Thuế nhiều mặt hàng xuất sang EU chính thức về 0%

Thuế nhiều mặt hàng xuất sang EU chính thức về 0%

Bắt đầu từ hôm nay (1.8), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Liên minh Châu Âu (EU) vào Việt Nam và chiều ngược lại từ Việt Nam vào EU sẽ giảm sâu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

 

Hàng nông sản Việt có nhiều cơ hội tại EU nhưng đối diện không ít thách thức /// Ảnh: Công Hân
Hàng nông sản Việt có nhiều cơ hội tại EU nhưng đối diện không ít thách thức ẢNH: CÔNG HÂN

Gạo, cá ngừ, tôm có cơ hội tăng tốc

Ở chiều xuất đi, có 212 dòng thuế các mặt hàng thủy hải sản từ mức thuế cơ sở 0 – 22%, trong đó phần lớn từ mức 6 – 22% được giảm về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm hùm, cá ngừ… Ngoài thủy sản, gạo Việt Nam cũng có lợi thế khi có mức thuế suất từ 5 – 45% khi vào thị trường EU về 0% theo lộ trình ngắn. Hoặc 37% các dòng thuế về da giày (giày vải, giày cao su, giày thể thao) hưởng ngay thuế nhập 0%, phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình 3 – 7 năm. Ở chiều ngược lại, cũng theo cam kết của EVFTA, từ hôm nay (1.8) Việt Nam cũng xóa bỏ về 0% thuế suất cho khoảng 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN; đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như thịt bò lộ trình giảm thuế từ 10 – 30% cũng về 0% trong thời gian rất ngắn là 3 năm. Hay sữa và các sản phẩm về sữa cũng từ 3 – 7 năm về thuế 0%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản, cho biết EU là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam, chiếm gần 25% hằng năm. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm mạnh từ 35 – 50% trong mấy tháng dịch đỉnh cao, nên lúc này nói đến triển vọng “thực sự là rất khó”. Trong năm nay, mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD chắc cũng khó đạt được. Thế nên, thuế suất về 0% ngay lập tức mà người tiêu dùng không mua thì sản lượng khó tăng. Dù vậy, ông Hòe cũng khẳng định, cơ hội từ EVFTA đối với ngành thủy sản là có, nhưng trong tương lai xa hơn, là câu chuyện của sau dịch Covid-19.
Nói về cơ hội hàng nông sản Việt sang EU, cụ thể với mặt hàng gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp cao Trung An, lạc quan cho biết gạo của công ty xuất đi EU lần đầu tiên đã xuất dưới danh nghĩa… tên của Công ty Trung An, không phải đóng gói dưới tên công ty đối tác ở EU như trước nữa.
Ông nói: “Dân EU không tiêu thụ nhiều gạo như các nước châu Á, nhưng đổi lại họ mua gạo thơm nhiều với giá cao. Bán một tấn gạo thơm có trị giá cao gấp đôi gấp ba gạo thường thì tuy sản lượng xuất khẩu thấp nhưng trị giá mang về lại không thấp. Khi thuế nhập vào EU về 0%, chúng tôi nhìn thấy ở thị trường EU không chỉ là chuyện bán gạo mà đưa giá trị hạt gạo Việt lên tầm cao mới, đó là thương hiệu, giá thành giảm mạnh, chắc chắn sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường này tăng lên”.

Cơ hội nhập máy móc

Tại Diễn đàn thương mại và công nghiệp về EVFTA do Bộ Công thương và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tổ chức trực tuyến tại Việt Nam hôm qua (31.7), Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh đại dịch bùng phát tại nhiều nước châu Âu khiến hiệu quả “ngay lập tức” khó thấy. Ông lưu ý đến cộng đồng doanh nghiệp về những chuẩn bị “nền” cho thị trường EU vốn được coi là khó tính nhất, có những quy định cực kỳ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, về truy xuất nguồn gốc… Phải nhìn nhận EVFTA không hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ. Tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình.
“Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế”, ông Hoàng Quốc Vượng lưu ý.
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), người có nhiều năm sống và làm việc tại thị trường EU, nhận định không nên đưa ra dự báo lạc quan với thị trường EU trong bối cảnh thế giới gồng mình với dịch Covid-19. Hàng EU miễn thuế 0% vào Việt Nam rõ ràng là cơ hội cho người tiêu dùng Việt được hưởng hàng tốt, giá tốt. Tuy nhiên “đừng quá kỳ vọng được mua ô tô, sữa, thịt từ EU giá rẻ ngay, vì lộ trình kéo dài từ 3 – 9 năm. Trước mắt, có khá nhiều mặt hàng máy móc, linh kiện nằm trong nhóm được cắt giảm thuế ngay lập tức. Đây là cơ hội lớn cho ngành sản xuất Việt Nam trong nhu cầu nhập khẩu máy móc để sản xuất, đầu tư nâng cao làm hàng chế biến sâu xuất khẩu.
Chỉ có vậy thôi là trước mắt. Bởi trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, mọi lạc quan nếu có nên chừng mực. Suy thoái kinh tế thế giới được dự báo khá ảm đạm. “Về lâu dài, phải chủ động nâng cao trình độ làm hàng, chuyên nghiệp hơn trong giao dịch thương mại, gỡ cho được “nạn” thẻ vàng đối với thủy hải sản, cẩn trọng tối đa tránh bị áp thuế chống bán phá giá hay những hình phạt thương mại tương tự khi tham gia vào một FTA”, ông nhấn mạnh.
NGUYÊN NGA
TNO