Vatican – Việt Nam, máu chảy về tim

Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi máy bay tiếp đất là đang chạy trên một đường băng dốc khiến chúng tôi nghĩ tới 7 ngọn đồi lớn hình thành nên kinh thành Roma nổi tiếng thế giới, không chỉ vì lịch sử của Roma cổ đại mà vì Roma có Vatican – trái tim của Giáo Hội toàn thế giới.

VATICAN – VIỆT NAM, MÁU CHẢY VỀ TIM

(Kỷ niệm Đoàn Linh mục Phát Diệm hành hương

16/12/2005-07/01/2006)

Lm. Phêrô Hồng Phúc

ĐẤT NƯỚC ITALIA

Thành phố Roma

Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi máy bay tiếp đất là đang chạy trên một đường băng dốc khiến chúng tôi nghĩ tới 7 ngọn đồi lớn hình thành nên kinh thành Roma nổi tiếng thế giới, không chỉ vì lịch sử của Roma cổ đại mà vì Roma có Vatican – trái tim của Giáo Hội toàn thế giới.

Dù cảm xúc hồi hộp nhưng tôi vẫn còn một lo lắng cuối cùng: do chuyến bay cứ liên tục trễ giờ nên liệu Foyer Phát Diệm có ai ra sân bay đón chúng tôi không, nếu không là cả một vấn đề khó khăn phức tạp cần phải xử lý.

Khi đi xe bus từ phòng đợi ra cầu thang máy bay ở Thái Lan, tôi đứng cạnh một anh người Italia, chúng ta thường quen gọi nước Italia là Ý. Qua câu chuyện trao đổi tôi được biết anh là người Italia, đang làm việc ở Hồng Kông. Chuyến bay này anh cùng gia đình về thăm đất nước quê hương. Anh không là người Công giáo nhưng rất mong được trở thành người Công giáo. Thấy anh hồ hởi, cởi mở, tôi liền đề nghị với anh khi ra khỏi sân bay ở Roma, nhờ anh liên lạc với taxi người Italia chở chúng tôi đến Foyer Phát Diệm tại:

                             Via della Pinetta Sacchetti, 45

                             00167 Roma, Italia

Đây là phương án phòng khi không có người đi đón. Anh thanh niên người Ý tốt bụng này đã vui vẻ nhận lời.

      *

   *    *

Bây giờ thì không phải lo nữa rồi! Sr. Tâm là người đầu tiên mà chúng tôi gặp ngay tại cửa đón của sân bay. Soeur vui vẻ chào đón rồi dặn chúng tôi tập trung lại để soeur đi báo cho chị phụ trách Foyer Phát Diệm là Sr. Tuyến đang đi tìm chúng tôi.

Vui mừng và cảm tạ ơn Chúa, chúng tôi đến chào Đức ông Đa Minh Vũ Văn Thiện – Giám đốc Foyer Phát Diệm, đang đón chúng tôi tại xe riêng của Đức Ông. Cha Tự, Cha Thiện và tôi lên xe Đức Ông, các cha lên xe của Foyer do Sr. Tuyến lái. Đồng hồ chỉ 12h20’ giờ Việt Nam, giờ tại Roma là 6h20’. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được vặn ngược 6 tiếng đồng hồ đúng như Josué ngày xưa cho mặt trời dừng lại nửa ngày để ông có đủ thời gian kết thúc trận chiến.

Qua trao đổi, chúng tôi được biết cuộc điện thoại báo tin chuyến bay chậm lại 24 tiếng đồng hồ tại Thái Lan đã đến đúng lúc nhà Foyer chuẩn bị đi đón, chậm 5 phút nữa thì xe đi khiến cả hai bên đều bị nhỡ, vì một bên mất công ra sân bay, còn bên kia liên lạc không có ai nhận tin. Tôi thực sự hết lo lắng và hoàn hồn kể cho Đức Ông rằng: “Chúng con bị tình huống bất ngờ lưu lại tại Thái Lan; với vốn liếng ít ỏi học tiếng Anh hết bằng C của con đã bỏ 7 năm nay, chỉ được ôn lại trong vòng 10 ngày, ai ngờ lại cũng có ích để giao tiếp và, vừa đủ để hoàn thành nhiệm vụ các cha trong đoàn giao cho hành trình vừa qua”. Đức Ông lắc đầu cười: hay, hay!

Bây giờ chúng tôi mới thực sự được thoải mái ngước nhìn khung cảnh Roma thanh bình, yên tĩnh suốt chặng đường cao tốc dài. Thầy Vượng trực tiếp lái xe, chỉ vui chuyện mấy giây, thầy đã đi qua nhánh rẽ của đường cao tốc, xe phải lùi lại thật vất vả. Thầy Vượng cho biết, nếu vòng đầu xe giữa đường theo kiểu Việt Nam thì phải mất nửa giờ, đi xuôi tới đường vòng thì còn không biết bao xa.

Foyer Phát Diệm

Xe đã về tới thủ đô Roma, đi vào các đại lộ rồi rẽ vào khu phố yên tĩnh lượn vòng lên một khu nhà cao, dốc thoai thoải giữa những hàng cây cao vút. Ngôi nhà 5 tầng bao gồm gần 70 phòng ốc, với lối kiến trúc giản dị nhưng đồng bộ và uy nghiêm nổi bật giữa một công viên thoáng đãng, được trải dài bằng màu xanh của ngọn đồi thông cổ thụ cao vút. Xa nữa là môi trường thiên nhiên được gìn giữ nguyên vẹn vừa mang dáng vẻ hoang sơ, vừa tạo nên cho toàn cảnh thành phố Roma vươn lên rực rỡ. Đây chính là Foyer Phát Diệm.

Soeur Kính chờ đón chúng tôi sau quầy giao dịch và trao chìa khoá các phòng tầng 3, phía mặt chính diện Toà nhà Foyer cho anh em chúng tôi. Các soeur Thuỷ, soeur Hương, soeur Nguyệt, soeur Tâm vui vẻ chào đón và xách hành lý giúp chúng tôi. Công việc đầu tiên là nhận chìa khoá, nhận phòng và ăn sáng cùng với Đức ông Giám đốc.

Tôi theo Cha Tự vào nhà nguyện của Foyer, quỳ gối cảm tạ Chúa.

Đoàn rất vui được biết Đức ông Khả thuộc Bộ Phụng tự của Toà Thánh sẽ tới thăm chúng tôi vào 9 giờ sáng. Tôi tranh thủ nửa giờ còn lại này để trao thư tặng quà từ quê hương Phát Diệm – Việt Nam. Chẳng có gì đáng giá từ mắm tép, hạt vối, chè râu ngô… tất cả chỉ là tấm lòng hương Việt, ý nghĩa nhất là tấm hình toàn cảnh Nhà thờ Chính toà Phát Diệm, chúng tôi in rõ: “Đoàn Linh mục Phát Diệm dịp Giáng Sinh kính tặng Foyer Phát Diệm”. Nhưng quý nhất lại là những cánh thư. Lúc đầu soeur Tâm nói “chỉ cần thư thôi”, sau ít phút, soeur Tâm vui vẻ khoe “tha hồ mà đọc thư đây!”. Mới hay câu tục ngữ Việt Nam “Thèm lòng chứ ai thèm thịt”.

Chúng tôi rất mãn nguyện khi thấy cả nhà vui vẻ và cũng vừa kịp để đón Đức ông Khả tới thăm. Tên tuổi Đức Ông đã theo làn sóng Đài Vatican phát đi khắp thế giới. Hôm nay chúng tôi được bắt tay, ngồi vây quanh bàn tròn thân mật tiếp chuyện và nghe Đức Ông kể về Công đồng Vatican II. Trong buổi nói chuyện, Đức Ông cũng phác thảo các chương trình dự lễ Giáng Sinh và thăm viếng Đền Thánh Phêrô. Tất cả còn ở phía trước, chúng tôi được một buổi chiều nghỉ ngơi cho đến 16h30’ sẽ có chương trình dâng lễ đồng tế với cộng đồng người Việt, đến dự lễ Chúa Nhật tại nhà nguyện của Foyer.

Tranh thủ buổi chiều thanh thản, Cha Tự và tôi đi ra ngoài Foyer xa xa theo lối mòn của đồi cây xanh bảo vệ môi trường thành phố. Chúng tôi tới đỉnh cao nhất để nhìn gần và nhìn rõ Dome tròn của Đền thờ Thánh Phêrô. Tôi có cảm giác như đang ở miền trung du Bắc bộ Việt Nam, chỉ khác là miền trung du Việt Nam càng nhìn xa càng hoang sơ, còn ở đây là cả một nền văn minh thế giới hiện ra. Cũng có một người có vẻ như đang chơi diều giữa cách đồng ở Việt Nam, trong khoảng không bao la êm đềm, một cánh chim bồ câu trắng vòng lượn trên đầu chúng tôi, khi đến gần mới phát hiện ra, đó không phải là chim  bồ câu trắng mà là một chiếc máy bay nhỏ xinh đang bay lượn. Thì ra người “chơi diều” kia đang dùng remot điều khiển máy bay bay lượn rất nhịp nhàng. Đó là cách “chơi diều” văn minh khoa học của người Italia.

Chúng tôi đã tới đỉnh đồi cao. Trước mặt chúng tôi là Dome lớn của Đền Thánh Phêrô không phải chỉ là ảnh in, tranh vẽ nữa, đây là hình ảnh thực mà lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn ngắm, chúng tôi chỉ còn cách xa 4km nữa và theo chương trình là ngày thứ tư 21/12/2005, chúng tôi sẽ được leo lên Dome để trực tiếp tham quan.

Chúng tôi trở về đúng lúc người điều khiển cho máy bay hạ cánh an toàn. Chiếc máy bay bằng nhựa xinh xắn, lại có thể bay lượn trên không trung. Tất cả là do ý muốn và bàn tay người điều khiển. Tôi nghĩ tới sự quan phòng của Thiên Chúa điều khiển tầm xa cho các chuyến bay của chúng tôi và lại càng thầm cảm tạ hồng ân Thiên Chúa.

Khi chúng tôi trở lại Foyer cũng là lúc cộng đồng người Việt có khoảng 20 người tới dự lễ. Hầu hết họ là những người họ hàng của Đức ông Hoài đến Roma theo sự bảo lãnh của Đức Ông. Họ sống rải rác cách Foyer khoảng 4-5km. Mỗi tháng họ tới Foyer dâng lễ bằng tiếng Việt, vừa để hiệp thông ơn thánh vừa nói tiếng Việt để không quên mất gốc. Họ xuống xe là vui vẻ ôm chào nhau theo kiểu người Ý. Hôm nay, sẽ có Cha Hoàng du học tại Roma, quê Bùi Chu, tới dâng lễ. Thật là ơn Chúa cho chúng tôi được gặp đúng dịp này và cùng đồng tế với Cha Hoàng. Tôi thật cảm động khi cầu cho Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI với tư cách là Cha chung Giáo Hội, nhưng tại đây còn là tư cách Giám mục Roma, chúng tôi đang là “con chiên” thuộc Giáo phận Roma của Đức Giáo Hoàng, và lời cầu còn thêm: “Cho các Đức Giám mục Phụ tá Giáo phận Roma” vì ngài có nhiều Đức Giám mục Phụ tá.

Sau thánh lễ, họ tổ chức lưu lại Foyer dùng tiệc ngọt vui vẻ. Họ mời tất cả chúng tôi cùng chung vui. Chúng tôi tặng họ ảnh Nhà thờ Phát Diệm. Họ rất vui và rất thích, hy vọng có dịp gặp lại họ tại Việt Nam.

Bữa ăn tối tại Foyer cũng tự phục vụ như khách sạn 4 sao Miracle Grand tại Thái Lan, vậy mà Foyer ở đây Chính phủ Ý mới chỉ xếp 1 sao. Tôi nhớ lại giây phút đầu tiên hạnh phúc được quỳ gối tôn thờ Thánh Thể Chúa và chợt nẩy ra ý nghĩ: ở đây có ngôi sao duy nhất là Ngôi Sao cứu rỗi – Đấng Cứu Tinh nhân loại.

Chúng tôi được Đức ông Khả tới thăm, có thêm dịp được nghe kể về Công đồng Vatican II, nhân kỷ niệm 40 năm bế mạc Công đồng. Sau buổi nói chuyện, tôi rủ Cha Điện, Cha Hoàng, Cha Vũ, Cha Năng cùng vào cầu thang máy lên tầng 4 để ra sân thượng của Foyer nhìn toàn cảnh Roma. Thời tiết bên ngoài rét buốt đến nỗi chỉ vài phút sau chúng tôi đã phải xuống vội, chân tay và da mặt lạnh ngắt. Chúng tôi mới hiểu hệ thống lò sưởi của Ý quan trọng và văn minh biết bao, ở trong nhà, không có cảm giác của giá lạnh, dễ chịu và ổn định.

Buổi chiều, nắng vàng êm dịu toả đều trên các ngọn đồi. Cha Gioan Trần Mạnh Duyệt quê xứ Ứng Luật (Giáo phận Phát Diệm) cùng chúng tôi lên sân thượng chụp ảnh. Qua lời ngài giới thiệu, chúng tôi mới biết cả hai Đức Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng và Đức cố Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đều đã lưu lại đây. Các ngài ở tầng 4 vì hai đầu có sân thượng dễ dàng đi dạo cho thoáng khí. Cầu thang máy tiện lợi không gây khó khăn cho tuổi già như ở Việt Nam. Từ sân thượng này, phóng tầm mắt nhìn qua rừng thông phía trước, đó chính là vườn thông của gia đình quý tộc Sacchetti đã trồng từ cách đây mấy thế kỷ. Gia đình quý tộc này từng có một Đức Hồng Y khả năng ứng cử Đức Giáo Hoàng, sau này chuyển nhượng tài sản cho Nhà nước tạo nên con đường rừng thông Via della Pineta (chữ Pineta nghĩa là rừng thông) còn lưu đậm ký ức của gia đình Sacchetti. Đó cũng là địa chỉ của Foyer Phát Diệm: Via della Pineta Sacchtti, 45.

Hang Toại Đạo – Catacombe

Chiều ngày 20/12/2005, sau khi gặp gỡ với Cha Hoàng Minh Thắng quê xứ Hoà Lạc (Giáo phận Phát Diệm), chuyên viên của Đài Phát thanh Vatican, chúng tôi được Đức ông Thiện cho xe do thầy Vượng chở đi thăm Hang Toại Đạo – một chứng tích của đức tin Kitô giáo qua các thời đại, một lịch sử uy hùng, đầy sức sống của Giáo hội Roma.

Xe đi qua các dãy phố của Roma cổ kính, không màu sắc sặc sỡ. Những toà nhà một màu trang nhã gắn bằng gạch thẻ. Những cổng thành phố Gothique vừa quen thuộc, vừa uy nghiêm. Những cây thông cổ thụ và những cây tùng trăm năm hơn chục mét cao vút uốn lượn theo độ dốc của những ngọn đồi.

Bắt đầu vào Hang Toại Đạo, chúng tôi được hướng dẫn viên hướng dẫn bằng radio băng tiếng Việt. Chúng tôi đến Hang Toại Đạo của Thầy sáu Calisto trước (vì có rất nhiều hang, mỗi hang mang một tên khác nhau). Hang lan rộng tới 15hecta, ăn sâu 20m vào trong lòng đất. Cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX các Đức Giáo Hoàng rời xương và di hài các tín hữu vào nhà thờ. Hang Toại Đạo (Catacombe) bị bỏ rơi suốt thời Trung cổ. Năm 1600, nhà khảo cổ người Manta là Antonio Posio khởi đầu công cuộc tái khám phá Hang Toại Đạo và đến năm 1852, nhờ nhà khảo cổ danh tiếng Giovani Patista de Rhosi hang Toại Đạo mới được khôi phục hoàn toàn.

Chúng tôi được giới thiệu những biểu tượng con cá: “Con cá”, theo tiếng Hy Lạp chữ đầu và cuối viết hàng dọc tạo thành PX, viết lồng nên nhau là biểu hiệu Chúa Kitô. Chiếc neo cũng là một biểu hiệu của cây Thánh giá.

Chúng tôi đi sâu vào một hầm mộ được chôn xác 9 Đức Giáo Hoàng và 8 vị hàng giáo phẩm thế kỷ III:

          Đức Giáo Hoàng Ponciano Tử đạo năm 235;

          Đức Giáo Hoàng Fabiano chết vì đạo năm 250;

          Thánh Giáo Hoàng  Eutiano;

          Thánh Giáo Hoàng Lutro người Rôma;

          Thánh Giáo Hoàng Anterote người Hy Lạp qua đời sau vỏn vẹn 40 ngày làm Giáo Hoàng;

          Đức Giáo Hoàng Cisto II, người Hy Lạp, tử đạo và bia Đức thánh Giáo Hoàng Damaso ghi khắc vào thế kỷ IV.

Chúng tôi đứng trước mộ Thánh Cecilia, được tạc thành tượng nằm xuôi tay, mặt úp xuống. Tượng được tạc theo đúng hình ảnh khi mở quan tài và giảo nghiệm vào năm 1599. Cổ thánh nữ bị vết gươm chứng tỏ thánh nữ bị chém đầu, 3 ngón tay phải giơ thẳng và một ngón tay trái giơ ra. Theo tuyền thống, hình ảnh ấy chỉ lòng tin của thánh nữ vào một Chúa Ba Ngôi. Cạnh đó là mộ Đức thánh Giáo Hoàng Ubrano, tử đạo cùng thời với Thánh Cecilia.

 Hầm mộ khoét sâu bằng đá ong, gốc nham thạch khi gặp không khí sẽ cứng lại. Người chết được đặt trong hầm mộ chỉ cuốn khăn liệm không ván bọc. Các hốc mộ ngày nay mở ra chỉ trống rỗng. Các mảnh xương đã được gom lại và đưa vào các Nhà thờ. Dọc đường hầm có nhiều hốc mộ nhỏ của các hài nhi, kể cả các hài nhi ngoại đạo. Có những người Kitô hữu chuyên đào mộ và thời gian đào kéo dài tới 300 năm từ giữa thế kỷ II đến thế kỷ IV, có khoảng 500.000 người được chôn cất ở nơi đây.

Những gia đình giàu thường có hầm mộ riêng gọi là hầm mộ các Bí tích, và các hầm mộ này dễ biến thành khởi đầu của Hang Toại Đạo. Có 5 phòng mộ Bí tích và chúng tôi đã đi qua 5 hầm mộ gia đình như thế. Có nhiều đèn dầu bằng đất được gom lại trong một hộc hang làm bằng chứng sống của một chứng tích Đức tin cộng đồng. Khoảng giữa thể kỷ thứ III đã tạo nên các hầm mộ cao rộng và quy mô hơn, có nhiều lối thông khí đào vuông, thông thẳng lên trời. Đôi khi có những bàn thờ để linh mục làm lễ. Chúng tôi đã dừng lại ở 2 bàn thờ có đủ khăn thánh và đồ thánh làm lễ, thầm tiếc vì không biết trước chi tiết này để đem đồ lễ dâng một Thánh lễ tại đây.

Đường dốc ngược 77 bậc lên mặt đất. Chúng tôi dừng lại trước đường thông khí của hang Toại Đạo Thánh Calisto, đọc Kinh Lạy Cha, Tin Kính, Kinh Vực Sâu để tưởng nhớ linh hồn các Kitô hữu Roma tử đạo xưa.

Nhà thờ có truyền thuyết “Domine Quo Vadis?”

Vừa ra khỏi cổng Hang Toại Đạo, chúng tôi được Cha Tự giới thiệu địa danh về truyền thuyết “Domine Quo Vadis?”. Ngày nay, tại đây đã dựng nên một ngôi Nhà thờ có lễ hằng ngày và được đặt Mình Thánh. Chúng tôi đẩy cửa bước vào, và dừng lại, vây quanh một viên đá trắng đặt trang trọng giữa lòng Nhà thờ và có khung bảo vệ. Nhìn kỹ thì đó là 2 nốt chân in trên đá. Câu chuyện truyền thuyết sống lại trong chúng tôi. Phêrô trên đường tránh bách hại đạo của bạo chúa Neron, vừa ra tới cổng thành, ngài gặp Chúa Giêsu đang vác Thánh giá trở vào thành. Phêrô bật hỏi: “Lạy Thầy, Thầy đi đâu?”. Câu hỏi đã trở thành đầu đề tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Balan Sienkievich – tác phẩm được giải thưởng Nobel. Hai dấu chân nhắc chúng tôi nhớ lại câu trả lời của Chúa Giêsu: “Khi người ta bỏ Thầy mà trốn thì Ta trở lại để chịu tử đạo lần thứ hai”. Phêrô hiểu ý Chúa quay trở lại Roma khẳng khái tuyên xưng đức tin và chịu đóng đinh ngược trên Thánh giá.

Xe chúng tôi đi vòng qua Forum Romano thượng viện của Đế quốc cổ đại Roma. Nơi đây, mọi quyết định quan trọng của Roma và thế giới được “các Cezar” và thượng viện quyết định. Hai mươi thế kỷ qua, thượng viện vẫn còn lại di tích và được gìn giữ nguyên dáng cũ. Những toà nhà cổ, tường cổ bao bọc nổi bật trên ngọn cao nhất của quả đồi thành phố. Xe chúng tôi cũng đi vào đường chính diện dẫn đến Quảng trường Thánh Phêrô, nhìn toàn cảnh của quảng trường nổi tiếng thế giới và xác định vị trí của Đức Giáo Hoàng đọc kinh truyền tin Chúa Nhật hằng tuần, vị trí ngày mai Đức Giáo Hoàng hiện diện trong buổi Udienza (Yết kiến chung). Xe đi vòng một vòng tường thành Vatican cổ kính cao vút, vây quanh một ngọn đồi – đồi Vatican kính yêu. Nơi đây có Đức Thánh Cha và giáo triều Vatican – Trái tim và khối óc của Giáo hội Công giáo hoàn cầu.

Chúng tôi trở về trong giấc ngủ rất sớm và rất ngon để chuẩn bị cho ngày hôm sau được đi tham dự Udienza của Đức Thánh Cha.

Buổi sáng ngày 21/12/2005, đối với Việt Nam đã là quá muộn thì ở Roma lại là quá sớm. Hôm nay, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả đã vui lòng nhận lời mời của đoàn chúng tôi đến dâng thánh lễ đồng tế nhân ngày kỷ niệm 38 năm thụ phong linh mục của ngài. Đáp lời chúng tôi cám ơn cuối lễ, ngài rất vui vẻ cho biết đã 38 năm nay từ sau ngày thụ phong linh mục, ngài mới được mừng kỷ niệm thụ phong linh mục cách trọng thể như hôm nay. Sau thánh lễ, các soeur Foyer Phát Diệm chuẩn bị một bó hoa hồng tươi thật đẹp tặng mừng Đức Ông. Tôi vội mở “file” sở trường làm một bài thơ đọc chúc mừng Đức Ông:

Vatican địa danh thiêng thánh

Chảy trong tim máu nóng hoàn cầu

Nhờ tình thương Chúa nhiệm mầu

Chúng con quy tụ lần đầu phúc thay!

Xin được phép vỗ tay mừng kính

Ngày thụ phong của chính Đức Ông

Tự hào con cái phương đông

Việt Nam Phát Diệm sống trong Giáo triều.

Tên Đức Ông bao nhiêu Khả kính

Đẹp cuộc đời ở chính Giáo đô