Mắc kẹt trong tâm dịch: Lúng túng ‘bài toán’ đi – ở

Mắc kẹt trong tâm dịch: Lúng túng ‘bài toán’ đi – ở

Cho đến hôm qua, TP.Đà Nẵng chưa đưa ra phương án ‘giải phóng’ hàng chục ngàn người lao động ngoại tỉnh cũng như chưa kết nối với các địa phương liên quan.
Một cán bộ làm nhiệm vụ lấy tiền túi hỗ trợ 4 thợ xây Nghệ An sau khi nhóm lội bộ rời Đà Nẵng /// Ảnh: M.Đ.T
Một cán bộ làm nhiệm vụ lấy tiền túi hỗ trợ 4 thợ xây Nghệ An sau khi nhóm lội bộ rời Đà Nẵng  ẢNH: M.Đ.T
Bước đầu, TP chỉ bố trí được 7 chuyến bay giải tỏa 1.453 du khách mắc kẹt. Du khách trước khi rời TP.Đà Nẵng đều xét nghiệm Covid-19, khi về đến địa phương sẽ cách ly tập trung theo quy định.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng, cho rằng phương án đưa hàng chục ngàn người ngoại tỉnh rời Đà Nẵng cần đảm bảo nhiều vấn đề, như năng lực cách ly tập trung của địa phương. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc tổ chức đón công dân từ vùng dịch trở về mới chỉ được Thừa Thiên- Huế triển khai (đưa hơn 24.000 người về quê), còn lại nhiều địa phương khác đang tỏ ra lúng túng.
Trong khi đó, đã có những vụ “né dịch” xảy ra. Đến ngày 11.8, nhóm 4 thợ hồ quê ở Nghệ An vẫn đang được cách ly tập trung tại địa điểm cách ly ở H.Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) sau chuyến lội bộ trốn khỏi Đà Nẵng, đến chốt kiểm soát tại H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) trưa 6.8 gặp lực lượng làm nhiệm vụ để xin… cách ly y tế.
Theo trình bày, vài tháng trước cả nhóm vào làm thợ hồ tại Quảng Nam rồi chuyển ra Đà Nẵng. Xảy ra dịch, chủ thầu bỏ công trình, họ hết tiền chi tiêu, không có xe vận chuyển (thời điểm cách ly) đành lội bộ. Ý định của họ là… muốn về quê để cách ly tập trung, hoặc xin được cách ly tập trung ở Thừa Thiên-Huế (sau đó sẽ về quê). Họ giải thích không đi cách ly tập trung ở Đà Nẵng được vì không phải đối tượng F1, F2 và chưa rõ chuyện ăn ở ra sao…
Cũng vì lo ngại dịch bệnh còn kéo dài, không có tiền ăn, nhóm 21 công nhân (cùng trú xã Hùng Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) thi công công trình trường học đã nhảy xe rời Đà Nẵng, về đến nhà hôm 7.8.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Viết Lộc, đại diện nhóm công nhân, cho hay nhóm cố gắng bám trụ với mức hỗ trợ 20.000 đồng/người/ngày của chủ thầu trong những ngày có dịch.
“Nhưng rồi dịch kéo dài, chúng tôi chỉ trụ được hơn 1 tuần thì không còn tiền để ăn”, ông Lộc nói. Trở về từ vùng dịch, họ càng lo vì không biết mình có mang mầm bệnh hay không nên chủ động khai báo y tế, xin được cách ly.
Nhưng ở lại cũng… không dễ. Vợ chồng chị Lê Thị Mận (quê xã Tân Sơn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào Đà Nẵng làm công nhân xây dựng từ đầu năm 2020. Dịch bệnh xảy ra, công trình đóng cửa, họ đang lo sốt vó vì về quê không được, trong khi nếu ở lại thì không có thu nhập để trả tiền trọ, tiền ăn. “Từ cuối tháng 7, tôi và hơn 20 công nhân khác phải nghỉ không có tiền công. Những ngày qua, vợ chồng tôi nhờ vào sự trợ giúp của các đoàn thể, tình nguyện viên”, chị Mận nói.
Theo Sở Y tế TP.Đà Nẵng, vì quản lý theo địa bàn khu dân cư nên vấn đề kiểm soát dịch, hỗ trợ xét nghiệm, cung cấp dịch vụ y tế cũng sẽ theo kênh tổ dân phố, khu dân cư. Mọi người, bất kể là người TP, người lao động tự do ngoại tỉnh… đều được khoanh vùng xét nghiệm, lấy mẫu theo nơi cư trú. Bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết những lao động tự do, lao động ngoại tỉnh có liên quan đến các F0, F1… đều được tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương đến lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng. Đà Nẵng đang hướng đến xét nghiệm diện rộng từng khu vực, đảm bảo mọi người đều được cung cấp thông tin dịch bệnh, được xét nghiệm khi cần thiết. “Đặc biệt, đối với những người lao động tự do cần được quán triệt việc giãn cách xã hội tuyệt đối. Họ nên kết nối với tổ dân phố nơi cư trú để được hỗ trợ”, bà Thủy nói.
THANH NIÊN
TNO