Trường chuyên thay đổi như thế nào? – Kỳ 3: Khai thông những rào cản, bế tắc

Trường chuyên thay đổi như thế nào? – Kỳ 3: Khai thông những rào cản, bế tắc

Cần duy trì hệ thống trường chuyên nhưng phải thay đổi mạnh mẽ trong nội hàm; giải phóng, gỡ bỏ những trói buộc để mô hình này phát triển lành mạnh, trở thành bệ đỡ cho tài năng toả sáng.

 

Trường chuyên thay đổi như thế nào? - Kỳ 3: Khai thông những rào cản, bế tắc - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) học môn bóng đá trong tiết thể dục tự chọ – Ảnh: H.HG.

Nói về hành trình phát triển hệ thống trường THPT chuyên, PGS.TS Nguyễn Thành Văn, hiệu trưởng Trường THPT chuyên ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Quyết định của Nhà nước thành lập khối chuyên từ năm 1965 giờ nhìn lại vẫn thấy hoàn toàn đúng đắn.

Nhưng ở giai đoạn sau này, khi xã hội phát triển, hội nhập mạnh hơn, chúng ta đều nhận ra không chỉ cần người xuất sắc ở một vài lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực khác nhau. Những thay đổi này khiến hệ thống trường chuyên bộc lộ những bất cập, cần thay đổi để tồn tại”.

“Tôi ủng hộ việc thành lập các câu lạc bộ trong trường chuyên. Việc phát hiện, nuôi dưỡng tài năng lại chính ở hoạt động câu lạc bộ. Vì ở đó học sinh được bộc lộ bản thân, khám phá chính giá trị của mình, hiểu được điều mình đam mê.
BS Ngô Hải Sơn

Thay đổi triết lý, cách làm

“Với những người xuất sắc, cần có một môi trường đặc biệt cho họ học tập, nghiên cứu, rút ngắn thời gian trưởng thành và tỏa sáng. Nhưng những học sinh có năng lực thực sự đặc biệt đó không nhiều.

Trong trường chuyên, đa số sẽ là những học sinh có đam mê và năng khiếu bước đầu ở một lĩnh vực nào đó. Vì thế, thay vì bắt những học sinh đó học chuyên sâu ở một môn cụ thể, cần tạo môi trường để các em phát triển mọi khả năng tiềm ẩn, có thể là âm nhạc, hội họa, thậm chí về tài chính.

Để thành công trong một lĩnh vực công việc trong bối cảnh hiện nay, học vấn chỉ chiếm 30% nhưng các kỹ năng mềm được trang bị chiếm đến 70%. Bởi vậy, thay đổi triết lý, thay đổi cách làm là việc cần thiết phù hợp với yêu cầu của kỷ nguyên mới” – ông Nguyễn Thành Văn nêu quan điểm.

Ông Ngô Hải Sơn – bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một cựu học sinh chuyên – nhìn nhận: “Trong một môi trường đặt mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển năng lực đặc biệt của học sinh thì nên phân khúc theo các nhóm: những học sinh có năng lực ở nhiều lĩnh vực và những học sinh có năng lực đặc biệt xuất sắc ở một lĩnh vực”.

Theo ông Sơn, với những học sinh có năng lực ở nhiều lĩnh vực, họ không phải chỉ học tốt đều các môn khoa học cơ bản mà còn có khả năng hùng biện tốt, có năng khiếu nghệ thuật, thể thao, có tài lãnh đạo…

Với nhóm học sinh này, cần một “trường chuyên” hoặc một môi trường phù hợp trong trường chuyên để có thể phát triển tối đa năng lực bản thân. Trong môi trường đó, nhiều học sinh có cơ hội khám phá những giá trị tiềm ẩn mà trước đó họ không hề biết.

Bên cạnh đó, trường chuyên cần có sự đầu tư đặc biệt cho những đối tượng học sinh có năng lực đặc biệt xuất sắc trong một lĩnh vực.

“Những học sinh này có thể sẽ là những nhân tài trong tương lai, những chuyên gia xuất sắc trong một lĩnh vực. Vì thế điều kiện để họ được học tập, nghiên cứu chuyên sâu cần được chú trọng. Các trường chuyên cần mở rộng kết hợp với các trường đại học uy tín, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để hỗ trợ những học sinh đặc biệt, rút ngắn thời gian học tập, nghiên cứu” – ông Sơn góp ý.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền – nguyên giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM – cho rằng trường chuyên đang lãng phí và không hiệu quả cần tinh giản, phân tách hợp lý.

Theo bà Hiền, “trường chuyên là môi trường thực sự dành cho các học sinh chuyên, có niềm đam mê thực sự và các em được giáo dục, bồi dưỡng để tạo nguồn cho những ngành khoa học cơ bản sau này. Ngoài ra, vẫn cần có hệ thống các trường không phải là trường chuyên nhưng có đầu vào cao để thu nhận những học sinh giỏi nhưng không có nhu cầu học chuyên. Những trường này có định hướng giáo dục phù hợp với bối cảnh hội nhập, học sinh phải đóng phí theo quy định chứ không được hưởng chế độ của học sinh chuyên”.

Cần “mở cửa”

Một số cựu học sinh chuyên cho rằng thay vì “đóng cửa luyện thi học sinh giỏi” thì trường chuyên cần mở cửa, phát triển nhiều hơn các câu lạc bộ. Các câu lạc bộ này không chỉ là chỗ để giải trí mà còn là nơi học hành, cọ xát, thể hiện các ý tưởng sáng tạo. Trên thực tế, đã có những trường chuyên “mở cửa” và nhận được hiệu ứng tích cực.

Xác định trở thành ngôi trường “có nhiều cửa sổ” để học sinh được nhúng trong các hoạt động khác nhau, phát triển năng lực ở nhiều lĩnh vực phù hợp với xu thế mới, PGS.TS Nguyễn Thành Văn cho biết trường có tới gần 20 chủ đề hoạt động ngoại khóa trong một năm học, ở mọi lĩnh vực: thể thao, nghệ thuật, hoạt động chia sẻ cộng đồng, tri ân, các sân chơi trí tuệ nhằm tìm kiếm tài năng.

Bên cạnh đó, ngay trong các môn học cũng được đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, cách thức tổ chức, đưa học sinh vượt ra ngoài không gian lớp học; khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, phát triển ý tưởng, thực hiện các ý tưởng, dự án vận dụng kiến thức trong chương trình học.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cũng đang áp dụng hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ khối lớp 6 và lớp 10, đưa một số môn học mới vào chương trình giáo dục.

“Tự nhìn lại mình, chúng tôi thấy trường chuyên đã làm tốt việc trang bị kiến thức cho học sinh bởi chúng tôi có điều kiện thuận lợi là đội ngũ giáo viên giỏi, năng động, sáng tạo. Nhưng nhiệm vụ dạy cho học sinh kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm và tính kiên định, sáng tạo, tò mò… thì sẽ phải bổ sung bằng nhiều cách” – ông Nguyễn Minh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nói.

Từ năm học 2019 – 2020, ngoài chương trình học thuật theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi tuần học sinh Trường Trần Đại Nghĩa sẽ học thêm 2 tiết thể dục tự chọn (bao gồm các môn bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy bền, aerobic, võ nhạc taekwondo), 2 tiết kỹ năng sống Arkki, 2 tiết ngoại ngữ tự chọn (tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Trung), mỗi tháng có thêm 2 tiết nghiên cứu khoa học nữa.

Còn hai nội dung nữa sẽ thực hiện cho học sinh từ năm học 2020 – 2021 là hoạt động cộng đồng và giao lưu học thuật quốc tế, với mục tiêu mỗi học sinh sẽ có ít nhất một người bạn quốc tế cùng trang lứa để trao đổi, học tập lẫn nhau.

Hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng mềm

Trường không chỉ chú trọng dạy những môn học cơ bản theo chương trình của Bộ GD-ĐT mà còn đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, phát triển các kỹ năng mềm. Ban giám hiệu và Đoàn trường đã xây dựng các câu lạc bộ về các môn học và các kỹ năng như câu lạc bộ nấu ăn, câu lạc bộ nghệ thuật, tổ chức từ thiện và phát triển sách BONE, tổ chức tình nguyện Chạm, các buổi giáo dục chuyên đề kỹ năng sống được chính các học sinh tái hiện qua các vở kịch, biểu diễn sân khấu mỗi thứ hai hằng tuần.

Bên cạnh đó còn có các cuộc thi rèn luyện kỹ năng mềm như cuộc thi cấp trường Teen CHT, Tìm kiếm tài năng thuyết trình, các cuộc thi trí tuệ hiểu biết toàn diện như Đường lên đỉnh Olympia… Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Bình

(phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh)

Mai Thương ghi

Có thể rút ngắn thời gian học

Nói về những bất cập ở trường chuyên hiện nay, hiệu trưởng một trường THPT chuyên tại TP.HCM thừa nhận: “Xã hội không thấy được sự vượt trội của trường chuyên bởi “đầu ra” của học sinh chuyên cũng giống như học sinh bình thường.

chuyen 5 2(read-only)

Học sinh Trường THPT chuyên ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội – Ảnh: Mai Thương

Chúng ta chưa có cơ chế “giải phóng” cho trường chuyên và học sinh chuyên. Ví dụ như những học sinh chuyên có tư duy vượt trội, năng lực tự học tốt vẫn phải học đủ 12 năm mới được tốt nghiệp THPT. Hay một trong những hoạt động mà trường chuyên cần phải đẩy mạnh là giao lưu, kết nối với các trường trên thế giới thì hiện tại cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê”.

HOÀNG HƯƠNG – VĨNH HÀ
TTO