Phụ nữ và “gánh lo” trầm cảm

LBBT: Caritas Việt Nam trân trọng giới thiệu bài này của Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thuý Tươi đăng trên báo Tuổi Trẻ, số ra ngày thứ Sáu 23-7-2010, trang 9 để giúp đỡ các phụ nữ Công giáo, đặc biệt là các bạn gái trẻ, quan tâm đến vấn đề. Caritas Việt Nam cám ơn Báo Tuổi Trẻ và tác giả. TT – Chứng trầm cảm có thể gặp nhiều ở phụ nữ bởi họ vốn nhạy cảm, dễ khóc, lại trải qua nhiều giai đoạn biến đổi nội tiết.

Phụ nữ và “gánh lo” trầm cảm

LBBT: Caritas Việt Nam trân trọng giới thiệu bài này của Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thuý Tươi đăng trên báo Tuổi Trẻ, số ra ngày thứ Sáu 23-7-2010, trang 9 để giúp đỡ các phụ nữ Công giáo, đặc biệt là các bạn gái trẻ, quan tâm đến vấn đề. Caritas Việt Nam cám ơn Báo Tuổi Trẻ và tác giả.

TT – Chứng trầm cảm có thể gặp nhiều ở phụ nữ bởi họ vốn nhạy cảm, dễ khóc, lại trải qua nhiều giai đoạn biến đổi nội tiết.

Nếu một ngày bạn thấy mình buồn bã, mất ngủ, ăn không ngon, không thích thú với những điều trước đây mình đam mê, lại hôm nay đau chỗ này, mai đau nơi khác, thất vọng mọi thứ, tệ hơn nữa là muốn tự tử… thì đó là trầm cảm.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm (depression) là bệnh lý rối loạn cảm xúc, khí sắc, trong đó “trầm” muốn nói đến trạng thái buồn rầu, nhìn đời bằng lăng kính tiêu cực, đánh giá thấp bản thân…; “cảm” muốn nói rằng những cảm xúc ấy không đúng với sự thật nhưng người ta không thể thoát ra khỏi tình trạng ấy. Trầm cảm thuộc bệnh lý tâm thần thường gặp nhưng ban đầu rất dễ bị bỏ qua.

Trầm cảm tuổi dậy thì

Có cô bé 10 tuổi dậy thì, không được chuẩn bị tinh thần trước nên sợ hãi, lo lắng, mất ngủ, chán ăn vì luôn nghĩ mình bị ung thư. Cô gái khác thấy mỗi lần hành kinh bị đau ngực, sờ thấy “trái chàm” bèn tự chẩn đoán bị ung thư vú.

Con gái ngại hỏi cha mẹ, cứ âm thầm chịu đựng, lo lắng rồi hoang tưởng bị bệnh xuất hiện. Chỉ đến lúc bệnh trầm kha thì gia đình mới đưa đi chữa trị.

Trầm cảm khi yêu

Con gái dậy thì là bắt đầu để ý đến con trai. Nếu một chàng trai có tí râu lún phún lại học làm người lớn tán tỉnh, dụ dỗ sẽ khiến thiếu nữ dễ dàng ngộ nhận đó là “yêu”. Nếu rung động thoáng qua thì may mắn, nhưng nếu cô gái lún sâu vào “tình yêu học trò” thì mối nguy có bầu là có thật.

Hiện tượng các em gái đi nạo hút thai có bạn trai hoặc bà mẹ đi kèm vẫn thường thấy mỗi ngày ở các bệnh viện phụ sản.

Sau cái lần kinh khủng đó hầu hết các cô gái rơi vào sợ hãi cha mẹ, nhìn con trai bằng con mắt của “kẻ chủ mưu phá hoại đời mình”, mất niềm tin vào cuộc sống, rơi vào trầm cảm nếu cha mẹ không thông cảm và nâng đỡ tinh thần.

Trầm cảm sau khi cưới

Con gái “yêu bằng tai” nên khi nghe chàng hứa “yêu em suốt đời” là sẵn sàng “yêu như điên”. Một nhà tâm thần học nói vui khi yêu cả hai giống như bệnh nhân tâm thần.

Điều nguy hiểm là trong lúc “bệnh” như vậy thì họ đưa ra quyết định cưới nhau. Cưới xong hết bệnh “yêu” lại rơi tõm vào thực tế, nên có cô đi từ thất vọng về tình dục đến thất vọng về tài chính để rồi sinh bệnh trầm cảm.

Trầm cảm sau khi sinh con

Thống kê của Donald Winnicott, bác sĩ nhi khoa và là nhà phân tâm học người Anh, cho rằng: khi mang thai đa số phụ nữ đều “điên một cách bình thường”. Nhưng đến khi chuyển dạ thì đau đớn, gia đình hoặc ông chồng không gần gũi chăm sóc chu đáo là yếu tố thúc đẩy trầm cảm xuất hiện.

Thêm vào đó estrogen giảm sút, hormon bài tiết sữa (prolactin) xuất hiện ảnh hưởng trực tiếp đến sự buồn rầu của sản phụ. Tất nhiên không phải tất cả phụ nữ sau khi sinh đều bị trầm cảm. Nếu ông chồng để ý sẽ thấy vợ mình không ngủ được nhưng lại ít quan tâm đến em bé thì đây là triệu chứng báo động rồi.

Lúc ấy phải kịp thời gặp bác sĩ và làm cho bà xã vui trở lại thì trầm cảm sẽ lướt qua rồi biến mất. Nhưng nếu để lâu thì bà mẹ trẻ bắt đầu xuất hiện hoang tưởng và đa số là hoang tưởng tự buộc tội.

Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh

Sự thiếu hụt hormon buồng trứng ở phụ nữ mãn kinh làm cho họ không còn khí sắc tươi tắn như thời xưa nữa. Hormon nam thay thế lại chuyển mỡ về vùng bụng khiến “bà già bụng to”.

Thiếu estrogen, sự hấp thu canxi giảm hẳn, loãng xương xuất hiện sinh ra đau nhức. Thế là các chị cho rằng mình đã già, nếu ông chồng còn “mạnh” đêm đêm đòi “vật nhau” thì có chị bực tức, giận dỗi.

Đàn ông VN hiểu phụ nữ rất ít, lại cho rằng thiếu “cơm” sẽ ăn “phở” càng đẩy bà xã rơi vào trầm cảm. Khởi đầu là hoang tưởng ghen tuông, tiếp đến là hoang tưởng tự buộc tội, buồn rầu, mệt mỏi, đau nhức, mất ngủ, tự ti, bi quan.

Một số gia đình đổ vỡ trong giai đoạn xế chiều là như vậy. Ly hôn càng đẩy người phụ nữ vào tình trạng bệnh lý nặng hơn. Nếu con cái không thông cảm, yêu thương mẹ và tìm cách chữa trị thì nguy cơ tự tử sẽ xảy ra.

Có phòng tránh được không?

Như vậy trầm cảm ở phụ nữ có nguyên nhân bên trong (thay đổi nội tiết) và nguyên nhân bên ngoài (tình cảm riêng tư, gia đình và xã hội), vì thế ngay từ bậc tiểu học các bé gái cần được trang bị những kiến thức về giới tính, biết tự bảo vệ bản thân.

Sự quan tâm của cha mẹ sẽ giúp các bé gái tránh được những cám dỗ và tai nạn có thể xảy ra. Cũng như trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng cần có những hiểu biết và lập kế hoạch về tài chính cũng như thời điểm sinh con.

Các chị ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh càng cần được giúp đỡ.

Một cuộc sống năng động, thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao và gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, vợ chồng yêu thương, thông cảm và chia sẻ là những yếu tố quan trọng đẩy lùi trầm cảm.

Phụ nữ mắc trầm cảm gấp 2 lần nam giới

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật của Mỹ, phụ nữ mắc trầm cảm gấp hai lần nam giới. Tại sao? Vì theo các nhà thần kinh học, phụ nữ thuộc loại hình thần kinh yếu. Trong khi nam giới cứng cỏi, ít khóc thì nữ giới mau nước mắt hơn.

Theo các nhà nội tiết học, phụ nữ có nhiều giai đoạn biến đổi nội tiết hơn nam giới. Mỗi lần biến đổi như vậy tạo thuận lợi cho bệnh trầm cảm xuất hiện.

Còn theo các nhà di truyền học, trầm cảm là bệnh lý tâm thần nên có khả năng người mẹ hoặc trong gia đình có bệnh nhân tâm thần thì con gái dễ bị trầm cảm.

 TS. BS LÊ THUÝ TƯƠI