Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng

Những buổi dạ hội, lễ chào cờ cuối cùng và đêm tri ân thầy cô, cha mẹ là những dấu ấn đẹp đẽ của học sinh THPT trước khi kết thúc một năm học đặc biệt kéo dài vì dịch COVID-19.

 

 

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 1.

Buổi chào cờ cuối cùng trong thời học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) khiến nhiều học sinh lớp 12 mang cảm xúc đặc biệt – Ảnh: HUY TRẦN

Thực hiện một clip vui nhộn làm quà kỷ niệm cho lớp, tổ chức một buổi sinh nhật cho cô giáo chủ nhiệm, gửi cho bạn link một bài hát yêu thích… Đó là những việc nhỏ nhặt trong bộn bề nhiều thứ mà những học sinh cuối cấp muốn làm vào những ngày học cuối cùng.

Ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), có một tuần lễ của học sinh lớp 12. Các lớp chia nhau mỗi ngày để có một điều gì đó đặc biệt dành cho thầy cô, bạn bè.

Các em có một ngày hội bóng nước vui nhộn cùng thầy, cô; có buổi học cuối cùng để thầy cô căn dặn những điều quan trọng trước khi bước vào kỳ thi cam go, có lễ chào cờ cuối cùng của tuổi học trò và buổi lễ cuối cùng khi các con xúc động cài hoa lên ngực cha, mẹ để thể hiện lòng biết ơn chân thành.

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 2.

Bồi hồi giây phút gài hoa lên áo mẹ… – Ảnh: HUY TRẦN

Và “màn lưu bút trên áo” mang đậm chất học trò thì học sinh trường nào cũng có.

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 3.

Viết lên vai áo điều muốn nói nhất với cô bạn thân cùng lớp, đằng sau mỗi dòng chữ là một gương mặt hài hước, lém lỉnh, nghịch ngợm, ấm áp, rụt rè, dễ thương – Ảnh: VĨNH HÀ

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 4.

Một nữ sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) ngồi ngẫm mãi trước tấm áo trải phẳng để nghĩ xem mình viết gì cho cậu bạn cùng lớp trong buổi lễ tri ân trưởng thành – Ảnh: VĨNH HÀ

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 5.

Làm biểu tượng trái tim cho tình bạn trước lúc chia tay… – Ảnh: VĨNH HÀ

Lễ chia tay ra trường của học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hòa có tên “Giấc chiêm bao”. Đối với các cô, cậu ở tuổi 18, ba năm học giống như một giấc chiêm bao với nỗi lo lắng thót tim khi đến lớp không thuộc bài mà bị cô giáo gọi lên bảng, những giờ học toán mà vui hết cỡ, những chuyến đi trải nghiệm, những tình cảm trong trẻo thoáng qua, những va chạm, cãi cọ, giận hờn…

“Chúng ta có một năm học đặc biệt… Ba tháng dịch bệnh chỉ có thể gặp mặt nhau qua cái màn hình máy tính trong các giờ học trực tuyến, rồi vỡ òa ngày ‘hết giãn cách’ lại được đến trường. Số phận đã khiến học sinh cuối cấp năm nay kéo lùi thời khắc chia tay, và trong cái không may cũng có cái hay là chúng ta được ở bên nhau thêm một quãng nữa”, một nam sinh Trường THPT Yên Hòa xúc động nói.

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 6.

“Đỗ đại học bạn nhé!”, “Nguyện vọng 1 nhé” … Những cô gái tuổi 18 ôm và chúc nhau trước khi tạm biệt – Ảnh: VĨNH HÀ

Và những cái ôm của bạn bè, những giọt nước mắt mát lành trên vai nhau giữa đêm tháng bảy nóng nực.

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 7.

Trước lúc chia tay – Ảnh: VĨNH HÀ

Những giọt nước mắt…

Chia tay tuổi học trò với nụ cười, nước mắt, những cái ôm và lời gan ruột của hiệu trưởng - Ảnh 8.

Trong đêm chia tay của học sinh THPT, nhiều bạn đã nhắc đến câu ví “thanh xuân như cơn mưa rào”. Và những cô, cậu học trò này vẫn đang trong cơn mưa ấy và mong nó lâu tạnh. Nhưng chỉ thời học trò mơ mộng sắp trôi đi thì những tiếc nuối mới đong đầy – Ảnh: VĨNH HÀ

Lễ tri ân trưởng thành, các sự kiện với chủ đề “Tôi 18” đa dạng hiện là hoạt động truyền thống của nhiều trường THPT. Với một số thầy, cô giáo, các hoạt động này giống như những “bài học cuối cùng” dành cho học trò. Đó là bài học về sự yêu thương, về tình cảm của con với cha mẹ, của thầy, trò, bè bạn.

3 điều cô hiệu trưởng căn dặn học trò trước khi chia tay

Trong buổi chia tay học sinh lớp 12, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nhắc các em về lòng trung thực, sự tôn trọng. Có 3 điều cô muốn các trò ghi nhớ trước ngày chia xa mái trường.

“Thứ nhất, các con phải tuyệt đối trung thực vì trung thực sẽ khiến uy tín của bản thân con được nâng lên. Trung thực, con sẽ giảm sự tham lam và các tính xấu khác. Ngay cả khi thất bại, thua thiệt thì con vẫn cần sống trung thực. Như thế con mới có thể ngẩng cao đầu…

Thứ hai, trong bất cứ công việc nào, các con phải nhớ chăm chỉ, nhiệt tình và tận tâm. Hãy coi làm việc để học hỏi, mỗi nhiệm vụ là một cơ hội tích lũy kinh nghiệm, một cánh cửa dẫn các con tới thành công.

Thứ ba, thế hệ các con gặp nhau là cười nói vô tư, tán chuyện và sẵn sàng chỉ trích ai đó trên mạng. Khi đó, con đã vô tình thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác. Sự vô tình đó có thể trở thành vô tâm và nhiều lần sẽ trở thành vô cảm. Tính cách được hình thành từ thói quen hằng ngày, nên con nhớ tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình.

Hãy nhớ, số phận của các con được quyết định bởi tính cách của các con là phần lớn, chỉ có một phần là may mắn thôi…”, cô Nguyễn Thị Nhiếp căn dặn học sinh.

VĨNH HÀ
TTO