EVN kiến nghị gỡ hàng loạt vướng mắc cho điện mặt trời mái nhà

EVN kiến nghị gỡ hàng loạt vướng mắc cho điện mặt trời mái nhà

Trước thực trạng chủ đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà gặp khó khăn khi phát triển dự án như chưa đấu nối, chưa được thanh toán tiền điện hay vướng thủ tục ở địa phương…, EVN đã kiến nghị Bộ Công thương tháo gỡ hàng loạt vướng mắc.

 

EVN kiến nghị gỡ hàng loạt vướng mắc cho điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1.

Các công nhân thi công mái cho dự án điện mặt trời mái nhà kết hợp nông nghiệp – Ảnh: NGỌC HIỂN

Cụ thể, EVN cho biết việc phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới gặp vướng, trong đó vướng mắc lớn nhất là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà.

Hiện nay có nhiều dự án điện mặt trời có công suất dưới 1MW thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, cơ sở để xác định là điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

EVN cũng cho rằng việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo quyết định số 13 cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng về tấm mái, cách thức lợp mái trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.

Theo EVN, nhiều dự án lắp đặt trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại, có mục đích chính là để sản xuất điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện dành cho điện mặt trời mái nhà. Một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp với vật nuôi, cây trồng bên dưới, sau đó có lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để được công nhận là điện mặt trời mái nhà.

Theo EVN, do các hướng dẫn để xác định là dự án điện mặt trời mái nhà chưa rõ nên EVN rất khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo quyết định 13.

Ngoài ra, EVN cũng cho biết có một số hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1MW tại cùng một địa điểm của một chủ đầu tư và đấu nối tại một điểm hoặc nhiều điểm. Do đó, EVN đề nghị xác định trường hợp này có được xem là điện mặt trời mái nhà hay không.

Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn việc kinh doanh bán điện mặt trời có phải thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần phải làm thủ tục bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định Luật đầu tư hiện hành.

Từ đó, EVN kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới để xác định giá mua bán.

Trong đó, EVN kiến nghị các hệ thống điện mặt trời công suất đến 1MW, đấu nối vào cấp điện áp dưới 35kV, có các tấm pin mặt trời lắp trên hệ thống khung giá đỡ (có mái hoặc không có mái), lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất; các hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng vừa bán điện lên lưới của EVN qua máy biến áp 110 kV được ghi nhận là điện mặt trời mái nhà.

Đối với mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời với công suất nhỏ hơn hoặc bằng 1MW, EVN kiến nghị công nhận là điện mặt trời mái nhà.

Đối với các trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất trên 1MW, EVN đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện lắp đặt, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…

Nhiều địa phương ra quy định khác nhau

EVN cho biết quy định khác nhau của các địa phương về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…) về quản lý xây dựng, đất đai cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực khi thực hiện các hướng dẫn về điện mặt trời mái nhà.

Cụ thể, phòng quản lý đô thị thuộc UBND quận Tân Phú (TP.HCM) không cho phát triển điện mặt trời mái nhà trên các công trình nhà ở riêng lẻ trong khi chờ Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP hướng dẫn, quy định về xây dựng và an toàn của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang yêu cầu các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên các nhà xưởng khu công nghiệp phải có thẩm tra phê duyệt thiết kế.

Còn Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông, Khánh Hòa yêu cầu báo cáo xin ý kiến ban quản lý trước khi thỏa thuận đấu nối hoặc ký hợp đồng mua bán điện.

Trong khi đó, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu công ty điện lực chỉ thỏa thuận với các hệ thống điện mặt trời mái nhà khi đã có điểm đấu nối hiện hữu tại thời điểm thỏa thuận. Tại cụm có 2 công trình trở lên thì khi thỏa thuận đấu nối cho công trình thứ 2 trở đi phải có cột điện hiện hữu của công trình trước đó.

NGỌC HIỂN
TTO