Hành hương Lourdes

Theo chương trình, tối ngày 29.12.2005, chúng tôi lên đường đi Lộ Đức (Lourdes). Khoảng cách Paris – Lourdes là 820km, và thời gian tàu điện chạy là 8 tiếng. Chúng tôi dùng bữa tối tại Paris rồi lại chuẩn bị lên tàu lúc 23h14’.

HÀNH HƯƠNG LOURDES

(Đoàn Linh mục Phát Diệm Hành hương Roma và Pháp)

Lm. Phêrô Hồng Phúc

 

Từ trái sang phải: Cha Antôn Đoàn Minh Hải, Cha Antôn Nguyễn Tâm Tư, Cha Antôn Phan Văn Tự, Cha Giuse Trần Ngọc Văn, Cha Giuse Mai Văn Thiện, Cha Giuse Lê Đức Năng, Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, Cha Giuse Vũ Quang Điện, Cha Ignatiô Bùi Ngọc Hoàng và Cha sở Giáo xứ Louders.

       Theo chương trình, tối ngày 29.12.2005, chúng tôi lên đường đi Lộ Đức (Lourdes). Khoảng cách Paris – Lourdes là 820km, và thời gian tàu điện chạy là 8 tiếng. Chúng tôi dùng bữa tối tại Paris rồi lại chuẩn bị lên tàu lúc 23h14’. Một đêm thanh bình trên tàu trôi qua, ngoại trừ vào giờ cuối cùng xuống ga, thầy Được mới phát hiện ra mình để rơi điện thoại di động trên tàu. Thầy xuống toa dưới, tìm ghế của mình thì mới biết toa này đã bị cắt đi Tây Ban Nha hồi đêm. Mất điện thoại là như người bị cô lập, nhưng còn là may vì nếu thầy ngủ quên chút nữa thì cả người cũng bị cắt sang Tây Ban Nha – thật là hú vía!

Vừa tới ga Lourdes, chị Thanh Vân với chị Odile người Pháp và chị Emile – người Philippines đã đón chúng tôi tại nhà ga. Ba chiếc xe taxi đủ đưa chúng tôi về trung tâm huấn luyện của Tu hội Trợ tá Tông đồ Quốc tế. Tại đây, chúng tôi gặp những người đến từ Hàn Quốc, Myanmar, Tây Ban Nha, Salvador, Uganda, Bangladesh, các chị phục vụ tận tình và vô vị lợi.

Sau bữa ăn sáng, 3 chị tiếp tục đưa chúng tôi thăm Vương cung Thánh đường Đức Bà Lộ Đức. Lòng chúng tôi rộn mừng mỗi lúc xe đến gần hơn địa danh thiêng thánh, đã trở thành trung tâm hành hương của toàn thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Lộ Đức hiện ra trên đỉnh núi, sát chân núi là dòng sông Gave với cây cầu vắt ngang sông và dẫn đến hang Đức Mẹ hiện ra cùng chị Bernadette năm 1958. Thật là cảm động và linh thiêng. Chúng tôi đọc kinh, chụp ảnh, quay camera. Tất cả trong im lặng và diễn ra dưới trời mưa. Lúc nào cũng có người âm thầm cầu nguyện trước hang Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ bằng tỉ lệ người thật được đặt chính nơi Đức Mẹ hiện ra. Dưới chân Mẹ, hang Macabieille giờ đây đã được xây lên một bàn thờ bằng đá. Ngay sát Bàn thờ là mạch nước vọt lên từ trong hang đá. Khi Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette, bảo chị lấy nước từ mạch lên, chị định chạy ra sông Gave nhưng Đức Mẹ ra hiệu cho chị bới đất ở đây và mạch nước đã vọt lên từ chính nơi này. Ngày nay, mạch nước được dẫn xuôi theo dọc nhà thờ đến tận sân tháp, gần cầu qua sông Gave để khách hành hương có thể dễ dàng lấy nước từ nhiều vòi nhỏ lắp trên cùng một đường ống lớn.

Toàn cảnh Nhà thờ Đức Mẹ Louders
 Cha Phêrô Hồng Phúc và thầy Giuse Vũ Văn Được

Thật là hạnh phúc khi chúng tôi được đồng tế thánh lễ bằng tiếng Pháp lúc 10h cùng với 4 cha sở tại, trong đó có cha xứ Lộ Đức (Lourdes). Vì cha Vũ mệt phải lưu lại ở nhà MEP nên chỉ có 9 anh em chúng tôi đồng tế đứng vòng quanh hang đá. Đông khách hành hương tham dự dưới trời mưa. Cuối lễ, thầy dòng đặc trách hang đá Lộ Đức ngỏ lời cám ơn đoàn Linh mục Phát Diệm, chúng tôi đáp từ trong khiêm tốn và biết ơn. Cộng đoàn vỗ tay chúc mừng đoàn đồng tế, chụp ảnh kỷ niệm, thật là cảm động và diễm phúc.

Phải nói rằng thánh nhạc Pháp thật tuyệt vời. Đa số các giáo xứ của Pháp không có ca đoàn, trừ một số ca đoàn chuyên nghiệp phục vụ tại các nhà thờ tầm cỡ như Nhà thờ Đức Bà Paris. Mỗi thánh lễ đều có một người, hoặc tu sĩ hoặc giáo dân đứng trên bục giảng để điều khiển cả cộng đoàn về thánh nhạc nên cộng đoàn tham dự một cách hết sức sống động. Ở hang Lộ Đức hôm nay cũng thế, khách hành hương cùng hát những bài thánh ca Pháp sốt sắng cảm động.

Rời hang đá Đức Mẹ, trời vẫn lất phất mưa, không gian tĩnh lặng càng làm cho Lộ Đức của Mẹ thêm phần linh thiêng.

Chúng tôi đi lên theo bậc thang đá hình vòng cung mô phỏng theo vòng cung Đền thờ Thánh Phêrô, nhưng dốc hẳn xuống sân quảng trường để người đi bộ và xe lăn có thể leo dần lên tới nhà thờ lưng chừng núi. Đây là Nhà thờ thứ nhất được xây theo Ý muốn của Đức Mẹ truyền qua Bernadette. Tiếp tục leo lên, ta tới Nhà thờ thứ hai xây bao trùm lên cả Nhà thờ thứ nhất. Còn Nhà thờ thứ ba – Nhà thờ Mân Côi lại là nhà thờ tầng trệt, đứng ở nhà thờ đầu tiên thì chỉ nhìn thấy những đỉnh mái tròn của nhà thờ này. Vì đang sửa chữa nên chúng tôi không được xuống xem nhà thờ thứ ba. Bù lại chị Thanh Vân dẫn chúng tôi tới xem Vương cung Thánh đường Basilio đã được khánh thành nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra 1858-1958. Thánh đường Basilio có diện tích chứa 25.000 ghế ngồi, được coi là đền thờ rộng nhất thế giới. Bàn thờ xây giữa trung tâm đền thờ, các dịp hành hương lớn và các Chúa Nhật thường xuyên có lễ cho khách hành hương.

Chúng tôi đi dọc quảng trường bằng phẳng, rộng rãi trải dài trước mặt tiền nhà thờ. Ở khoảng giữa sân có tượng Bernadette ngồi chăn cừu, những con cừu hiền lành gặm cỏ vây quanh chị giữa một khoảng không gian còn giữ được thảm cỏ xanh trải đều hút tầm mắt. Thật là một địa danh sơn thuỷ hữu tình, êm đềm thanh tĩnh mà Đức Mẹ đã chọn và hiện ra.

Khi những đèn điện khu đền thánh đã bật sáng, chúng tôi trở lại kín nước suối Đức Mẹ Lộ Đức. Hàng trăm cây nến đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn và cực lớn được đốt lung linh sáng rực dọc chân núi. Những ngọn nến tưởng như không lúc nào tắt, luôn cháy sáng như cõi lòng của các tâm hồn hành hương và những người con của Mẹ khắp 5 châu đang hết lòng tôn kính và bày tỏ lòng yêu mến Mẹ.

Thầy Được đi cùng chúng tôi trong suốt hành trình giao tiếp bằng tiếng Pháp và đổi nhau chụp ảnh, quay camera. Thầy phát hiện một chị người Italia đã đứng ở một góc hang cầu nguyện 5 tiếng không hề rời vị trí. Biết được chị đứng đó 5 tiếng đồng hồ, vì từ lúc chúng tôi đến dâng Thánh Lễ 10h chị đã đứng ở đây rồi. Ăn trưa xong chúng tôi đi lấy nước suối vẫn thấy chị ở đó. Lúc gần trở về Paris, chúng tôi quay lại chào Mẹ vẫn thấy chị đứng cầu nguyện tại đây. Nét mặt chị thật thanh thản, sốt sắng lạ thường. Dường như chị đến đây để quên hết những chuyện trần thế mà dành tất cả thời gian cho Mẹ. Cùng với chị, chúng tôi cũng như quên đi những lo lắng, ưu tư. Cho dù mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về Mẹ và dường như ai cũng nghĩ đến những thân nhân, ân nhân để cầu xin Mẹ ban tràn ơn lành cho họ. Nhìn chị người Ý đứng đó, chúng tôi thấy cảm động và càng thấm thía hơn tinh thần hiệp thông cũng như thấy rõ hơn chứng nhân đức tin trong cuộc sống của những tâm hồn thầm lặng nơi đây.

Cả đoàn cùng hát kinh Magnificat tạ ơn Đức Mẹ và kết thúc một ngày kính viếng Lộ Đức với bao cảm xúc, với bao ân huệ lớn lao.

Chị Thanh Vân cùng chị Emilie người Philippines và chị Odile người Pháp lại lái xe đến tận ga tiễn chân chúng tôi lên tàu. Cha Tự vẫn luôn vất vả xách thêm phần hành lý cho tôi để tôi làm “phóng viên” dễ bề xoay sở. Chúng tôi lên tàu chính xác theo giờ in trong vé. Cung cách làm việc của người Pháp khoa học, chính xác hơn hẳn người Ý. Giấc ngủ đến muộn vì niềm vui còn đang lan toả, thủ đô Paris còn đang chờ đoàn phía trước.

Một sự trùng lặp hiếm hoi: chúng tôi vẫn lên toa 20 như vé tàu đi. Tôi và thầy Được ngồi đúng số ghế cũ của mình. Tàu về ga Austerlitz – ga mang tên một trận chiến Pháp – Đức năm xưa. Điểm đến cũng chính xác tới từng phút. Khi đưa hành lý xuống tàu, tôi mới phát hiện ra bức tranh lụa Đức Mẹ Việt Nam mà khi đi chúng tôi bỏ quên trên tàu vẫn còn nguyên trên gác hành lý. Ý thức nhân bản ở Pháp rất đáng khâm phục!