Cách vận dụng tài chính trong hệ thống UBBAXH – Caritas Việt Nam

Giới thiệu các hoạt động tài chính trong hệ thống UBBAXH – Caritas Việt Nam. Tài chính phản ánh phương thức hoạt động của các cá nhân, công ty và tổ chức thông qua việc tạo lập, phân bổ và sử dụng các quỹ tiền tệ để đáp ứng nhu cầu của các chủ thể kinh tế – xã hội khác nhau. Một quan điểm khác cho rằng tài chính không chỉ bao gồm các nguồn lực dưới dạng tiền mặt hay các khoản tiền gửi mà còn tồn tại dưới dạng các loại tài sản được chấp nhận trên thị trường như các công cụ trao đổi hay chuyển tải có giá trị (tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý…).

CÁCH VẬN DỤNG TÀI CHÍNH

 

TRONG HỆ THỐNG CARITAS VIỆT NAM

Bài trình bày của Tiến sĩ Đoàn Liêng Diễm
tại Lễ Ra mắt Caritas Việt Nam

PHẦN 1

 

GIỚI THIỆU CÁC HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH

TRONG HỆ THỐNG UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM

 

I. GIỚI THIỆU MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ TÀI CHÍNH

1.1. Khái niệm và chức năng của tài chính

Tài chính phản ánh phương thức hoạt động của các cá nhân, công ty và tổ chức thông qua việc tạo lập, phân bổ và sử dụng các quỹ tiền tệ để đáp ứng nhu cầu của các chủ thể kinh tế – xã hội khác nhau.

Một quan điểm khác cho rằng tài chính không chỉ bao gồm các nguồn lực dưới dạng tiền mặt hay các khoản tiền gửi mà còn tồn tại dưới dạng các loại tài sản được chấp nhận trên thị trường như các công cụ trao đổi hay chuyển tải có giá trị (tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý…).

* Các chức năng của tài chính

– Huy động nguồn tài chính (gây quỹ): Huy động nguồn tài chính còn gọi là huy động vốn, thể hiện khả năng khai thác các nguồn tài chính nhằm tạo lập nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Ngoài ra, việc huy động tài chính (tạo lập quỹ) được hiểu là việc đi tìm một khoản tài trợ nào đó để thực hiện một chương trình hay một dự án đề ra. Ở Việt Nam, khi nói đến gây quỹ người ta thường nghĩ đơn giản chỉ là tài trợ bằng tiền. Song, ngoài tiền ra, quỹ còn tồn tại dưới dạng hiện vật (incadonation) hoặc bằng các dịch vụ miễn phí (Free Services), bằng cách chuyển giao kinh nghiệm quản lý, công nghệ và tư vấn…

– Phân bổ tài chính: còn được gọi là chức năng phân phối nguồn tài chính, là việc lập kế hoạch sử dụng nguồn lực sẵn có để đạt được các mục tiêu phát triển ngắn hạn và dài hạn của các hoạt động bác ái xã hội.

– Kiểm tra tài chính: phản ánh hoạt động thu thập và đánh giá các bằng chứng về những thông tin liên quan đến quá trình sử dụng và phân bổ các nguồn tài chính với mục đích đảm bảo tính đúng đắn, tính hiệu quả và hiệu lực của việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ.

        Kiểm tra tài chính được thực hiện dựa trên sự kết hợp các yếu tố sau:

– Chủ thể kiểm tra: Là những chủ thể có quyền sở hữu hay quyền sử dụng các nguồn tài chính.

– Đối tượng kiểm tra: Là quá trình huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính.

– Cơ sở kiểm tra: Các chuẩn mực làm cơ sở để thực hiện kiểm tra tài chính như: chế độ kiểm toán, hệ thống pháp luật tài chính.

– Phương pháp kiểm tra: Là những cách thức mà chủ thể kiểm tra sử dụng để tiến hành kiểm tra.

– Báo cáo và đánh giá kết quả kiểm tra.

1.2. Tài chính trong hệ thống Caritas Việt Nam

Tương tự, tài chính trong hệ thống Caritas Việt Nam phản ánh phương thức hoạt động của tổ chức Caritas thông qua việc tạo lập, phân bổ và sử dụng các quỹ, đáp ứng nhu cầu của những người nghèo… Đặc biệt, hệ thống quỹ trong Caritas không chỉ đơn thuần bao gồm tiền của, kinh nghiệm, tri thức mà còn là tình yêu cũng như ân sủng, quyền năng của Thiên Chúa mà mọi người có thể đóng góp vào đó để thể hiện lòng bác ái đối với nhau. Quỹ ở đây sẽ phân phát cho những người nghèo (nghèo về vật chất hay nghèo về tinh thần hoặc cả hai). Họ là những người không đủ phương tiện để sống, bị gạt ra bên lề xã hội vì bất cứ lý do gì. Họ là những người bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố, những người mù chữ, những người hành nghề không xứng với nhân phẩm của mình, phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, những di dân nghèo khổ… Họ còn là những người bệnh tật: khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, phong cùi, nghiện ma tuý, nghiện rượu, nhiễm HIV/AIDS, nhiễm chất độc màu da cam… Đây là những đối tượng mà Caritas đặc biệt quan tâm. Vì vậy, nguồn tài chính của Caritas sẽ nhằm vào những mục đích sau: Thăng tiến và phát triển con người toàn diện; sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc; phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội; giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.

 Tài chính trong Caritas Việt Nam được phân thành 3 cấp độ: tài chính của Caritas Trung ương, của Caritas Giáo phận và của Caritas Địa phương (Caritas Giáo xứ). 

II. PHƯƠNG PHÁP VẬN DỤNG TÀI CHÍNH TRONG HỆ THỐNG CARITAS VIỆT NAM

2.1. Phương pháp huy động nguồn tài chính (gây quỹ)

Các phương pháp chung khi gây quỹ

* Viết: đơn, thư ngõ, đề án nhờ cộng tác trong việc tài trợ. Chẳng hạn: viết thư gửi các doanh nhân; vận động các chiến dịch quyên góp vào Mùa Chay.

* Tiếp cận trực tiếp: thiết lập và tận dụng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các Lãnh Sự quán, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị làm công tác từ thiện… mời gọi cộng tác.

* Tổ chức sự kiện: Tổ chức “Ngày hội các Doanh nghiệp Công giáo”, văn nghệ ủng hộ đồng bào lũ lụt…

* Bán các sản phẩm: tổ chức các gian hàng và hội chợ từ thiện, bán các sản phẩm hoặc xây dựng phong trào bán sản phẩm gây quỹ khuyến học…

* Dùng các phương tiện truyền thông để kêu gọi ý thức quần chúng về trách nhiệm đối với xã hội trong cộng đồng giáo xứ, các tổ chức đoàn thể qua các bài nói chuyện, các khoá đào tạo… Tận dụng báo chí, mạng Internet để quảng bá chương trình gây quỹ. Dùng các poster hay phổ biến các cẩm nang về các vấn đề xã hội… kêu gọi mọi người cùng tham gia.

* Quyên góp bằng các thùng từ thiện

Riêng đối với Caritas Việt Nam, quỹ hoạt động được hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của các hội viên, các ân nhân và các tổ chức trong cũng như ngoài nước.

Song, một điều khác với những tổ chức gây quỹ khác là quỹ của Caritas Việt Nam khi vận dụng phải tuân theo nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Huy động tài chính của Caritas không phải là đi tìm khoản tiền có được bằng bất kỳ phương cách nào mà phải tìm hiểu nguồn gốc của khoản tài trợ có chính đáng và có bắt nguồn từ những hành động ngược với đạo lý con người hay giáo lý của Giáo hội Công giáo không. Trong tinh thần tự lập và tự trọng, HĐGMVN khuyến khích tổ chức Caritas Việt Nam dựa vào nội lực của đồng bào Việt Nam để thực hiện các dự án bác ái xã hội và vươn tới việc có thể trợ giúp những nạn nhân thiên tai, dịch bệnh ở nước ngoài.

Dựa trên các cấp độ của Caritas mà việc tạo lập nguồn quỹ sẽ được thực hiện như sau:

* Caritas Trung ương: huy động tài chính dựa trên các mối quan hệ  với các tổ chức trong và ngoài nước bằng cách đi tìm hoặc giới thiệu nguồn tài trợ cho Caritas giáo phận hoặc giáo xứ.

*  Caritas Giáo phận:  Huy động từ 50% nguồn tài chính của giáo xứ và các mối quan hệ khác trong cũng như ngoài nước khi nhận được dự án tài trợ.

*  Caritas Địa phương (Caritas Giáo xứ): thực hiện quyên góp tiền bạc hay vật dụng để lập thành quỹ sinh hoạt tại giáo xứ hoặc nhận được từ các dự án tài trợ của các tổ chức hay cá nhân.

*  Cá nhân quyên góp có thể bằng vật chất lẫn tinh thần, như:

– Sống liên đới với các hội viên Caritas qua việc tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, tương trợ.

– Tự rèn luyện để trở thành một hội viên Caritas có nhiều khả năng phục vụ qua việc tham gia các khoá đào tạo của Caritas nhằm thăng tiến bản thân và làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

– Mời gọi các bạn trẻ tham gia chương trình bác ái xã hội qua các phương tiện truyền thông.

·   Mỗi tín hữu dâng 1 kinh bất kỳ (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Một thời để yêu và một thời để sống….) cầu cho nhiều người sống tinh thần bác ái.

·   Tập thể hiện lòng yêu thương chân thành, quảng đại cho người khác bằng một nụ cười, một lời hỏi thăm, khích lệ, một câu xin lỗi…

  * Mỗi tháng: Dành từ 1 đến 2 giờ làm một công việc cụ thể giúp đỡ những người nghèo khổ trong địa phương mình.

2.2. Phân bổ (sử dụng) nguồn tài chính

Xuất phát từ sứ mệnh của Caritas Việt Nam là thực hiện các công tác bác ái xã hội nên việc phân bổ nguồn quỹ cũng nhằm vào mục đích phục vụ người nghèo qua các chương trình chung như:

          Y tế cộng đồng: thực hiện chương trình chăm lo sức khoẻ cộng đồng cho người nghèo qua các hoạt động như khám bệnh, truyền thông và giáo dục sức khoẻ.

          Cứu trợ: Thực hiện các chương trình cứu trợ khẩn cấp cho những nạn nhân thiên tai, dịch bệnh, các nạn nhân xã hội (HIV/AIDS, nghiện ma tuý, nghiện rượu, bệnh xã hội), nhận các nguồn hàng cứu trợ và chuyển đến các nạn nhân, huy động tình nguyện viên cho các hoạt động cứu trợ.

         Giáo dục đào tạo: Thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về bác ái xã hội; các chương trình giáo dục đào tạo cho người nghèo như xoá mù chữ; dạy nghề; cấp học bổng cho học sinh nghèo, người khuyết tật, người thiểu số nghèo; tổ chức các lớp tập huấn về các kỹ năng xã hội, các buổi nói chuyện chuyên đề.

          Truyền thông: thông tin các hoạt động của Caritas qua các bản tin gửi đến các giáo phận và giáo xứ hay trên trang web, in ấn các tài liệu cho các cuộc vận động quyên góp gây quỹ, lập danh bạ các tổ chức bác ái xã hội trong giới Công giáo, thu nhận và xử lý các dữ liệu về xã hội để cung cấp cho các hoạt động của các phòng ban.

          Phát triển: Nghiên cứu, soạn thảo và thực hiện các dự án phát triển cộng đồng cho người nghèo như nguồn nước sạch, tín dụng nhỏ… kiểm tra, đánh giá hiệu quả các dự án và các chương trình phát triển của các phòng ban khác.

          Đối ngoại: Liên lạc với các tổ chức trong và ngoài nước, tiếp đón các đoàn khách chuyển giao tri thức và kinh nghiệm hoặc trợ cấp khi bị thiên tai.

          Tài chính: phân bổ các nguồn tài chính để thực hiện các chương trình hành động trên.

Nếu phân bổ nguồn tài chính cho từng cấp, thì mỗi cấp sẽ có các chương trình cụ thể như sau:

     Đối với Caritas Trung ương: nguồn tài chính được phân phối cho các chương trình và những dự án ở tầm vĩ mô, như:

  • Nghiên cứu các vấn đề xã hội, đề xuất những dự án, thực hiện hay hỗ trợ các hoạt động bác ái xã hội trên toàn quốc.
  • Giám định và lượng giá những dự án hoạt động xã hội.
  • Hỗ trợ tinh thần, vật chất khi địa phương có những nhu cầu cần thiết hoặc gặp thiên tai, hoạn nạn.
  • Tổ chức và hỗ trợ các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp hay thường huấn cho Caritas Trung ương và Caritas Giáo phận.
  • Trả lương cho những nhân viên làm trong Caritas.
  • Chi phí đối ngoại: Liên kết với các tổ chức hoạt động từ thiện xã hội khác trong và ngoài nước để giới thiệu cho Caritas địa phương khi có nhu cầu.

Tuy nhiên, Caritas Trung ương không trực tiếp thực hiện các dự án tài trợ mà chỉ giới thiệu và chuyển giao cho Caritas Giáo phận hoặc Caritas giáo xứ thực hiện nếu xét thấy nhu cầu của địa phương phù hợp với yêu cầu của dự án.

 Đối với Caritas giáo phận: nguồn tài chính được thực hiện qua các chương trình đáp ứng nhu cầu của giáo phận:

  • Chi phí dành cho nghiên cứu: Nghiên cứu các vấn đề xã hội của giáo phận, đề xuất những dự án, thực hiện các hoạt động bác ái xã hội của giáo phận.
  • Các chương trình hỗ trợ vốn, cấp phát học bỗng khuyến học…