Chuyến về “Nguồn”

Sau nhiều tháng vật lộn với chứng bệnh phù sưng 2 chân do thận suy, với những lo toan ngổn ngang trong cuộc sống gia đình và với những chộn rộn tâm linh làm tâm hồn có chút chao đảo, tôi mong ước có một chuyến đi về “Nguồn” cùng với bạn bè học chung lớp từ thuở xa xưa năm 1964.

CHUYẾN VỀ “NGUỒN”

Sau nhiều tháng vật lộn với chứng bệnh phù sưng 2 chân do thận suy, với những lo toan ngổn ngang trong cuộc sống gia đình và với những chộn rộn tâm linh làm tâm hồn có chút chao đảo, tôi mong ước có một chuyến đi về “Nguồn” cùng với bạn bè học chung lớp từ thuở xa xưa năm 1964. Với tôi, về “Nguồn” không chỉ là để nhìn lại cái nôi một thời xa xăm đã nuôi dưỡng tâm hồn và thân xác của tôi. Cái nôi của vật chất. Cái nôi của không gian cao nguyên bình yên và thanh thản. Cái nôi của kỷ niệm dấu ái, của thời thơ ấu ngây dại tại Chủng viện Thừa sai Kontum. Với tôi, cái khao khát được trở về chốn xưa là được tìm thấy ở nơi đó Nguồn Bình An, như Thánh Phaolô mong muốn là “khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người”. Một tình thần hiệp thông yêu thương vì, “nhờ Người, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,15.18).

Với tâm tình được trở nên một người mới trong Đức Kitô, tôi muốn gột rửa những chán chường đang làm tôi mệt mỏi, lo sợ, có khuynh hướng vị kỷ, một dạng thức của con người cũ, của con người ở xa, xa khỏi niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Tôi thấy mình chưa hoàn toàn thực sự sống phó thác như Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà lớp chúng tôi chuẩn bị mừng kính để hồi tưởng con đường bé thơ của ngài. Tôi tin rằng một khi về được không gian bình lặng yên ả kia, tôi sẽ gặp được ở đó những con người đang ngày đêm ra sức từ bỏ chính mình để dem lại hạnh phúc tâm linh và cả vật chất cho những người kém may mắn. Và cũng ở nơi xa xôi ấy, tôi sẽ gặp được những con người đơn sơ bé nhỏ đang cần đỡ nâng và tình thương vì họ cũng đã là người mới duy nhất nơi Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô.

Với tôi, khi được chiêm ngưỡng những người đang trở nên bé nhỏ cũng như những người sống hồn nhiên nơi núi rừng Tây Nguyên, tôi mới thấy mình dễ dàng cần phải trở nên con người mới hơn nữa, bởi câu nói của Rodin de Bourdelle luôn giúp tôi hướng lên phía trước: “Người ta cứ mãi mãi bắt đầu và bắt đầu”.

Hơn nữa, nếu chúng ta thật là Kitô hữu, chúng ta sẽ phải là những con người mới tức sẽ được chiếu sáng bằng sự hiện diện của chúng ta, bởi chúng ta mang trong mình sự hiện diện của Chúa và sự hiện diện ẩn dật này sẽ đạt tới cái sâu thẳm nhất trong chúng ta. Nhờ cái sâu thẳm nội tại sẽ giúp ta nhận ra rằng người kia, những người khốn khó, không còn là người xa lạ ở bên ngoài chúng ta mà những kẻ đó vẫn chỉ là một với ta. Nên ta cảm thấy một chút ân tình trước nỗi đau khổ của họ, trước tiếng kêu la thất vọng của họ.

Như vậy, để chuyến hành hương thực sự mang ý nghĩa về “Nguồn”, và đạt được nét đẹp từ bỏ, mà từ bỏ là vượt lên trên, là bỏ ý riêng, mà từ bỏ khiến con người trở nên cao đẹp, thanh thoát bằng cách tự xoá mình hoàn toàn trong Chúa vì Người muốn thông hiệp với những người khốn khổ kia xuyên qua chúng ta, như Thánh Phaolô dạy: “Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2,10).

Trên chuyến về “Nguồn” lần này, ngoài việc tham quan nhà máy điện Yaly tại Gia Lai, chúng tôi ghé thăm giáo xứ Ea Ka. Tìm hoài tìm mãi, chúng tôi mới nhận ra rằng ngôi nhà thờ miền cao heo hút này không như những đền thờ nguy nga với tháp chuông chót vót trên cao nơi vùng đô thị sầm uất. Thế cho nên, chúng tôi phải gọi cha sở Ea Ka là cha Quang, vị linh mục kiêm bác sĩ nha khoa đã từng phục vụ trại phong Bến Sắn, Bình Dương, dẫn đường chỉ lối cho chúng tôi.

Khi nhìn thấy miếng đất đỏ nằm khuất trong những cây cà phê xanh tươi mát mắt, trên đó, chơ vơ với mái tôn cùng những cột sắt nhỏ chống đỡ trong diện tích khoảng 120m2 với bề dài 20 mét và bề rộng 6 mét, chúng tôi mới cảm phục tinh thần từ bỏ của vị linh mục truyền giáo. Nhất là bên dưới mái che đó chỉ vỏn vẹn một tượng chịu nạn dựng chính giữa, một chiếc bàn gỗ sơ sài để làm bàn thờ cùng với chiếc ghế gỗ mộc mạc dành cho linh mục chủ tế ngồi. Cạnh đó là căn nhà sàn nhỏ hẹp vừa đủ để cho vị chủ chăn nghỉ ngơi, làm việc và cầu nguyện. Ngoài sự thiếu thốn về vật chất như trên, cha Quang còn phải chịu nhiều những thống khổ tinh thần khác như đối đầu với chính quyền không mấy mặn mà với Công giáo, nơi vùng cao nguyên đang có những nảy sinh phức tạp. Nhưng chắc chắn với cha Quang thì tất cả chỉ vì tiếng gọi của Chúa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Trước những mắt thấy tai nghe, lòng đau quặn thắt, 1/3 trong số 18 anh chị em có mặt lúc đó đã cảm thông với cha sở và bà con giáo dân Thượng của cha bằng những bổng lễ để xin Chúa ban sức mạnh cho cha sống trọn vẹn hai tiếng “Xin Vâng”, hầu trở nên đơn sơ phó thác như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Rời Pleiku, anh chị em chúng tôi tiến về Kontum thân yêu. Và sau buổi họp mặt mừng kính lễ quan thầy của các xứ truyền giáo được dời vào ngày 3/10/2008, anh em chúng tôi từ Sai Gòn lên cùng với anh em cựu chủng sinh tại Kontum được cha quản lý Toà Giám mục ưu ái tạo điều kiện để hành hương đến đồi Đức Mẹ mà theo bà con giáo dân gọi tượng Mẹ tại Mangđen, cách thị xã Kontum khoảng 70km về hướng Quảng Ngãi, là Đức Mẹ của người cùi hay Đức Mẹ của người khuyết tật.

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ vượt qua bao con dốc, qua nhiều cây số ngoằn ngoèo hiểm trở, anh chị em chúng tôi cũng đến được dưới chân đồi Đức Mẹ của người khuyết tật trong một chiều mưa chưa dứt hẳn. Mọi người cùng dắt nhau leo lên ngọn đồi cao chừng 4 mét qua những bậc thang trơn trượt. Thế là tôi đành phải ngồi lại trên xe với đôi chân tê bại, chỉ đủ để ngước nhìn lên bức tượng của Mẹ. Nhưng lòng tôi thật rạo rực vì Mẹ là của tôi, của riêng tôi, vì tôi cũng là người khuyết tật giống tượng Mẹ. Nhìn lên phía trên cao, tôi không sao tránh khỏi chạnh lòng vì nơi đây cũng vẫn chỉ có trơ trọi một bức tượng Mẹ vẫn chưa có 2 bàn tay mà trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, bức tượng đã không còn nguyên vẹn, khi những người dân đến nơi đây để làm ăn sinh sống rồi tìm thấy vào năm 2005. Những người này là những lương dân, nhưng họ lại có cái tâm của một con người tự bản chất đã có niềm tin. Chính vì vậy mà họ đã tỏ ra tôn kính Mẹ cho dù tượng Mẹ lúc đó đã mất phần đầu, dù cho họ chưa xác định rõ được bức tượng là của ai, của Bà Quan Âm hay của Mẹ Maria.

Với cái tâm chân chính của một người ngoại giáo, và được một vài người dân khác theo đạo xác quyết, bức tượng của Mẹ cũng đã được sửa chữa lại phần dung nhan, còn 2 bàn tay vẫn chưa thể nào gắn liền lại được. Tuy nhiên, biến cố này lại lan truyền nhanh ra và nhờ đó mà nhiều người chạy đến với Mẹ bằng một tâm tình đơn sơ thảo kính, cho dù chính bức tượng cũng như nơi tôn nghiêm thờ kính rất hoang sơ và bình dị. Cho đến nay, nơi dưới chân Mẹ đã xuất hiện khá nhiều những bảng tạ ơn. Điều này chứng tỏ rằng niềm tin vào Chúa qua Mẹ đã được nhiều người đón nhận và hồng ân vẫn tuôn đổ cho những ai khao khát được Mẹ ủi an nâng đỡ. Trong số đó, có những đứa con từ xa xôi đến đây với Mẹ cùng tâm tình tín thác đơn thơ như thế.

Riêng tôi, khi nhìn lên từ dưới thấp, lòng suy gẫm kinh Kinh Mân Côi, tôi chỉ xin Mẹ ban cho tôi đủ khôn ngoan và sức mạnh để tiếp tục khiêm nhường lắng nghe tiếng Chúa nói qua các biến cố cuộc đời và trở nên là nữ tỳ như Mẹ khi xưa đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Cũng tại nơi đây, tôi dâng lên Mẹ những nguyện ước khác mà có lẽ trước khi đến đây Mẹ của Chúa đã thấu suốt.

Trên đường trở về lại thị xã, anh chị em chúng tôi ghé thăm một trại cô nhi có tên là “Vinh Sơn 4” do các Ýa hay các Sơ người dân tộc thuộc Dòng Ảnh Vảy (Dòng Đức Mẹ Ban Ơn) chăm sóc. Khi nhìn thấy những đứa trẻ người dân tộc mất mẹ mất cha, côi cút đang ngơ ngác nhìn khách lạ viếng thăm, một số anh chị em chúng tôi đã không còn muốn giữ lại cho mình những đồng tiền cuối cùng khi sáng sớm mai sẽ trở về lại Sài Gòn.

Qua chuyến về “Nguồn” này, tôi đã nhìn thấy nơi ánh mắt của nhiều anh chị em những rung cảm thật nồng nàn. Có người đã khóc, đã nhỏ lệ khi nghĩ về một dĩ vãng lãng quên ân sủng của Chúa và khi nhìn thấy Mẹ thiếu 2 bàn tay, anh đã cảm nhận được sự khiếm khuyết trong tâm hồn của minh. Cũng có người đã rộng bàn tay để chia sẻ với người nghèo khổ những gì mình đang cất giữ trong lần đi đáng nhớ này. Lại cũng có anh chị em, khi điều kiện kinh tế đã có phần may mắn, nên đã không ngần ngại gửi đến vài vị mục tử những cây vải để may áo mặc cho người thiếu thốn nơi vùng cao heo hút này. Những thay đổi này ước mong sao sẽ mãi mãi bắt đầu và bắt đầu. Cứ mãi mãi như thế để thấy mình vẫn mãi là trẻ thơ. Còn tôi, sau chuyến về “Nguồn” đáng quý mà anh chị em đã yêu thương che chở, cũng như thay phiên nhau cõng tôi trên lưng, tôi tin rằng Nguồn Bình An và Nguồn Cậy Trông sẽ ở mãi bên tôi để tôi luôn hát vang bài ca Magnificat như Mẹ đã cảm thấu niềm hạnh phúc tuyệt vời khi được là con người mới bởi lời “Xin Vâng”, bởi tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Mượn lời Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tôi chân thành nói lên tâm tình cảm tạ tri ân với Đấng là Nguồn Bình An và với Đấng là Nguồn Cậy Trông của mình cũng như của cả lớp: “Tất cả là hồng ân!” – “Tout est grâce!”

Lễ Đức Mẹ Mân Côi, 7/10/2008

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Email: [email protected]