Tình đồng minh Mỹ – Đức sứt mẻ

Tình đồng minh Mỹ – Đức sứt mẻ

Bất chấp các cảnh báo và chỉ trích, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết định rút 11.900 binh sĩ khỏi Đức – đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ tại châu Âu, nhiều hơn cả con số đã từng công bố trước đây.

 

Tình đồng minh Mỹ - Đức sứt mẻ - Ảnh 1.

Các binh sĩ thuộc lữ đoàn dù 173 của quân đội Mỹ huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện Grafenwoehr – căn cứ huấn luyện lớn nhất của NATO đặt tại Đức – Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

“Đức bỏ ra hàng tỉ đôla mỗi năm cho năng lượng từ Nga, trong lúc chúng ta phải có nghĩa vụ bảo vệ họ khỏi người Nga. Chuyện đó là sao? Ngoài ra, Đức còn chậm đạt mục tiêu dành 2% cho chi tiêu quốc phòng. Vì những lẽ đó, chúng tôi sẽ rút quân khỏi Đức”, ông Trump lý giải trên Twitter cá nhân sáng 30-7.

Nga hưởng lợi?

Trong số gần 12.000 quân được rút khỏi Đức, Mỹ rút về nước 6.400 lính. Số quân còn lại sẽ được tái bố trí sang Bỉ và Ý – hai nước có tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP còn thấp hơn cả Đức.

“Rượu champagne hẳn đã tuôn chảy như suối tại Điện Kremlin”, thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez nói về việc Nga sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất nếu Mỹ rút quân khỏi Đức.

Giống như nhiều chính trị gia khác, ông chỉ trích hành động của chính quyền Trump là một sai lầm chiến lược sau quyết định rút khỏi Syria.

“Đó chẳng khác nào một cái tát vào mặt đồng minh thân cận nhất của chúng ta ở châu Âu” – thượng nghị sĩ Mitt Romney, một thành viên của Đảng Cộng hòa, cũng lên tiếng bất mãn.

Nếu tính tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Mỹ đang là nước dẫn đầu NATO trong năm 2019 với 3,42%. Kế đến là Bulgaria (3,25%), Hi Lạp (2,28%), Anh (2,14%). Đức đứng thứ 17/30 quốc gia NATO nếu xét theo tiêu chí này trong khi là nước dành chi tiêu quốc phòng nhiều thứ hai trong khối, với hơn 54 tỉ USD trong năm 2019 và chỉ xếp sau Mỹ.

Hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Đức Merkel cam kết sẽ đạt yêu cầu 2% GDP cho quốc phòng trước năm 2030 và nhận được sự hoan nghênh từ Washington. Điều này khiến một số người đặt câu hỏi vì sao Mỹ vẫn quyết định rút quân khỏi nước đồng minh và câu trả lời chính là: khí đốt.

Sứt mẻ vì khí đốt

Trong nhiều năm qua, sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga không phải là vấn đề mới. Nhưng sự xuất hiện của đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã khiến Mỹ chú ý.

Chính quyền Trump cho rằng việc Berlin lệ thuộc ngày càng sâu vào khí đốt của Matxcơva đặt ra nguy cơ an ninh cho châu Âu và đề nghị thay thế bằng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Tuy nhiên, Đức đã từ chối và tiếp tục thúc đẩy dự án với Nga, bất chấp những cảnh báo trừng phạt của Washington.

Theo New York Times, niềm tin Mỹ sử dụng lợi thế địa chính trị để thúc đẩy xuất khẩu dầu đá phiến và LNG đang ngày một lớn ở châu Âu.

Hồi giữa tháng 7, Mỹ đã quyết định chuyển sang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những cá nhân và công ty tham gia xây dựng Nord Stream 2 kèm theo một thông điệp rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: “Các hành động hỗ trợ những dự án ác ý của Nga sẽ không được dung thứ. Rút ngay bây giờ hoặc lãnh hậu quả”.

Phần lớn dự án được xây dựng bởi một công ty con của Tập đoàn Gazprom của Nga. Một khi hoàn tất, đường ống Nord Stream 2 sẽ cung cấp mỗi năm 55 tỉ mét khối khí đốt từ Nga sang châu Âu. Hơn một nửa trong 9,5 tỉ euro dành cho dự án là tiền của 5 tập đoàn dầu khí châu Âu.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới Nord Stream 2, bởi khối lượng dự án đã hoàn thành lên tới 94% và phần lớn tiền cho các hạng mục quan trọng đã được giải ngân.

Tuy nhiên, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng tức giận với điều mà họ gọi là “sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề châu Âu”.

“Chính quyền ở Mỹ đang thiếu tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tự quyết của châu Âu. Chúng tôi có quyền tự quyết định lấy nguồn cung năng lượng từ đâu và như thế nào”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas mới đây chỉ trích.

Việc Mỹ tăng thêm số quân rút khỏi Đức được đưa ra sau chuyến công du châu Âu của ông Pompeo cách đây ít ngày. Tờ New York Times nhận định chuyến đi được xem là một nỗ lực cuối cùng của Mỹ để đóng băng dự án.

Ngoại trưởng Mỹ cũng đã ghé Đan Mạch, nơi đường ống của Nord Stream 2 đi qua vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Nhưng có vẻ như nỗ lực gây sức ép của Mỹ không mang đến kết quả, khi Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nêu rõ quan điểm trong cuộc họp báo chung với ông Pompeo ngày 22-7: “Đường ống chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi nhưng luật quốc tế cho phép như vậy và chúng tôi tuân thủ luật quốc tế”.

Rút quân tốn kém

Đài CNN dẫn một nguồn tin riêng cho biết các binh sĩ được rút khỏi Đức thuộc lực lượng không quân và lục quân. Việc giữ quân ở châu Âu hay đưa quân về nước đều tốn kém do phải xây dựng thêm căn cứ cho các binh sĩ mới đến.

Tướng Tod D. Wolters, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Âu, xác nhận tổng hành dinh Bộ tư lệnh châu Âu (EUCOM) sẽ được chuyển từ Đức sang Bỉ. “Chúng tôi cũng sẽ tái bố trí thêm 3 sở chỉ huy cấp lữ đoàn, một tiểu đoàn phòng không cùng các tiểu đoàn công binh, hậu cần và phi đội F-16”.

Theo CNN, chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng có thể lên tới vài tỉ USD và mất nhiều năm mới hoàn tất.

DUY LINH
TTO