GDP tăng thấp nhất thập kỷ khi chính phủ hi sinh lợi ích kinh tế

GDP tăng thấp nhất thập kỷ khi chính phủ hi sinh lợi ích kinh tế

Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 1,81%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ vừa qua. Lý giải về điều này, Tổng cục Thống kê cho biết chính phủ đã hi sinh lợi ích kinh tế để tập trung chống dịch, bảo đảm tính mạng, sức khoẻ người dân.

 

 

GDP tăng thấp nhất thập kỷ khi chính phủ hi sinh lợi ích kinh tế - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP của VN thấp nhất thập kỷ qua, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm – Ảnh: H.M.

GDP tăng 1,81%

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương, phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, thông báo tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Riêng quý 2 năm nay tăng trưởn GDP chỉ đạt 0,36%.

Nguyên nhân do 6 tháng đầu năm dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Nhiều tổ chức tổ chức quốc tế và thể chế tài chính dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn căng thẳng đã tác động tiêu cực đến kinh tế VN.

Trong nước, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hi sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.

“Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm” – bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%. Khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 4,96% và các ngành dịch vụ thị trường như bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%.

GDP tăng thấp nhất thập kỷ khi chính phủ hi sinh lợi ích kinh tế - Ảnh 2.

Số DN thành lập mới trong 6 tháng giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước – Ảnh: Q.P.

Số DN thành lập mới tăng trở lại

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sau 2 tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế – xã hội đang dần được khôi phục. Số DN thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc, tăng 27,9% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy các DN kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý 3 khả quan hơn Quý 2.

Trong tháng 6, cả nước có 13.725 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 139.100 tỉ đồng và số lao động đăng ký là 100 nghìn lao động.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697.100 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 6 tháng đạt 11,2 tỉ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng qua, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 DN, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước, có 19.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%, và 7.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Bên cạnh đó có 22.400 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 33,9%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có 27,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 tốt hơn quý 1; 40,8% số DN đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Có 49,1% số DN đánh giá xu hướng kinh doanh quý 3 sẽ tốt lên, 19,4% số DN dự báo khó khăn hơn và 31,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Chỉ số lạm phát (CPI) tháng 6, tăng 0,66% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu tăng giá. Tính chung 6 tháng, chỉ số CPI tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

B.NGỌC
TTO