thế nhưng người Nhật đang nghèo đi. Mức lương trung bình 3.400 USD/tháng vẫn không thay đổi kể từ giữa thập niên 1990. Trong khi đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình đã giảm 4,6% so với năm 2008, xuống còn 5.300 USD/tháng.

 

HIẾU TRUNG (Theo Kyodo News, Time, NYT)