Vì sao Sơn La liên tiếp xảy ra động đất trong hai ngày qua?

Vì sao Sơn La liên tiếp xảy ra động đất trong hai ngày qua?

Tám trận động đất liên tiếp tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) được ghi nhận trong ngày 27 và 28-7 nằm trong đứt gãy sông Đà. Chuyên gia dự báo trong tương lai ở khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh hơn, độ lớn có thể đạt tới 6,3 – 6,4.

 

 

 

Vì sao Sơn La liên tiếp xảy ra động đất trong hai ngày qua? - Ảnh 1.

Trận động đất có độ lớn 5,3 khiến mái và trần nhà dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bị sập – Ảnh: LAM XUAN

Theo ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trong vòng từ khoảng 12h ngày 27 đến 8h30 ngày 28-7, đã xảy ra tám trận động đất tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 12h14 ngày 27-7 cũng là trận có cường độ lớn nhất 5,3, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Đứt gãy sông Đà hoạt động mạnh

Trận động đất gần nhất được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận lúc 8h26 ngày 28-7 có độ lớn 4,0, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,1km. Trận động đất này xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết các trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) là do nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh.

“Trận động đất có độ lớn 5,3 xảy ra lúc 12h14 ngày 27-7 ở huyện Mộc Châu là một trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận từ đầu năm 2020 đến nay. Ở cường độ này, khu vực mặt đất ở vị trí chấn tiêu có thể có rung động nền lên tới cấp 8 – 9.

Rung động của động đất có thể lan truyền đi xa, theo đó nhiều khu vực ở Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình… cũng cảm nhận được rung lắc khi người dân ở trên các tòa nhà cao tầng” – ông Xuân Anh nói

Nói thêm về việc động đất ở huyện Mộc Châu nhưng nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc, ông Xuân Anh cho biết mức độ cảm nhận độ rung lắc hay còn gọi là rung động nền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, khoảng cách đến tâm chấn và chất lượng công trình… Để đánh giá các rung động nền này cần phải có thiết bị đo đạc.

“Công trình nào ở nền đất cứng không có cộng hưởng rung chấn từ động đất thì người dân ít cảm nhận được rung lắc. Công trình ở khu vực có nền đất yếu hơn thì có cộng hưởng rung chấn từ động đất nên cảm nhận sự rung lắc sẽ rõ hơn.

Có thể xảy ra động đất mạnh 6,3-6,4

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng (Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), các trận động đất xảy ra trong hai ngày qua nằm trong đứt gãy sông Đà. Khu vực này được dự báo là vùng có nguy cơ xảy ra động đất và có thể xảy ra động đất mạnh hơn.

Vì sao Sơn La liên tiếp xảy ra động đất trong hai ngày qua? - Ảnh 3.

Trận động đất có độ lớn 5,3 khiến mái nhà dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bị sập – Ảnh: LAM XUAN

“Trận động đất xảy ra lúc 12h14 ngày 27-7 có độ lớn 5,3 tại huyện Mộc Châu không phải là quá lớn, ở mức trung bình. Trận động đất này có thể phá hủy địa hình một ít, khu vực tâm chấn có nhà dân có thể có hiện tượng nứt nẻ nhưng không lớn. Các rung động nhà cao tầng ở Hà Nội cũng không đáng ngại.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đề phòng vì các tài liệu dự báo khu vực này trong tương lai có thể xảy ra động đất lớn hơn, độ lớn có thể đạt 6,3 – 6,4”, PGS. TS Cao Đình Triều nói.

Lý giải về việc liên tiếp xảy ra các trận động đất sau đó, ông Triều cho biết thông thường một đợt động đất xảy ra nhiều trận, trận mạnh nhất là chủ chấn, sau trận chủ chấn sẽ có những trận dư chấn, dư chấn thường nhỏ hơn chủ chấn và suy giảm dần.

“Trận động đất có độ lớn trên 5,0 thì sau khi xảy ra sẽ có rất nhiều dư chấn, có thể lên tới hàng trăm, tuy nhiên những trận dư chấn mà ghi nhận được sẽ còn một vài trận nữa trong thời gian tới. Các dư chấn này thường nhỏ chủ chấn hơn nên không gây ảnh hưởng nhiều” – ông Triều thông tin thêm.

CHÍ TUỆ
TTO