Cao trào ngoại giao pháo hạm trên Biển Đông

Cao trào ngoại giao pháo hạm trên Biển Đông

Việc Mỹ, Trung Quốc đều tiến hành tập trận ở Biển Đông gần đây có thể xem là một cao trào ngoại giao pháo hạm, Washington và Bắc Kinh không chỉ muốn gửi thông điệp cho nhau mà còn cho cả các bên khác trong khu vực.
Đội hình 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông /// PACOM
Đội hình 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông   PACOM
Những ngày qua, Biển Đông thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế khi Mỹ ngày 6.7 công bố hình ảnh 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) và USS Ronald Reagan (CVN 76) tập trận chung trên Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh cũng công bố tập trận quy mô lớn từ ngày 1 – 5.7 ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép.

Thông điệp của Washington và Bắc Kinh

Ngày 7.7, trả lời Thanh Niên, PGS-TS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: “Tuần qua, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tập trận dồn dập, với quy mô lớn chưa từng có của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông”. Đây là một hình thức ngoại giao pháo hạm.
“Ở cấp độ song phương, hai bên phát tín hiệu cho nhau rằng kiên quyết không lùi bước khỏi các vị trí hiện có trên Biển Đông. Trong khi Bắc Kinh tự cho mình quyền xem Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, thì với Washington và nhiều bên luôn muốn đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế, không để bất cứ bên nào độc chiếm vùng biển này”, ông Nagy nhận định và đánh giá thêm: “Với Trung Quốc, việc cấp tập gia tăng quân sự ở Biển Đông cũng là cách để chính quyền nước này thể hiện sự lãnh đạo, chứng minh sức mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh chịu nhiều chỉ trích liên quan đại dịch Covid-19”.

Ở cấp độ song phương, hai bên phát tín hiệu cho nhau rằng kiên quyết không lùi bước khỏi các vị trí hiện có trên Biển Đông

PGS Stephen Robert Nagy

“Rộng hơn, thông qua các cuộc tập trận, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn gửi thông điệp đến các nước trong khu vực, các thành viên ASEAN… Cụ thể, Washington đang hướng đến nhấn mạnh một nước Mỹ mạnh mẽ, cam kết tiếp tục hiện diện tại khu vực. Còn Bắc Kinh thì muốn thể hiện rằng không ngần ngại sức mạnh từ Washington, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự”, theo PGS-TS Nagy.
Cao trào ngoại giao pháo hạm trên Biển Đông1

Chiến hạm Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông hồi tháng 6.2020  ẢNH: CHINAMIL.CN

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Các cuộc tập trận có thể làm nguy cơ xung đột tăng cao vì những phát sinh ngoài ý muốn, đặc biệt là khi chủ nghĩa dân tộc đang có chiều hướng gia tăng ở Trung Quốc”.

Mỹ có ngại “sát thủ tàu sân bay” ?

Liên quan việc Mỹ tập trận, tờ Hoàn Cầu thời báo vừa đăng bài bình luận, trong đó có đoạn phân tích như sau: “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc, và bất cứ chuyển động nào của tàu sân bay Mỹ cũng luôn bị theo sát bởi quân đội Trung Quốc – vốn đang triển khai tên lửa Đông Phong 21 và Đông Phong 26 là các “sát thủ” đối với tàu sân bay”.
Trả lời Thanh Niên về rủi ro tên lửa diệt hạm của Trung Quốc đối với tàu sân bay Mỹ, cựu đại tá Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: Trung Quốc vẫn luôn giới thiệu tên lửa Đông Phong 21 và Đông Phong 26 là các “sát thủ diệt tàu sân bay”. Tuy nhiên, tên lửa có khả năng công phá mạnh là một chuyện, nhưng muốn đánh chìm tàu thì trước hết phải bắn trúng.
“Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Do đó, dù là một nguy cơ nhưng tên lửa siêu thanh Đông Phong 21 hay Đông Phong 26 khó có thể dễ dàng bắn hạ tàu sân bay. Để tác chiến hiệu quả thì cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều khí tài, từ máy bay hỗ trợ đến tàu chiến nhằm đảm bảo khả năng chỉ huy, kiểm soát, kết nối…”, ông Schuster phân tích. Chính vì thế, việc khai hỏa tên lửa diệt hạm để tấn công tàu sân bay Mỹ chẳng hề dễ dàng.
NGÔ MINH TRÍ
TNO