Đà Nẵng cấp tập đối phó đỉnh dịch

Đà Nẵng cấp tập đối phó đỉnh dịch

Theo tính toán của Bộ Y tế, chúng ta còn khoảng hơn 1 tuần để đối mặt với đỉnh dịch Covid-19. Công tác ứng phó tận dụng ‘thời gian vàng’ để cách ly, xét nghiệm, ứng phó tại tâm dịch Đà Nẵng càng trở nên cấp bách.
Đà Nẵng đang khẩn trương cách ly, xét nghiệm và hoàn tất bệnh viện dã chiến ứng phó dịch Covid-19 /// Ảnh: Huy Đạt - Hoàng Sơn
Đà Nẵng đang khẩn trương cách ly, xét nghiệm và hoàn tất bệnh viện dã chiến ứng phó dịch Covid-19    ẢNH: HUY ĐẠT – HOÀNG SƠN
Tính đến ngày 7.8, số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng đã lên đến 235 ca (9 ca tử vong, 226 ca đang được điều trị tại các bệnh viện (BV), ghi nhận số lượng trường hợp tiếp xúc gần (F1) là gần 9.000 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế và cách ly tập trung); gần 8.500 F2…
Sở Y tế Đà Nẵng đã lấy 36.963 mẫu xét nghiệm, trong đó có 29.777 mẫu cho kết quả âm tính, 213 mẫu dương tính, số còn lại đang được tiến hành.
Mới xét nghiệm 700/17.000 trường hợp liên quan BV Đà Nẵng
Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng, TP hiện có khoảng 50.000 đối tượng nguy cơ, người tiếp xúc gần, người trong khu vực nguy cơ cao, điểm nóng… Nhưng hiện mới chỉ có kết quả khoảng 30.000 trường hợp, còn lại khoảng 20.000 trường hợp đang chờ được xét nghiệm. Những ngày tới dự kiến sẽ là khoảng thời gian “vàng” để Đà Nẵng thúc đẩy kiểm soát dịch.
Bác sĩ (BS) Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm tất cả những người liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Theo BV Đà Nẵng, con số đó là 17.700 người và đã được gửi hết về cho các quận, huyện để rà soát. Trong khi đó, Sở Y tế mới chỉ tiếp nhận thông tin, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 700 trường hợp; còn lại gần 17.000 người sẽ tiếp tục rà soát, tìm kiếm, xác định rõ yếu tố dịch tễ, lịch sử di chuyển, hướng dẫn thực hiện các yêu cầu y tế khác.
“Những người nào đã đến BV Đà Nẵng từ ngày 1 – 30.7 thì liên hệ cơ sở y tế để cung cấp thông tin và lấy mẫu xét nghiệm”, BS Thạnh kêu gọi.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của người dân tại khu dân cư P.An Hải Đông, Q.Sơn Trà Ảnh: Huy Đạt

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của người dân tại khu dân cư P.An Hải Đông, Q.Sơn Trà  ẢNH: HUY ĐẠT

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay: “Hiện TP không thiếu nhân lực vì chúng ta có đến 300 kỹ thuật viên lấy mẫu. Nhân lực và các thiết bị máy móc, sinh phẩm được trang bị khá đầy đủ, năng lực lấy mẫu xét nghiệm được nâng lên đáng kể, có thể tổ chức xét nghiệm diện rộng. Ngoài nhóm đối tượng ưu tiên như các trường hợp có nguy cơ cao, sẽ xét nghiệm trước đối với đối tượng đang làm nhiệm vụ như công an, quân đội, cán bộ công chức, cán bộ xã phường…”.
Được biết, CDC Đà Nẵng đã có 13 máy xét nghiệm RT-PCR và 3 máy chiết mẫu phẩm tự động. Đây là số máy được trang bị và mượn từ các đơn vị, địa phương để khẩn trương thực hiện xét nghiệm truy vết các ca nhiễm… Đà Nẵng hiện tập trung triển khai xét nghiệm sớm với 6 nhóm đối tượng, gồm: người nghi nhiễm, F1; gần 17.000 trường hợp liên quan BV Đà Nẵng; người tại ổ dịch, điểm nóng; khu phong tỏa; nhân viên y tế và một số cơ quan đơn vị…
Đã có 3 địa phương tại Đà Nẵng triển khai thực hiện phương pháp lấy mẫu gộp để xét nghiệm, gồm các quận: Hải Châu, Sơn Trà và H.Hòa Vang. Đây là những địa phương có ca lây nhiễm trong cộng đồng. “Việc xét nghiệm nhóm chỉ áp dụng trong trường hợp lấy mẫu phẩm của một hộ gia đình cụ thể để xác định nhanh việc lây nhiễm ở cộng đồng. Riêng đối với các trường hợp F1, người có tiếp xúc với nguồn lây, có biểu hiện nhiễm vi rút vẫn xét nghiệm độc lập”, BS Thạnh thông tin.

Cung ứng nhu yếu phẩm tận nơi cho vùng bị cách ly

Ngày 7.8, Sở Công thương TP.Đà Nẵng cho hay đã phối hợp với UBND các quận huyện, có nhiệm vụ kết nối BQL các chợ, hộ tiểu thương theo danh sách do sở cung cấp, để sẵn sàng phương án cung ứng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Theo đó, người dân có nhu cầu sẽ gửi đơn hàng cho các tổ công tác Covid-19 địa phương để được điều phối, nhằm đảm bảo phương án giao nhận hàng an toàn.
Chiều cùng ngày, BQL an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp đảm bảo cho cơ sở y tế và khu cách ly. Theo quy định, đầu mối tiếp nhận tất cả suất ăn sẵn tại các địa điểm: 12 Trần Phú, 4 Lê Duẩn và 64 Đống Đa (tuyến TP), hoặc Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận huyện, trụ sở UBND các quận huyện, xã phường. BQL an toàn thực phẩm, cùng Phòng Y tế các quận huyện sẽ kiểm tra đánh giá điều kiện với cơ sở đăng ký cung cấp suất ăn, đạt yêu cầu mới thực hiện.
Nguyễn Tú 

Đưa bệnh nhân thể nhẹ vào BV dã chiến Tiên Sơn

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, cách ly là biện pháp chống dịch hiệu quả nhất. Nếu không tích cực, rà soát để tổ chức cách ly kịp thời thì sẽ không thành công. Sở dĩ vấn đề cách ly, xét nghiệm được Đà Nẵng ưu tiên hàng đầu vì hiện ghi nhận của Sở Y tế Đà Nẵng cho thấy hơn 70% số bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng, hơn 20% BN triệu chứng lâm sàng nhẹ… Các BN Covid-19 thể nhẹ sẽ được đưa đến điều trị tại BV dã chiến Tiên Sơn khi nơi này đi vào hoạt động.
Cũng trong ngày 7.8, Đà Nẵng tăng cường thiết lập thêm 8 cơ sở cách ly y tế tập trung dành cho trường hợp F1, 9 điểm cách ly y tế tập trung cho các cán bộ y tế, 1 điểm cách ly y tế tập trung đối với nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị BN Covid-19.
Để chuẩn bị ứng phó khi dịch Covid-19 đến đỉnh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương trưng dụng các nhà văn hóa, trường học… làm khu cách ly tập trung. Đến hiện tại, điểm cách ly tập trung trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã lên đến gầnm70 điểm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay: “TP vẫn đủ năng lực để thực hiện việc cách ly tập trung. Hiện TP đang sử dụng các trường học để làm nơi cách ly tập trung và rất thuận tiện. Việc cách ly cộng đồng là phải chuẩn bị. Tuy nhiên, TP chưa thực hiện cách ly tại cộng đồng trường hợp nào. Trong trường hợp quá tải, lên tới cả hàng trăm ngàn ca thì phải tính tới cách ly tại nhà nhưng cũng rất khó xảy ra trường hợp này nếu kiểm soát tốt”.

Chưa đến mức phong tỏa Đà Nẵng

Liên quan đến dư luận trái chiều xung quanh việc có nên thực hiện phong tỏa TP.Đà Nẵng khi đỉnh dịch đang đến gần, trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ đánh giá “chưa đến mức này”. Ông Thơ thông tin, hiện những khu vực dân cư có mật độ nhiễm bệnh cao, từ 2 – 3 ca trở lên, TP đã thực hiện việc phong tỏa để cách ly. Theo đó, các khu vực này đã được đóng đường, người dân không được ra ngoài, như: khu vực thôn Lệ Sơn Nam (H.Hòa Vang), một khu vực tại Q.Sơn Trà… Còn toàn TP vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. “Theo tôi nghĩ, thực hiện nghiêm ngặt vấn đề cách ly thì sẽ ổn, không cần đến mức tất cả TP này phải đem barie dựng hết, rồi không ai được đi đâu và cứ ngồi trong nhà”, ông Thơ nhận định.
Người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng cho biết TP sẽ theo sát những diễn biến từ trong cộng đồng. Nếu có những diễn biến, dấu hiệu ca bệnh tăng lên mà không kiểm soát được thì lúc đó buộc phải phong tỏa TP. “Quyết định đưa ra phải chính xác… Không được chủ quan mà phải theo dõi và nhận định chính xác tình hình”, ông Thơ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thơ, Bộ Y tế và các chuyên gia sẽ bàn vấn đề này để đưa ra phương án, biện pháp sát, đúng với diễn biến của dịch bệnh thông qua việc đánh giá chặt chẽ về dịch tễ học, rà soát diện rộng.

Vingroup trao tặng 1.700 máy thở và hóa chất cho 56.000 xét nghiệm Covid-19

Ngày 7.8, Tập đoàn Vingroup đã tiến hành bàn giao cho Bộ Y tế lô máy thở đầu tiên do tập đoàn sản xuất. Kế hoạch trao tặng máy thở nằm trong công bố tặng 5.000 máy thở không xâm nhập VFS-310 cho Bộ Y tế ngày 3.4 của Tập đoàn Vingroup.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu từ Bộ Y tế, Vingroup đã đồng ý chuyển gói tài trợ 5.000 máy thở không xâm nhập VFS-310 thành 3.000 máy thở xâm nhập VFS-410.
Đà Nẵng cấp tập đối phó đỉnh dịch - ảnh 2

GS Đỗ Tất Cường, Phó tổng giám đốc Hệ thống y tế Vinmec, đại diện Tập đoàn Vingroup (phải) trao tặng máy thở cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long  ẢNH: VG

 

Vingroup còn tặng thêm 200 máy thở xâm nhập VFS-510 cho Bộ Y tế nhằm tăng cường khả năng chống dịch Covid 19.
Theo kế hoạch trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 7.8, 1.700 máy thở xâm nhập đợt 1 gồm 1.500 máy VFS-410 và 200 máy VFS-510 sẽ được Vingroup bàn giao dần cho Bộ Y tế.
Đồng thời Vingroup đã đề xuất tặng hóa chất để thực hiện 56.000 xét nghiệm chẩn đoán phát hiện vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Real Time – PCR) cho Đà Nẵng, Hải Phòng và Bắc Ninh.
Trong đó, hóa chất cho 50.000 xét nghiệm sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến tâm dịch Đà Nẵng, hóa chất cho 6.000 xét nghiệm còn lại chia đều cho Hải Phòng và Bắc Ninh. Tổng giá trị tài trợ hóa chất xét nghiệm lên tới gần 35 tỉ đồng.
Mai Ka
AN DY – HOÀNG  SƠN
TNO